Con người đã giặt quần áo thủ công bằng tay cho đến khi máy giặt được sáng chế vào thập niên 1850. Trải qua gần 200 năm, máy giặt đã phát triển từ loại vận hành bằng sức người cho đến những loại chạy bằng điện và điều khiển tự động bằng máy tính.

Alva J. Fisher và bản thiết kế máy giặt điện đầu tiên. Ảnh: Wikipedia.
Alva J. Fisher và bản thiết kế máy giặt điện đầu tiên. Ảnh: Wikipedia.

Trong nhiều nền văn hóa cổ đại, con người làm sạch quần áo bằng cách đập chúng lên đá hoặc chà xát với cát, nhằm mục đích rửa đi bụi bẩn trong dòng nước. Người La mã cổ đại đã sáng chế ra một loại xà phòng thô làm từ tro và mỡ động vật, tương tự như dung dịch kiềm. Dấu vết của loại xà phòng này được tìm thấy dưới chân đồi Sapo tại Rome, nước Ý.

Đến thế kỷ 17, cách giặt quần áo phổ biến nhất là luộc chúng trong một chiếc nồi hoặc vạc lớn, sau đó đặt quần áo trên một tấm ván phẳng và đập mạnh bằng một cây gậy có hình mái chèo. Dụng cụ giặt quần áo sớm nhất là những ván giặt bằng gỗ và kim loại với bề mặt có gờ, được thiết kế gợn sóng để chà xát mạnh vào quần áo, làm sạch vết bẩn. Việc giặt giũ thường được người dân thực hiện cùng nhau ở gần suối, sông và các vùng nước khác.

Máy giặt sử dụng sức người

Vào giữa những năm 1800, nước Mỹ đang diễn ra một cuộc cách mạng công nghiệp. Khi quốc gia này mở rộng về phía Tây và các ngành công nghiệp phát triển, dân cư đô thị cũng như tầng lớp trung lưu với thu nhập cao ngày càng tăng lên. Họ sẵn sàng chi tiền để mua các thiết bị và dụng cụ có thể tiết kiệm sức lao động. Do đó, việc máy giặt quần áo được chế tạo trong khoảng thời gian này là điều dễ hiểu.

James King và Hamilton Smith, hai nhà phát minh người Mỹ, đã nộp và nhận bằng sáng chế cho các thiết bị tương tự như nhau được các nhà sử học gọi là “máy giặt hiện đại” đầu tiên lần lượt vào các năm 1851 và 1858. Cấu tạo của những chiếc máy này bao gồm: phần thân rỗng có hình dạng như một cái trống, trục khuỷu gắn với các thanh gậy có khả năng nhấn và xoay quần áo dọc thành trống, một tay quay bên ngoài thân máy gắn liền với trục khuỷu.

Để sử dụng thiết bị, người dùng sẽ đứng bên cạnh chiếc máy giặt và quay bộ phận tay quay. Điều này sẽ làm cho trục khuỷu chuyển động, từ đó khiến các thanh gậy quay theo và đảo quần áo liên tục. Lực ma sát sinh ra khi quần áo di chuyển dọc thành trống cùng với lực ly tâm do xoay nhanh sẽ khiến vết bẩn trên quần áo bị “đánh bật”. Sau khi giặt xong, quần áo ướt được vắt bằng tay để làm ráo nước.

Mặc dù nguồn năng lượng giúp máy giặt hoạt động vẫn là sức người nhưng hiệu quả và năng suất giặt quần áo được tăng lên rõ rệt. Điểm hạn chế là quần áo trong máy thường bị xoắn lại với nhau thành một khối, thậm chí bị xé rách do tác động quá mạnh.

Máy giặt hoạt động bằng điện

Cho đến cuối những năm 1800, máy giặt trong các hộ gia đình vẫn được vận hành bằng tay, trong khi một số máy giặt thương mại lớn hơn hoạt động bằng động cơ hơi nước và dây đai. Tất cả đã thay đổi vào năm 1908 với sự ra đời của Thor, máy giặt điện đầu tiên.

Máy giặt Thor là sản phẩm của kỹ sư Alva J. Fisher làm việc tại Công ty Hurley Machine có trụ sở ở thành phố Chicago thuộc tiểu bang Illinois, Mỹ. Fisher được cấp bằng sáng chế cho thiết bị này vào ngày 9 tháng 8 năm 1910. Vào năm 2008, thương hiệu máy giặt Thor đã được mua lại bởi công ty Appliances International có trụ sở ở Los Angeles.

