Nhiều nhóm loài thực vật cổ từ kỷ Paleogene-Neogene (cách đây khoảng 2,58 – 66 triệu năm), thậm chí sớm hơn, vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở khu vực Đông Á (trải dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, miền đông nước Nga… đến miền Nam Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam).

Thậm chí, trong số đó có nhiều chi thực vật cổ được xem là đặc hữu của khu vực Đông Á nhưng đã từng phân bố rộng hơn ở bắc bán cầu hay đến tận các châu lục khác như châu Âu và bắc Mỹ từ trăm triệu năm trước đây.

Đây là kết quả vừa được công bố trên tạp chí Nature Communication cuối tháng 10/2018 của 45 nhà khoa học từ 9 quốc gia, trong đó Viện Sinh thái học miền Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đứng đầu là TS Lưu Hồng Trường, Viện trưởng, đã tham gia vào quá trình nghiên cứu từ năm 2016 tại 3 nước: Lào, Campuchia và Việt Nam.

Theo TS Lưu Hồng Trường, một trong những thách thức chính của sinh học là giải thích về các quá trình tiến hóa và dự đoán về sự phong phú loài. Các yếu tố khí hậu hay những thay đổi về khí hậu có tác động mạnh mẽ tới sự phân bố, di cư, tiến hóa/thích nghi hay tuyệt chủng của các loài thực vật. Tuy nhiên, nhiều loài cho thấy mức độ bảo tồn tiến hóa và sinh thái như khả năng thích nghi với khí hậu trong một khoảng thời gian nhất định.

Fokienia là chi thựcvật vốn có phân bố ở bắc bán cầu từ 60-66 triệu năm trước (đến tận Canada) nhưng hiện nay chỉ còn có một loài (Pơmu) phân bố ở các vùng núi cao ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Ảnh: Lưu Hồng Trường

Để dự đoán sự phân bố của các loài thực vật cổ, các nhà khoa học đã áp dụng mô hình nghiên cứu ổ sinh thái và chồng ghép bản đồ và nhận thấy các kiểu phân bố và đa dạng của các loài thực vật (dựa trên các ghi nhận mẫu hóa thạch và còn sống của 433 loài thuộc 133 chi thực vật) tương ứng với các vùng trú ẩn của các loài nghiên cứu (tức các khu vực cư trú có điều kiện khí hậu ổn định giúp các giống loài sống sót qua thời gian). Trong số 433 loài, TS Lưu Hồng Trường và cộng sự đã ghi nhận khoảng 200 loài thực vật thuộc các vùng rừng núi phía bắc tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Trên cơ sở phân tích, các nhà khoa học nhận thấy các loài thực vật này có phân bố phổ biến ở các khu vực rừng núi có tính chất khí hậu ẩm á nhiệt đới và ôn đới ẩm kể từ thời xa xưa - điều mà trước đây chúng ta chưa biết rõ. Theo đó, điều kiện khí hậu (không bị phủ băng như châu Âu và Bắc Mỹ) cùng với sự đa dạng về địa hình ở Đông Á đã đóng vai trò quan trọng giúp các loài này vượt qua giai đoạn Cực đại băng hà cuối cùng (Last Glacial Maximum) cách đây khoảng 20 - 26,5 ngàn năm và tồn tại cùng với các hệ sinh thái rừng của chúng cho đến ngày nay.

Hay các khu vực rừng núi thuộc tây nam Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam (nhất là các dãy núi Hoàng Liên Sơn, Tây Côn Lĩnh, Con Voi và tỉnh Cao Bằng) và một số nơi ở Trung Quốc giáp biên giới với Việt Nam (thuộc các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Hồ Nam) là các vùng trú ẩn cho các chi thực vật cổ đặc hữu của Đông Á, và do đó các khu vực này hiện đang lưu giữ nhiều nhất các loài thực vật cổ.

Nghiên cứu cũng dự báo đến năm 2070, diện tích phân bố nói chung của các loài thực vật cổ có thể sẽ mở rộng, nhưng các diện tích rừng có sự đa dạng nhất của các loài thực vật cổ sẽ bị giảm đi. Diện tích phân bố các chi thực vật cổ đặc hữu cũng sẽ bị suy giảm.

Điểm đáng lưu ý là có đến 80,1% diện tích các loài đặc hữu và 73,1% diện tích các loài di truyền có các chi không tách rời nằm ngoài hệ thống các khu bảo tồn hiện có. “Do đó, để duy trì đa dạng di truyền, bảo đảm cho chúng tồn tại lâu dài, nhu cầu cấp bách hiện nay là cần gấp rút thành lập thêm các “trại tị nạn” thực vật là các khu bảo tồn ở các khu vực miền núi trong vùng đồng bằng Tứ Xuyên và vùng Đông Nam đến phía Bắc tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc cũng như vùng Hoàng Liên Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam” – TS Lưu Hồng Trường nhấn mạnh.