Hiếm khi một cuốn sách – là tập hợp của 11 bài nghiên cứu phần lớn đã công bố trong suốt 10 năm (2009-2018) – lại được học giới dành cho nhiều quan tâm thiện cảm: trong vòng khoảng 2 tuần (từ 28/3/2019) kể từ khi ra mắt, riêng chỉ ở Hà Nội, đã có ba cuộc tọa đàm và nói chuyện về cuốn sách được tổ chức và lên lịch.

TS. Trần Trọng Dương trong buổi nói chuyện "Việt Nam thế kỷ X: Lịch sử nhìn từ phe chiến thắng" do Báo KH&PT tổ chức ngày 06/4. Ảnh: Hoàng Nam.
TS. Trần Trọng Dương trong buổi nói chuyện "Việt Nam thế kỷ X: Lịch sử nhìn từ phe chiến thắng" do Báo KH&PT tổ chức ngày 06/4. Ảnh: Hoàng Nam.

Tạo nên sự sôi nổi đó, là cuốn “Việt Nam thế kỷ X: những mảnh vỡ lịch sử” (NXB ĐH Sư phạm, Hà Nội, 2019, 440 tr.) của TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán-Nôm. Ngay cả chỉ với cái xem lướt ban đầu, cuốn sách đã khiến người đọc ưng ý. Sách cầm vừa tay, bìa đẹp, giấy dễ đọc và nội dung khó mà có thể chuẩn hơn: mục lục rất chi tiết kèm index, phụ lục phong phú các ảnh chụp điền dã và tài liệu gốc, danh mục tài liệu tham khảo với gần 300 đề mục và một lời bạt mà ít khi các sách khác đưa vào – đó là phản biện mạnh mẽ của một sử gia có tiếng (Đào Hùng) với một nội dung trong sách.


Thế kỷ X được coi là thế kỷ khai sinh ra nước Việt Nam ngày nay, chính vì vậy, bài mở đầu của cuốn sách mang tên “Thời điểm kết thúc nghìn năm Bắc thuộc”. Dù rằng nền độc lập có được nhờ cả một thế kỷ tự chủ – với các họ Khúc (905-930), Dương, Ngô, Đinh và Tiền Lê (981-1009) – hoặc xa hơn, nhờ sự sụp đổ của đế chế cai trị là nhà Đường (618-907), và vùng đất phương Nam đã có dân số đủ lớn, tầng lớp thủ lĩnh địa phương đủ mạnh. Bởi vậy sẽ không thực quan trọng lắm cho việc chọn thời điểm “độc lập” chính xác: năm 938 (năm Ngô Quyền xưng vương, như ý của tác giả mà chúng tôi tán thành) hay năm 968 (năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế).

Sáu trong số mười bài còn lại, tác giả dành cho việc nghiên cứu trực tiếp (bốn bài: “Đinh Bộ Lĩnh và loạn Ngô Xử Bình”, “Giải mã vụ ám sát Đinh Bộ Lĩnh”, “Đinh Bộ Lĩnh: huyền thoại và lịch sử” và “Đinh Tiên Hoàng – biểu tượng đa năng”) và gián tiếp (hai bài: “Có hay không loạn 12 sứ quân?” và “Khảo về “Đại Cồ Việt”: nước Việt – nước Phật giáo”) về Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt độc lập (không kể tới Nam Việt Vũ đế Triệu Đà). Loạt bài này đã giúp chúng ta:

- Thống kê số lượng thực sự các “sứ quân” vào thời kỳ sau Ngô Quyền và trước năm 968;

- Chỉ ra một kẻ “tiếm ngôi” còn rất mờ nhạt trong sử Việt nhưng lại là người có thể đã châm ngòi cho “loạn 12 sứ quân” – Ngô/Lã Xử Bình;

- Khảo về các mặt lịch sử, tôn giáo, ngôn ngữ về một cái tên quốc gia độc đáo mà nước Việt đã từng có: Đại Cồ Việt.

Với hai bài bàn về thiền sư (Khuông Việt Thiền sư: phức thể dung hội Nho và Phật) và đàn bà (Những ngôi hoàng hậu: sử Việt nhìn từ phận đàn bà), tác giả không hề định tạo một hình ảnh đối lập nào đó mà muốn bàn về hai khuôn mặt lớn của thế kỷ họ sống: một người là con vua, cháu vua (Ngô) và Tăng thống (người đứng đầu Phật giáo một nước) triều Đinh; người kia thuộc dòng họ Dương có Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha mà Nghệ-Kha tác động đến lịch sử không chắc đã hơn người đàn bà này. Công nghiệp của Lê Hoàn trong lịch sử đã cho thấy việc Hoàng hậu họ Dương “lựa chọn” ông thay cho triều Đinh đúng đắn đến mức nào.

Hai bài còn lại viết về một địa danh nổi tiếng được xưng tụng là quê của hai vị vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền): Đường Lâm. Đó là các bài: Đường Lâm – Sơn Tây: một chặng huyền sử thế kỷ XX?; và Đường Lâm là Đường Lâm nào?

Nếu biết rằng, suốt từ khi bài báo ra đời (2011) tới nay, câu hỏi “Đường Lâm là Đường Lâm nào?” thường xuyên vang lên khi người ta nói về Đường Lâm; thì ta không thể không đánh giá cao hai bài viết kể trên. Tác giả đã khảo sử Trung Quốc, khảo quan điểm của các sử gia (Đào Duy Anh, Trần Quốc Vượng…), điền dã, giám định văn bia… để kết luận rằng vị trí hiện nay của Đường Lâm là một sự ngụy tạo. Tuy nhiên, mọi quan điểm chính thức đều được… giữ nguyên, mà ai – dù tán thành hay không tán thành quan điểm của bài báo – cũng đều hiểu rằng, do các yếu tố ngoài lịch sử. Ngay cả trong Hội thảo mới nhất về Ngô Quyền (Hà Nội, 25/3/2019), ông Đại diện họ Ngô và nhiều ý kiến khác, không đồng ý Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) là quê hương Ngô Quyền.

Tác giả cuốn sách là nhà nghiên cứu nhưng không được đào tạo chính quy về sử học song cuốn sách đã đặt ra nhiều kết luận nghiêm túc cần có trao đổi, phản biện. Không ai ngoài giới sử học, là những người trước hết phải làm việc đó. Những điểm mờ trong lịch sử, nếu không được làm sáng tỏ qua trao đổi phản biện trên các tư liệu và lập luận mới, thì dù xuất bản một hay nhiều bộ sử quy mô cũng không thể ghi dấu phát triển của lịch sử nước nhà.

Với cuốn sách, hy vọng rằng, tác giả Trần Trọng Dương không đóng vai một người ghé qua con-đường-Lịch-sử. Thế kỷ X nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung, vẫn còn nhiều lắm – sương mù.