Một nhóm nghiên cứu đã khôi phục được hoạt động của nội tạng và não lợn sau khi con vật đã chết. Kết quả này thách thức quan điểm truyền thống cho rằng chết tim - hay khi cơ thể ngừng tuần hoàn máu và oxy - là không thể cứu vãn, đồng thời khơi dậy cuộc tranh luận về định nghĩa cái chết và đạo đức của việc hiến tạng sau khi chết.

Tuy nhiên, các tác giả lưu ý, những kết quả này không có nghĩa là những con lợn bằng cách nào đó đã sống lại.

Những con lợn được bơm dung dịch thay thế máu từ một hệ thống có tên OrganEx xuất hiện hoạt động tim, gan và thận sau khi chết.

"Hồi sinh" các cơ quan

Trong công trình được công bố ngày 3/8 trên tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu tại Đại học Yale mô tả họ đã kết nối những con lợn đã chết được một giờ với một hệ thống có tên OrganEx làm nhiệm vụ bơm dung dịch thay thế máu vào khắp cơ thể của chúng. Dung dịch này chứa máu của động vật và 13 hợp chất như chất chống đông máu - làm chậm quá trình phân hủy của các cơ thể và nhanh chóng phục hồi một số chức năng của cơ quan, chẳng hạn như co bóp tim và hoạt động gan, thận. Kết quả, OrganEx đã giúp bảo tồn nguyên vẹn một số mô não và khôi phục hoạt động tuần hoàn ở gan và thận; nhưng các nhà nghiên cứu không quan sát thấy bất kỳ hoạt động phối hợp nào của não có thể cho thấy động vật đã có lại ý thức.

Trước đó, vào năm 2019, nhóm nghiên cứu đã phục hồi được bộ não của lợn sau khi bị tách rời khỏi cơ thể con vật trong bốn giờ. Nhà thần kinh học Nenad Sestan, thành viên nhóm nghiên cứu, dự đoán rằng quy trình tương tự có thể được áp dụng sang các cơ quan khác, vì não là cơ quan dễ bị thiếu oxy nhất và nếu đã có thể hồi phục một số chức năng của não lợn đã chết thì cũng có thể phục hồi chức năng của các cơ quan khác.

Hệ thống sử dụng trong thí nghiệm năm 2019 là BrainEx, được thiết kế chỉ dành cho bộ não và nhóm đã cải tiến hệ thống này thành OrganEx bằng cách bổ sung các hợp chất ngăn chặn quá trình đông máu và ngăn hệ thống miễn dịch làm hỏng các cơ quan, vì hai yếu tố này hoạt động nhiều hơn ở những nơi khác trong cơ thể so với não. Thông thường, chỉ trong vòng vài phút sau khi tim ngừng đập, cơ thể sẽ bị thiếu oxy và các enzyme bắt đầu tiêu hóa màng tế bào, dẫn đến các cơ quan nhanh chóng mất đi tính nguyên vẹn về cấu trúc. Vì vậy, những kết quả OrganEx đạt được nói trên là rất ấn tượng.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện, những con lợn được kết nối với OrganEx có nhiều gen chịu trách nhiệm cho chức năng tế bào và sửa chữa tế bào hoạt động hơn so với nhóm lợn được kết nối với hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO thông thường hoặc không được điều trị.

Một điểm kỳ lạ dễ thấy là chỉ có những con lợn OrganEx bắt đầu giật đầu, cổ và thân. Các nhà nghiên cứu chưa thể giải thích các chuyển động này, vì trong não động vật không có hoạt động điện. Họ cho rằng có thể các chuyển động phát sinh trong tủy sống, nơi kiểm soát một số chức năng vận động một cách độc lập với não.

Nhóm nghiên cứu lưu ý, trong thí nghiệm này, không xuất hiện hoạt động điện não vì dung dịch thay thế máu mà họ sử dụng (28ºC) lạnh hơn so với nhiệt độ cơ thể lợn bình thường, hoặc do dung dịch bao gồm các hợp chất gây mê và thuốc chặn tế bào thần kinh có thể hạn chế hoạt động điện não.

Nếu có thể nhân rộng khả năng phục hồi tế bào như trong nghiên cứu trên ở động vật và cuối cùng là ở người, thì một ngày nào đó, kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng để bảo tồn các cơ quan phục vụ cấy ghép hoặc hồi sức trực tiếp cho bệnh nhân.

Hai hình ảnh bên trái cho thấy các tế bào gan (phía trên) và thận (phía dưới) từ nhóm lợn đối chứng; hai hình ảnh bên phải cho thấy các tế bào từ những con lợn được điều trị bằng OrganEx đã khôi phục một số tính toàn vẹn của mô và một số chức năng tế bào nhất định.

ECMO hiện là phương pháp chính để bảo tồn nội tạng hiến tặng hoặc hồi sức cho bệnh nhân đau tim. Trong cả hai trường hợp, can thiệp ECMO đều cần bắt đầu ngay lập tức: ngay sau khi nội tạng hiến tặng được lấy ra khỏi người hiến vừa tử vong, hoặc ngay khi bệnh nhân lên cơn đau tim - và tỷ lệ thành công cũng không cao.

OrganEx có thể là hệ thống “mang tính bước ngoặt”, làm “tăng đáng kể số cơ quan có thể được phục hồi để cấy ghép”, theo Gabriel Oniscu, bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tại Bệnh xá Hoàng gia Edinburgh, Vương quốc Anh.

Khả năng tiềm tàng này dẫn đến những vấn đề về đạo đức, đặc biệt là nếu một ngày nào đó kỹ thuật này có thể khôi phục hoạt động của não sau khi chết.

Kết quả mới tiếp tục nhấn mạnh rằng cái chết không phải là một khoảnh khắc mà là một quá trình, do đó rất khó đưa ra một cách thống nhất để tuyên bố một người là đã chết, Arthur Caplan, nhà đạo đức sinh học tại Đại học New York, bình luận. Định nghĩa pháp lý về cái chết cần tiếp tục thích ứng khi y học tiếp tục phát triển, và hiện chưa có sự đồng thuận rộng rãi về thời điểm tử vong, nghiên cứu mới nhắc lại điều này một cách rõ ràng, theo Caplan.

Nguồn: