Thông minh, hay chữ, bà Tiệp dư Nguyễn Thị Bích được vua Tự Đức giao dạy học cho các hoàng tử.

Theo bài vị tại văn bia, vua Tự Đức có 103 bà vợ được chia theo 9 bậc. Đa số bà vợ có thứ bậc cao là con quan đại thần, trong đó có một bà hàng Tiệp dư tên Nguyễn Thị Bích rất hay chữ.

Theo sách Đại Nam liệt truyện, bà Nguyễn Thị Bích tự Lang Hoàn sinh năm 1830 quê huyện An Phúc (Bình Thuận), là con gái thứ tư của Bố chính sứ hộ lý tổng đốc Thanh Hóa Nguyễn Nhược Sơn. Lúc bé, bà thông minh, có tiếng về văn học. Năm 1848, khi 19 tuổi, bà được tiến vào cung.

Trong một buổi ngâm vịnh, vua Tự Đức bảo bà làm bài thơ tảo mai. Bài thơ được vua khen hay, thưởng 20 đỉnh bạc, tuyển vào cung sung làm việc tại viện Thượng nghi. Năm thứ ba vào cung, bà được phong làm Tài nhân và hầu vua. Là người thông minh, bà được vua Tự Đức sủng ái, dạy cho làm thơ và trở thành nữ môn sinh của vua Tự Đức.

Năm thứ 13 thời vua Tự Đức, bà được phong làm mỹ nhân, sau đó tấn phong làm quý nhân, tiệp dư. Với tài trí thông minh, bà được vua Tự Đức sai dạy kinh điển và dạy tập nội đình cho các hoàng tử. Những hoàng tử con nuôi của vua Tự Đức bà dạy dỗ sau này trở thành vua là Đồng Khánh và Kiến Phúc.

nguoi-vo-tai-danh-lam-phu-tu-cua-vua-tu-duc

Lăng vua Tự Đức, nơi có thờ bài vị các bà vợ của vua. Ảnh: Võ Thạnh.

Vào năm 1883, vua Tự Đức mất, vâng ý chỉ của hai cung là bà Đức Từ Dũ mẹ vua Tự Đức và bà Trang Ý vợ chính vua Tự Đức, bà đã thảo sắc dụ.

Trong sự kiện Kinh đô Huế thất thủ năm 1885, bà theo vua Hàm Nghi và 2 cung đi Quảng Trị. Nhưng sau khi ra Quảng Trị, thấy sức khỏe hai cung không tốt, khó nhọc bà đã theo trở lại Kinh thành Huế, sau đó lên Khiêm Lăng phụng thờ vua Tự Đức và chịu sự quản chế của người Pháp.

Theo cuốn Chuyện nội cung các vua của Nguyễn Đắc Xuân, bà Nguyễn Thị Bích đã ở bên cạnh vua Tự Đức và chứng kiến những sự kiện xảy ra ở triều đình Huế từ sau ngày vua Tự Đức mất. Với sự hiểu biết của mình, bà đã viết tác phẩm Loan Dư Hạnh Thục Quốc Âm Ca (thường gọi tắt là Hạnh Thục Ca).

Với lời thơ trang nhã, âm điệu nhẹ nhàng, phảng phất nỗi buồn, Hạnh Thục Ca kể lại việc thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, ca tụng đức độ của vua Tự Đức, nói về việc nhà vua nuôi nhiều con nuôi, đề cập việc đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế lập các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi...

Bên cạnh đó, Hạnh Thục Ca còn nói đến việc vua Đồng Khánh băng hà, vua Thành Thái lên ngôi. Đoạn sau cùng của Hạnh Thục Ca nói đến lễ bát tuần của bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức.

Năm Thành Thái thứ 3 (1891), lần đầu tiên triều đình Huế tổ chức lễ tế đàn Nam Giao sau ngày Kinh đô Huế thất thủ (5/1885). Bà Tiệp dư Nguyễn Thị Bích đã làm bài thơ chữ Hán nói về sự kiện này, thể hiện sự mừng rỡ về vua Thành Thái trẻ tuổi nhưng có lòng với tổ tiên, biết nối lại quy củ, phục hồi lễ tế đàn Nam Giao với lễ nhạc đầy đủ mong đất nước thái bình.

Không chỉ làm thơ, bà Tiệp dư Nguyễn Thị Bích đã thảo ra nhiều chỉ dụ của triều đình Nguyễn theo ý của 2 cung.

Trước những đóng góp to lớn đối với triều Nguyễn, vào năm 1892, bà được vua Thành Thái tấn phong lên chức Tam phi Lễ tân. Năm Duy Tân thứ 3 (1909), bà mất, hưởng thọ 80 tuổi.