Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện sự biến đổi ở hai gene GTF2I và GTF2IRD1 của chó “liên quan đến tính thân thiện ở loài này - một yếu tố cốt lõi của sự thuần hóa khiến chúng từ những con sói biến thành người bạn trung thành của con người”.

Chó luôn muốn dựa dẫm người

Chó được thuần hóa từ thời điểm nào là chủ đề gây tranh cãi từ lâu trong cộng đồng khoa học. Một nghiên cứu riêng biệt đăng tải trên tờ Nature Communications cho thấy con chó đầu tiên tách ra khỏi loài sói cách đây khoảng 40.000 năm nhưng không thể chỉ ra nguyên nhân. Bí mật này đã phần nào được các nhà khoa học Mỹ hé lộ trong một báo cáo vừa được đăng tải trên Tạp chí Science Advances. Theo đó, một số thay đổi trong gene có liên quan đến hành vi xã hội ở loài chó, cụ thể là sự thân thiện của chó với con người.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã khảo sát 18 con chó nhà (thuần hóa) và 10 con sói xám (hoang dã) để xem xét mối quan hệ xã hội của chúng với con người và cách chúng thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết các vấn đề. Họ đưa ra cho chúng một thử thách là nâng nắp hộp để lấy xúc xích bên trong, và bố trí một người hỗ trợ trong phòng thử nghiệm. Kết quả cho thấy, những con sói thường dựa vào chính mình, cố gắng tìm cách giải câu đố; còn những con chó thường nhìn chằm chằm vào người hỗ trợ với vẻ mong đợi giúp đỡ.

"Điểm khác biệt thực sự là chó luôn nhìn chằm chằm vào người hỗ trợ, cho thấy mong muốn tìm kiếm sự gần gũi với con người. Điều này vượt qua mức mà bạn có thể mong chờ từ một con vật trưởng thành đối với hành vi đó” - tác giả Monique Udell - nhà động vật học thuộc Đại học bang Oregon, Mỹ - cho biết.

Sự thay đổi ở gene khiến cho thân thiện với con người. Ảnh: Bealhighschool


Chó thân thiện với người do gene

Để đi tìm nguyên nhân về hành vi của loài chó, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu của chúng và so sánh với mẫu máu của những con sói tham gia thử nghiệm. Kết quả là giữa chúng có sự khác biệt về mặt di truyền. “Các nhà khoa học phát hiện hai gene GTF2I và GTF2IRD1 ở loài chó có liên quan đến sự thân thiện của chúng - yếu tố lõi của sự thuần hoá phân biệt chúng với những con sói" - báo cáo cho biết.

Ở người, gene này hiện diện ở những người mắc hội chứng William-Beuren, biểu hiện là có khuynh hướng lạc quan, thông cảm, quan tâm đến tiếp xúc mắt kéo dài, dễ bị lo lắng; có thể bị thiểu năng trí tuệ từ nhẹ đến trung bình và suy giảm trí tuệ. Trong khi đó, những con chó nhờ có gene này mà có sự rối loạn phát triển, đôi khi được gọi là “đối nghịch với chứng tự kỷ” - điều khiến chúng trở nên vô cùng thân thiện.

Dù cũng sở hữu gene GTF2I và GTF2IRD1 nhưng ở chó, một gene duy nhất có tên transposon được chèn vào các vùng di truyền có liên quan đến khuynh hướng mạnh mẽ tìm kiếm sự tiếp xúc với con người. “Transposon chỉ được tìm thấy ở những con chó nhà và không có ở sói" - báo cáo cho biết. Ở người, việc xóa các gene tại vùng này trong hệ gene liên quan đến hội chứng Williams-Beuren.

"Chúng tôi không tìm thấy một “gene xã hội” mà tìm thấy một thành phần quan trọng của di truyền. Nó hình thành tính cách của động vật và hỗ trợ quá trình thuần hóa một con sói hoang dã thành chó nhà" - đồng tác giả Bridgett vonHoldt - trợ lý giáo sư sinh thái học và sinh học tiến hóa tại Đại học Princeton, Mỹ - cho biết.

Theo ông Adam Boyko - trợ lý giáo sư tại Đại học Cornell và là chuyên gia về di truyền học loài chó, nghiên cứu này “thực sự thú vị và quan trọng". "Đây có thể là một trong những nghiên cứu đầu tiên xác định được các biến thể di truyền cụ thể, điều rất quan trọng để biến sói thành chó. Tuy nhiên, cỡ mẫu tổng thể trong nghiên cứu còn nhỏ, vì vậy cần chứng minh sự liên quan của các biến thể này trong một nhóm lớn hơn của những loại chó khác nhau" - ông Boyko nói.

Phát hiện kể trên cũng được giới chuyên môn đánh giá là cung cấp những hiểu biết mới về cách loài chó được thuần hóa và phân nhánh từ tổ tiên của chúng là loài sói từ hàng ngàn năm trước. Monique Udell cho biết: "Đã có lúc người ta nghĩ trong thời gian được con người nuôi, chó đã phát triển một dạng nhận thức xã hội tiên tiến mà ở sói không có: nhưng bằng chứng mới này lại cho thấy loài chó có tình trạng di truyền dẫn đến sự thay đổi lớn trong việc tìm kiếm mối liên hệ xã hội so với những con sói".

Nghiên cứu của Udell và vonHoldt đã đưa ra lý thuyết rằng chính tính xã hội chứ không phải sự thông minh đã khiến chó trở thành bạn tốt nhất của con người. "Nếu những con người đầu tiên tiếp xúc với một con sói, có sự quan tâm đến chúng, sống với chúng và nuôi dưỡng chúng, chúng sẽ nhanh chóng phát triển những đặc điểm xã hội” - vonHoldt kết luận.