Những chú mèo và chó nằm như thể đang ngủ, trong những ngôi mộ riêng. Nhiều con đeo vòng cổ hoặc trang sức, và từng được chăm sóc qua chấn thương cũng như tuổi già, giống thú cưng ngày nay. Có lẽ đã 2000 năm kể từ khi có người cuối cùng chôn một người bạn động vật yêu quý của họ ở đây, mảnh đất Ai Cập bên bờ Biển Đỏ.

Địa điểm khai quật này, từng là khu vực cảng Berenice của La Mã thời kỳ đầu, được tìm thấy cách đây 10 năm, nhưng từ đó tới nay vẫn chưa ai biết mục đích sử dụng của nó trong quá khứ. Giờ đây, một cuộc khai quật chi tiết đã khai quật được mộ của gần 600 con mèo và chó, cùng với bằng chứng thuyết phục cho thấy những con vật này là vật nuôi thân thiết của con người. Phát hiện mới đồng nghĩa với địa điểm này là nghĩa trang vật nuôi lâu đời nhất được biết đến, cho thấy khái niệm vật nuôi như ngày nay vốn không hề xa lạ với thế giới cổ đại.

Một con chó được chôn cất tại Berenice với một mảnh gốm che lên trên, giống như một dạng "quan tài".

Michael MacKinnon, nhà khảo cổ học tại Đại học Winnipeg, người đã nghiên cứu vai trò của các loài động vật trên khắp Địa Trung Hải nhưng không tham gia vào nghiên cứu khai quật mới, nói: "Tôi chưa bao giờ gặp một nghĩa trang như thế này. Ý tưởng về vật nuôi như một phần của gia đình thật khó có trong thời cổ đại, nhưng tôi nghĩ đó là thực tế."

Nhà khảo cổ học Marta Osypinska và các đồng nghiệp của cô tại Học viện Khoa học Ba Lan đã phát hiện ra nghĩa trang vật nuôi này ngay bên ngoài các bức tường thành, bên dưới một bãi rác La Mã, vào năm 2011. Nghĩa trang dường như đã được sử dụng từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 2, khi Berenice là một khu vực nhộn nhịp, nơi buôn bán ngà voi, vải vóc và các mặt hàng xa xỉ khác từ Ấn Độ, Ả Rập và Châu Âu.

Vào năm 2017, nhóm của Osypinska báo cáo đã khai quật được hài cốt của khoảng 100 con vật - chủ yếu là mèo - với các dấu vết và bằng chứng cho thấy dường như chúng đã được chăm sóc như thú cưng. Nhưng bản chất chính xác của địa điểm này vẫn không rõ ràng. Salima Ikram, chuyên gia về động vật Ai Cập cổ đại tại Đại học Mỹ ở Cairo, vào thời điểm đó cho biết những bộ xương này có thể đơn giản là bị bỏ đi và chôn ở đây.

Nhưng giờ đây, Osypinska và các đồng nghiệp của cô đã khai quật hài cốt của 585 con vật từ hiện trường và phân tích chi tiết các xương. Một bác sĩ thú y đã giúp nhóm xác định sức khỏe, chế độ ăn uống và nguyên nhân cái chết.

Các con vật dường như đã được đặt nhẹ nhàng trong các hố chôn được chuẩn bị chu đáo. Osypinska nói: Nhiều con còn được bao phủ bởi hàng dệt hoặc mảnh gốm, "tạo thành một dạng quan tài". Hơn 90% là mèo, nhiều con đeo vòng cổ bằng sắt hoặc vòng cổ được xâu bằng thủy tinh và vỏ sò. Một con mèo còn được đặt trên cánh của một con chim lớn.

Một con mèo ở Berenice đeo một chiếc vòng cổ bằng đồng.

Mối quan hệ gần gũi đến ngạc nhiên từ cổ đại

Nhóm nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào về việc ướp xác, hiến tế hoặc các nghi thức khác, như đã từng tìm thấy ở những nơi chôn cất động vật cổ đại như khu Ashkelon ở Israel. Tại Berenice, hầu hết động vật dường như đã chết vì thương tích hoặc bệnh tật.

Một số con mèo bị gãy chân hoặc các vết gãy khác có thể do ngã hoặc bị ngựa đá. Những con mèo khác thì chết trẻ, có thể do các bệnh truyền nhiễm lây lan trong thành phố chật chội. Những con chó, chỉ chiếm khoảng 5% số động vật được chôn cất (ngoài mèo và chó, phần còn lại là khỉ), có xu hướng chết do tuổi già. Nhiều con đã mất gần hết răng hoặc bị bệnh nha chu và thoái hóa khớp.

Osypinska cho biết, nhiều con vật trong số này sống rất lâu và đã từng có các vết thương được chữa lành. “Những con vật bị thương như vậy phải được cho ăn để tồn tại,” cô nói, “thậm chí đôi khi phải cho ăn những thức ăn đặc biệt, trong trường hợp của những con gần như không còn răng”.

Các bằng chứng cho thấy con người đã chăm sóc rất kỹ càng cho những con vật này, đặc biệt là ở một khu vực khó khăn, nơi hầu như tất cả các nguồn tài nguyên phải nhập khẩu - và họ cũng rất cẩn thận trong việc chôn cất, giống như nhiều chủ sở hữu thú cưng thời hiện đại.

“Họ không làm điều đó vì thần thánh hay vì bất kỳ lợi ích thực dụng nào," Osypinska nói. Thay vào đó, cô lập luận rằng mối quan hệ giữa con người và vật nuôi của họ "gần gũi một cách đáng ngạc nhiên", giống như mối quan hệ mà chúng ta thấy ngày nay.

Ikram bị thuyết phục bởi nghiên cứu này. “Đây là một nghĩa trang,” cô nói. "Và nó làm sáng tỏ nhiều điều thú vị về cư dân của Berenice và mối quan hệ của họ với động vật."

Nhà khảo cổ học Wim Van Neer thuộc Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ, người đã nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và động vật trong thế giới cổ đại, cũng đồng ý với nghiên cứu. Tuy nhiên, Van Neer cho rằng có thể người dân Berenice coi trọng những con mèo và con chó của họ vì những lý do không hoàn toàn tình cảm. Chẳng hạn như việc một cảng biển sẽ đầy chuột, khiến mèo trở thành một loài động vật làm việc được đánh giá cao.

Osypinska hy vọng công trình mới sẽ thuyết phục được giới khảo cổ học rằng những động vật đồng hành với con người rất đáng để nghiên cứu. Cô cho biết, lúc đầu, một số nhà khảo cổ học có kinh nghiệm không khuyến khích cô tham gia nghiên cứu này với lập luận rằng thú cưng không phải đối tượng thích hợp để tìm hiểu cuộc sống của các dân tộc cổ đại.

Nguồn: