Nhà khoa học Eva-Maria Geigl và các đồng nghiệp ở Viện Jacques Monod (Paris, Pháp) vừa công bố kết quả nghiên cứu về loài mèo dựa trên phân tích DNA từ 290 con mèo cổ từ hơn 30 cuộc khai quật khảo cổ ở Trung Đông, châu Phi, châu Âu và cả một ngôi mộ Viking ở Đức.

Loài mèo di cư ra toàn thế giới theo 2 đợt. Ảnh: RD

Nghiên cứu cho thấy, hàng nghìn năm trước, trước khi trở thành một trong những loài vật nuôi phổ biến nhất trong các gia đình Mỹ, mèo đã “đến” các châu lục theo chân những người nông dân, thủy thủ và thậm chí cả những người Viking - những nhà thám hiểm, thương nhân, chiến binh, hải tặc ở Bắc Âu vào thời đại đồ đá muộn, trên bán đảo Scandinavia.

Người Viking được biết đến như các chiến binh lưu động trên các chiến thuyền hoặc những kẻ cướp biển, nhưng họ cũng là các nông dân và các nhà buôn giỏi. Những người này có thể đã mang mèo trong các chuyến đi.

Phân tích di truyền tiết lộ rằng có khả năng mèo đã “di cư” ra toàn thế giới theo 2 đợt. Hóa thạch của con mèo trong ngôi mộ 9.500 năm tuổi ở Cộng hòa Síp hé lộ cuộc “di cư” đầu tiên diễn ra nhờ làn sóng di dân của những người nông dân ở phía đông Địa Trung Hải. Tức là mối quan hệ con người - mèo đã bắt đầu từ những ngày đầu của nền nông nghiệp.

Cuộc “di cư” thứ hai diễn ra khi mèo từ Ai Cập tới châu Á và châu Phi thông qua những người đi biển cổ đại, bao gồm cả người Viking. Xác mèo trong ngôi mộ Viking ở miền bắc nước Đức và xác ướp mèo ở Ai Cập có cùng DNA của mèo mẹ.

Có thể chuột đã gây ra nhiều vấn đề với hành trình dài trên biển, nên mèo được mang lên tàu trong những chuyến đi để giúp giảm số lượng các loài gây hại.