Thủ phạm đánh cắp bầu trời đêm của nhân loại là ánh sáng từ các tòa tháp chọc trời, nhà cửa và đèn đường. Chúng cản trở tầm quan sát vũ trụ, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tự nhiên, gây thảm hoạ đối với sức khỏe con người và sinh vật.

Thế nào là ô nhiễm ánh sáng?

Theo nhà thiên văn học John Barentine, ô nhiễm ánh sáng là bất kỳ hậu quả ngoài ý muốn nào của việc sử dụng các nguồn chiếu sáng nhân tạo vào ban đêm. Barentine hiện là Giám đốc chương trình tại Hiệp hội Bầu trời đêm quốc tế - một tổ chức phi lợi nhuận, có sứ mệnh nâng cao nhận thức về ô nhiễm ánh sáng. Theo ông, mặc dù việc đo đạc các chỉ số ô nhiễm ánh sáng khá phức tạp, có thể hiểu đơn giản đây là hiện tượng xảy ra khi ánh sáng bị bỏ phí vì không có người sử dụng hoặc sử dụng một cách thừa thãi.

Ô nhiễm ánh sáng tại thành phố New York (Mỹ). Ảnh: Wikipedia
Ô nhiễm ánh sáng tại thành phố New York (Mỹ). Ảnh: Wikipedia

Nhưng không giống như nhiều vấn đề môi trường khác, việc khắc phục ô nhiễm ánh sáng khá dễ, chẳng hạn như với tay tắt bóng đèn. Các giải pháp chống ô nhiễm ánh sáng bao gồm tắt các nguồn sáng không cần thiết và đặt các tấm che đèn đường để hướng các luồng ánh sáng xuống phía dưới, thay vì ngược lên trời.

Ô nhiễm ánh sáng không chỉ gây khó chịu cho các nhà thiên văn nghiệp dư yêu thích bầu trời, mà nó còn có thể gây nhiều ảnh hưởng tồi tệ khác đến sinh vật và cuộc sống con người.

Theo chuyên gia vật lý Christopher Kyba, từ hàng tỷ năm nay, sinh giới tiến hóa trong một thế giới mà ánh sáng và bóng tối được kiểm soát nhờ chiều dài của ngày. Khi Mặt trời lặn, các nguồn sáng như trăng, sao sẽ thắp sáng bầu trời. Sự sống học được cách vận hành dưới quầng sáng này. Chỉ khoảng 1 thế kỷ trở lại đây - khi ánh sáng nhân tạo phát triển mạnh, chu trình này mới mất đi.

“Hãy nghĩ về các photon như một chất gây ô nhiễm tiềm tàng” - Michael Justice - nhà sinh thái học tập tính, hiện đang nghiên cứu ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo đến côn trùng - gợi ý. Giống như việc rò rỉ chất lỏng hoặc khí gas, các photon từ đèn chiếu sáng và đèn đường có thể bị thất thoát một cách không có chủ đích ra khu vực xung quanh và ảnh hưởng đến hệ sinh thái ở mọi cấp độ - từ thực vật đến các sinh vật ăn thịt.

Vô số sinh vật chết oan

Hành trình từ bãi biển trở lại đại dương là một chuyến đi vô cùng nguy hiểm với rùa biển sơ sinh. Những động vật ăn thịt như mòng biển, cua biển luôn đầy rẫy tại bãi biển để chực chờ biến rùa thành món mồi ngon.

Ánh đèn từ bờ biển là yếu tố khiến rủi ro đối với rùa biển tăng mạnh. Do rùa định hướng nhờ các tín hiệu thị giác, khi nở ra từ vỏ trứng, chúng luôn tìm đến luồng sáng thấp nhất và mạnh nhất tại đường chân trời.

Thông thường, đó chính là ánh phản chiếu của Mặt trăng lên các con sóng đại dương. Ánh sáng nhân tạo - chẳng hạn tại các tuyến đường đi dạo bờ biển - sẽ khiến cho đại dương không còn là luồng sáng thấp nhất và mạnh nhất. Khi mất định hướng, rùa sẽ khó quay lại đại dương và trở thành mồi ngon cho kẻ thù hoặc chết vì mất nước hay kiệt sức.

Sức quyến rũ của các luồng sáng và bóng đèn cũng có thể trở thành bản án tử hình dành cho chim di cư trong các thành phố. Lũ chim xấu số có thể lao vào một tòa tháp sáng hoặc tự bay vòng vòng trong ánh sáng đó cho đến khi rơi vì kiệt sức. Nguyên nhân có thể là do cửa sổ phản xạ ánh sáng ban ngày hoặc ánh sáng rực rỡ vào ban đêm.

Theo Mesure - đồng sáng lập FLAP, một tổ chức phi lợi nhuận tại Canada, mỗi năm có từ 100 triệu đến 1 tỷ cá thể chim va vào các tòa nhà tại Bắc Mỹ. Trong số hơn 75.000 xác chim được các tình nguyện viên thu lượm từ năm 1993, có gần 20.000 con chết vào ban đêm. Đối với những loài chim sắp tuyệt chủng, sinh mạng của một cá thể có thể là yếu tố sống còn cho cả loài.

Đời sống động vật và con người bị rối loạn

Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến các sinh vật sống dưới nước, chẳng hạn như nhóm phiêu sinh vật daphnia chuyên ăn tảo. Thường tồn tại ở mực nước khá sâu, các sinh vật này nổi lên kiếm ăn vào ban đêm khi nhận được tín hiệu kích hoạt là bóng tối. Ánh sáng đêm đã làm hoạt động này bị ngừng trệ, hậu quả cuối cùng là tảo không bị kiểm soát sẽ bùng phát, tác động nặng nề đến toàn bộ thủy vực.

Côn trùng cũng không phải là ngoại lệ. Theo chuyên gia tập tính học Jusstice, khoảng thời gian lãng phí để bay quanh một bóng đèn do bị hấp dẫn bởi ánh sáng lẽ ra được côn trùng dành vào việc ăn, tìm bạn tình hay sinh con đẻ cái. Ánh sáng trái quy luật khiến chúng không thể tập trung vào các hoạt động sống cần thiết.

Giống như động vật, con người cũng tiến hóa trong một chu trình ánh sáng ngày - đêm ổn định. Nhưng với loài người hiện đại, giờ đây văn minh đồng nghĩa với ánh sáng - đặc biệt là các bóng đèn điện trong những ngôi nhà.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng ô nhiễm ánh sáng có thể gây hậu quả tai hại đối với sức khỏe con người. Một số loại ánh sáng điện có thể tác động đến nhịp sinh học - tức đồng hồ bên trong cơ thể.

Theo chuyên gia dịch tễ học ung thư Richard Stevens, tình trạng cơ thể rơi vào trạng thái nhầm lẫn về nhịp độ các hoạt động sống gọi là “sương mù nhịp sinh học”. Trong trạng thái này, cơ thể sẽ không bắt được các tín hiệu rõ ràng điều tiết hoạt động theo chu kỳ ngày hay đêm. Các bóng đèn điện có thể ảnh hưởng đến quá trình cơ thể sản xuất melatonin - một loại hormone giúp điều hòa đồng hồ sinh học.