Các nhà khảo cổ học Trung Quốc vừa phát hiện một khu mộ cổ có từ cách đây 2.000 năm ở thảo nguyên Xilin Gol thuộc khu tự trị Nội Mông, phía Bắc nước này.

Phần lớn các ngôi mộ đều chứa quan tài gỗ. (Nguồn: cgtn.com)

Phần lớn các ngôi mộ đều chứa quan tài gỗ. (Nguồn: cgtn.com)

Trong thông báo ngày 25/12, Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Nội Mông cho biết khu mộ cổ gồm 13 ngôi mộ của người Tiên Ti, một dân tộc du mục thiểu số từng thống trị khu vực phía Bắc Trung Quốc.

Phần lớn các ngôi mộ đều chứa quan tài gỗ, bên ngoài một số quan tài được trang trí bằng các hình vẽ nhiều màu. Trong số các ngôi mộ có 11 mộ thuộc thời Nhà Hán (25-220), còn lại là các ngôi mộ từ thời Nhà Bắc Ngụy (386-557).

Các nhà khảo cổ cho biết phần lớn các ngôi mộ đã bị các nhóm trộm cướp đào xới và đánh cắp đồ vật. Hơn 80 đồ vật còn lại được tìm thấy trong ngôi mộ là vàng, bình gốm, gương đồng, tiền xu và các loại vũ khí bằng sắt.

Theo ông Dong Xinlin, trưởng nhóm khảo cổ, việc phát hiện một khu mộ cổ ở thảo nguyên Xilin Gol là điều khá hiếm.

Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với các nghiên cứu trong tương lai về tập tục chôn cất của nhóm dân tộc du mục Tiên Ti.

Tiên Ti là một trong những nhóm dân du mục lớn từng sống tại khu vực mà ngày nay là phía Bắc Trung Quốc từ hàng nghìn năm trước. Họ thành lập triều đại Bắc Ngụy vào thế kỷ thứ 4./.