Một lần đến nghỉ đảo Jeju (Hàn Quốc), người viết nghe hướng dẫn viên địa phương tự hào giới thiệu đây là nơi từng quay một bộ phim truyền hình nổi tiếng. Thứ đang giúp người này “bán hàng” không phải là khu nghỉ dưỡng mà là một giá trị do “Hàn lưu” mang lại.

Đánh giá một cách công bằng, khu nghỉ dưỡng nói trên không thể sánh với nhiều resort tương tự ở Việt Nam với hướng nhìn ra đại dương kém ấn tượng hơn. Nhưng có một điểm khác biệt, đó là resort trên đảo Jeju đã từng trở thành bối cảnh cho một bộ phim truyền hình gây sốt trong cộng đồng người châu Á trên khắp thế giới. Người làm du lịch Hàn Quốc đã lập tức tận dụng điều này để làm đa dạng hơn “giỏ hàng” của mình khi giới thiệu với du khách.

“Hàn lưu” - tên gọi của trào lưu văn hóa, giải trí đã khiến bộ phận dân số lên đến hàng trăm triệu người trên thế giới say mê. Người Hàn biến nó thành chất xúc tác để thúc đẩy xuất khẩu không chỉ xe hơi, đồ điện tử, thiết bị di động, mà còn cả những sản phẩm ẩm thực và các khu du lịch.

Một góc đảo Jeju - phim trường của nhiều bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng. Ảnh: Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam

Trong số đông đảo người dân trên thế giới tiếp xúc với “Hàn lưu”, chỉ cần 1% trong đó có ước ao được ngồi vào chiếc ghế trong quán càphê nhìn ra biển, nơi nhân vật nam trong bộ phim truyền hình dài tập ngồi lặng trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư, hay được cùng người yêu thưởng thức chuyến đi trăng mặt lặp lại hành trình mà cặp đôi trong một bộ phim cũng đủ để du lịch Hàn Quốc hốt bạc.

Trước đó - vào năm 1957, điện ảnh Anh - Mỹ xây dựng bộ phim lịch sử Cầu qua sông Kwai (The Bridge On The River Kwai) nói về số phận của các binh sĩ Anh bị phátxít Nhật bắt làm tù binh trong Thế chiến II. Họ bị buộc phải xây dựng một cây cầu qua sông Mae Klong - nằm trên tuyến đường sắt nối Bangkok (Thái Lan) với Rangoon (Myanmar).

Phim là câu chuyện được hư cấu, nhưng cây cầu trên sông Mae Klong là có thật. Sau khi bộ phim đoạt 7 giải Oscar, cây cầu trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và người Thái đã mau mắn đổi tên cầu thành “cầu sông Kwai”. Nơi này nhanh chóng trở thành điểm du lịch khó bỏ qua đối với những ai đặt chân đến tỉnh Kanchanaburi.

Việc tận dụng phim trường để làm câu chuyện cho kinh doanh du lịch cũng không xa lạ tại châu Âu. Tháng 11 năm ngoái, người viết có dịp đến thăm xứ sở cao nguyên Scotland - nơi mà ai một lần tới đều có mong ước thăm hồ Loch Ness với quái vật Nessie nổi tiếng.

Theo ước tính, con quái vật gây tranh cãi suốt nhiều thập kỷ qua này có sức hút mỗi năm một triệu du khách tới đây, đem lại doanh thu khoảng 25 triệu bảng Anh cho gần hai vạn dân sống tại khu vực Loch Ness và vùng phụ cận. Chính quyền địa phương còn thường tổ chức các hội thảo hay hoạt động liên quan đến Nessie, nhằm nhắc nhở mọi người về quái vật hồ Loch Ness vẫn đang là huyền thoại sống.

Một góc hồ Long Ness nổi tiếng tại Scotland - nơi truyền thuyết vè quái vật Nessie - luôn hấp dẫn du khách đến thăm. Ảnh: Getintravel

Hình ảnh về một con quái vật đang cùng những ngôi làng thời trung cổ, ngành chăn nuôi cừu lấy lông làm len Casmere thượng hạng góp phần làm cho xứ sở có thời tiết u ám nhiều ngày trong năm của Scotland thêm sức hút. Không bằng lòng với điều đó, người làm du lịch tại đây còn tranh thủ tạo thêm những câu chuyện mới. Phong cảnh trên con đường từ thủ phủ Edinburgh tới hồ Loch Ness không quá nổi bật với những quả đồi đất màu vàng, phía xa có các ngọn núi phủ tuyết trắng và cây cối tịch không có bóng nào.

Một trong những điểm nhấn trong quảng bá cho khu vực này là việc nó từng là một trong những bối cảnh được đưa vào loạt phim Harry Potter ăn khách khắp thế giới. Người lái xe kiêm tour guide người Scotland khi đưa khách đi qua luôn hãnh diện giới thiệu: “Phim Harry Potter được quay tại đây”! Và thế là du khách lại háo hức, ồn ào đòi dừng lại để chụp ảnh, post lên mạng xã hội.

Du lịch văn hóa lâu nay vẫn là một trong những phân khúc chủ đạo trên thị trường du lịch. Những phong cảnh đẹp, công trình kiến trúc, di sản văn hóa hay những đặc sản ẩm thực luôn được những người làm du lịch đưa vào giỏ hàng chào bán cho du khách. Nhưng giỏ hàng ấy năm này qua năm khác nếu không thay đổi và được bổ sung những món hàng mới, thì du khách sẽ sớm không còn mặn mà. Gắn du lịch với phim trường chính là một trong những cách họ làm mới giỏ hàng du lịch của mình.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp giải trí chưa thể tạo ra được những hiện tượng có sức ảnh hưởng mạnh như “Hàn lưu”, nhưng du lịch thì đã từng có cơ hội về những câu chuyện gắn với nền điện ảnh thế giới.

Đầu thập niên 1990, điện ảnh Pháp đổ bộ vào Việt Nam với những tác phẩm có tiếng vang như Đông Dương (Indochine), Người tình (L’Amant) và Điện Biên Phủ, kéo theo một lượng lớn du khách Pháp quay lại mảnh đất đã từng gắn bó với lịch sử của họ. Một loạt địa danh của Việt Nam đã được quảng bá qua các thước phim của người Pháp như Sa Đéc, Sài Gòn, Huế, Hạ Long và Điện Biên Phủ.

Nhưng từ đó đến nay cũng đã gần một phần tư thế kỷ trôi qua, du lịch Việt Nam mới lại đứng trước cơ hội có thêm “câu chuyện” gắn với điện ảnh thế giới. Bộ phim được dự đoán là “bom tấn” Kong: Skull Island vừa được các nhà làm phim Hollywood quay tại Quảng Bình, Ninh Bình và Hạ Long. Liệu đội ngũ làm marketing du lịch ở Việt Nam có tận dụng biến câu chuyện ấy thành món hàng mới bổ sung vào giỏ hàng để chào bán cho du khách hay không, câu hỏi đó phải chờ đến sau khi bộ phim phát hành mới có câu trả lời.

Phim trường "Hậu duệ mặt trời": Thỏi nam châm hút khách

Một góc phim trường "Huậ duệ mặt trời" tại Taebaek. Ảnh: Korea Times

Thành phố Taekbaek vốn không có tên trên bản đồ du lịch Hàn Quốc, nhưng bất ngờ hấp dẫn du khách vì từng là nơi quay “Hậu duệ mặt trời”. Phim trường bị bỏ hoang khi các cảnh quay tại đây đóng máy vào tháng 11/2015. Tuy nhiên, theo Korea Times, sức nóng của bộ phim đang lan rộng khắp châu Á đã khiến đông đảo du khách trong và ngoài Hàn Quốc có nhu cầu được đến thăm Taekbaek.

Ngay lập tức, Thị trưởng Taekbaek thảo luận với cơ quan quản lý du lịch Hàn Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm biến khu vực phim trường thành điểm đến thu hút du khách một cách bền vững. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong cuộc gặp với các trợ lý hồi trung tuần tháng 3/2016 cho rằng, dự án du lịch này là một cơ hội quảng bá văn hóa của đất nước tới thế giới.

Bộ phim truyền hình “Hậu duệ mặt trời” khởi chiếu tại Hàn Quốc và nhiều nước châu Á từ cuối tháng 2/2016 và nhanh chóng trở thành một cơn sốt trong khu vực. Ngoài việc tận dụng phim trường, cơ quan du lịch Hàn Quốc còn chọn nam diễn viên chính trong phim là Song Joong khi tham gia loạt video mới quảng bá về du lịch nước này.