Thiết kế lồng giặt của Thor dựa trên chiếc máy giặt thô sơ từ thế kỉ 19. Lồng giặt vẫn là dạng trống bằng gỗ nhưng được mạ kẽm bên trong và được vận hành bằng động cơ điện. Có một vấn đề lớn mà người sáng chế ra chiếc máy giặt này chưa thể khắc phục, đó là dòng nước thường ngấm vào các bộ phận điện của máy khiến cho động cơ điện hay bị chập và tạo tia lửa.

Nhờ sự tiện lợi, nhanh chóng và hiệu suất mà máy giặt điện mang lại, doanh thu của sản phẩm này bùng nổ sau khi nó được sáng chế khoảng 20 năm. Trong năm 1928, chỉ riêng ở Mỹ đã có tới 913.000 chiếc máy giặt đến tay người tiêu dùng. Thời kỳ Đại suy thoái kinh tế (1929 – 1933) tại Mỹ khiến cho sức tiêu thụ máy giặt bị chững lại nhưng vẫn có tới 600.000 chiếc được bán ra vào năm 1932.

Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, tiệm giặt là tự động đầu tiên trên thế giới được khai trương tại thành phố Fort Worth thuộc tiểu bang Texas (Mỹ) năm 1934. Tiệm giặt này do Andrew Klein điều hành. Khách hàng sẽ dùng tiền xu để thuê máy giặt. Mô hình tiệm giặt là như vậy nhanh chóng mở rộng trong thời kỳ Đại suy thoái do nhiều hộ gia đình không còn đủ khả năng mua và duy trì máy giặt cá nhân. Các phòng tắm tích hợp dịch vụ giặt đồ công cộng khi đó cũng bắt đầu xuất hiện ở Anh.

Khi xảy ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai và đặc biệt là thời điểm sau khi quân đội Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng của Mỹ, hầu như mọi hoạt động sản xuất máy giặt ở quốc gia này bị tạm dừng để tập trung nhân lực, vật lực cho sản xuất vũ khí quân sự. Chỉ có một vài công ty tiếp tục nghiên cứu, phát triển để cải tiến máy giặt.

Cuối thế kỷ 20, công nghệ điện tử ngày càng phát triển khiến chiếc máy giặt trở nên hiện đại hơn. Máy giặt có hai kiểu thùng đứng và thùng nằm ngang với các thao tác điều khiển trên màn hình điện tử. Lồng giặt được làm bằng kim loại, động cơ điện hoạt động êm ái và tiết kiệm điện. Động cơ máy giặt lúc này phát triển thành loại dẫn động trực tiếp tới lồng giặt, loại bỏ các thiết bị truyền dẫn.

Máy vắt khô quần áo được chế tạo vào năm 1930. Đến năm 1953 loại máy kết hợp cả máy giặt và máy vắt khô quần áo mới có mặt trên thị trường.

Năm 1998 dòng máy giặt thông minh SmartDrive ra đời. Loại máy giặt này sử dụng hệ thống điều khiển bằng máy tính cho phép xác định các yếu tố như khối lượng quần áo để điều chỉnh chu kỳ giặt phù hợp.

Kể từ năm 2000 trở đi, với sự bùng nổ của công nghệ cao, máy giặt cũng được cải tiến để trở nên sang trọng, hiện đại, sử dụng ít nước hơn. Bên cạnh đó, máy giặt còn được tích hợp nhiều tính năng tuyệt vời và vô cùng tiện lợi như: áp dụng chương trình và chu kỳ giặt cho từng loại quần áo, trì hoãn chu kỳ giặt, điều chỉnh tốc độ vòng quay, điều chỉnh nhiệt độ, lượng nước, giặt bằng hơi nước, khóa chống trẻ em, hiển thị thời gian giặt và thời gian còn lại…

Hiện nay, ngoài những chiếc máy giặt nhỏ dùng cho gia đình còn có những chiếc máy giặt công nghiệp dành riêng cho bệnh viện, trường học, khu công nghiệp.... Chúng là những máy giặt công suất lớn, có khả năng giặt nhiều quần áo cùng lúc.