“Muốn mình trở thành một cơ sở nhỏ ở quê hay mở công ty thật sự? Tùy bạn” – Axel đã nói như thế. Và có lẽ sợ mình nói nhiều quá nên mọi người không nhớ hết, ông ghi lại một số lời khuyên “bỏ túi đem về” để chắc rằng những gì tâm huyết nhất của mình được ghi nhận. Phóng viên Khoa học và Phát triển chép lại những bí quyết này.

Điều gì tạo nên một doanh nhân thật sự thành công? Đây có lẽ là câu mà mỗi doanh nhân đều được hỏi. Tuy nhiên, thay vì trả lời hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm bản thân, Axel đã gặp và nói chuyện với hơn 600 startup thành công tại Sillicon Valley và rút ra câu trả lời cho mình. Ông đã có dịp chia sẻ điều này với cộng đồng khởi nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, trong buổi talkshow “Từ ý tưởng khởi nghiệp cho đến IPO trên sàn chứng khoán.”

Tỷ phú Axel Schultze giao lưu và trao đổi cùng các doanh nhân khởi nghiệp tại Saigon Innovation Hub – TP. HCM. Ảnh: Thanh Tâm – SIHUB

Thử tưởng tượng bạn có mọi nguồn lực trên trái đất này

​“Cho dù bạn có làm gì, trong trường học hay là một doanh nhân có kinh nghiệm, nhà đầu tư thì điều mấu chốt cho thành công vẫn là tầm nhìn – hay gọi là âm mưu hoặc giấc mơ lớn cũng được. Hãy trả lời tôi câu hỏi này: Bạn sẽ ra sao trong 10 năm nữa?”. Rõ ràng, việc có tầm nhìn và biết rõ mình đang đứng đâu là vô cùng quan trọng. Đặc biệt với các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Nó quyết định cho việc liệu doanh nghiệp đó chỉ đang “dạo chơi” trên thị trường, trở thành một doanh nghiệp nhỏ ở điạ phương hay xây dựng nên một công ty thật sự. Axel nhận ra điểm chung của các startup triệu đô và những công ty thành công khác chính là tầm nhìn. Hay nói cách khác họ thấy được rõ ràng mình sẽ ra sao sau 10 năm nữa. Thử tưởng tượng nếu bạn có mọi nguồn lực về con người, tiền bạc, công nghệ trên trái đất này, công ty của bạn sẽ như thế nào. Hãy tưởng tượng thử đi!

​Năm 2008, Yahoo đề nghị mua lại Facebook với giá 800 triệu USD. Và nhà sáng lập trẻ, Mark Zuckerberg lúc này chỉ mới 24 tuổi đã thẳng thừng từ chối. “Tôi muốn biến tầm nhìn của mình thành hiện thực, chứ không phải bán nó.” Chắc rằng, Mark đã có thể nhìn ra được Facebook sau 10 năm sẽ trở nên lớn mạnh ra sao. Nếu không, chúng ta chắc cũng không biết đến chữ F xanh dương và mạng xã hội phổ biến nhất thế giới này.

Đội ngũ khác biệt chia sẻ mục tiêu chung

​Thành công lâu dài của một công ty đòi hỏi việc phải tập hợp đúng con người, đúng tài năng để xây dựng công ty. Cứ nghĩ đội ngũ công ty như là cỗ máy, bánh răng khớp vào nhau, chỉ cần sai lệch một người cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hiệu suất làm việc. Axel đã rút ra bài học cho chính mình sau khi ông mở công ty đầu tiên. Đó là người tài, họ tìm điểm đến chứ không phải công việc. Nơi mà giúp họ hoàn thiện chính mình. Vì vậy khi xây dựng đội ngũ của công ty, đừng bao giờ chỉ là sự kết hợp của những người bạn thân, trong cùng trường, sở hữu những kỹ năng giống nhau. Hãy làm việc với những người biết những thứ khác mình. “Tôi và người đồng sáng lập một công ty thứ hai của mình, chưa bao giờ là bạn thân. Chúng tôi quá khác nhau. Nhưng chúng tôi chia sẻ một giá trị duy nhất: bất cứ điều gì chúng tôi làm, tất cả những cuộc tranh luận của chúng tôi, đều dựa trên một điều thôi: lợi ích của công ty”.

Những con số ma thuật: 1%, 2%, 42 người và 1000 người

Làm thế nào để biết ý tưởng kinh doanh của mình đáng giá? Hãy ra đường, tìm kiếm những người không quen biết, và chia sẻ với họ về ý tưởng của mình. Ngoài quán cà phê, trong một hội thảo, trên LinkedIn hay bất cứ đâu. Và con số 42 người – là con số tuyệt đối khoa học của trái đất này, nếu có 42 người ủng hộ ý tưởng này, thì ý tưởng đó đã đạt yêu cầu rồi. Làm tới đi.

Chỉ 1% mỗi ngày tăng trưởng về doanh số, về khách hàng, về sản phẩm, hay bất kỳ chỉ tiêu nào, sẽ là một phép màu để công ty đạt dần đến mốc bùng phát mà mình còn chưa kịp tưởng tượng. Tuyệt đối mỗi ngày phải kiếm tra xem mình có tăng trưởng 1% không. Và bền bỉ làm chuyện này.

Nếu có 2% lượng tương tác trên mạng xã hội tăng lên mỗi ngày, chúng ta đang trên con đường chinh phục con số 1 triệu khách hàng. Hãy dành 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày, không chỉ để chăm sóc mạng xã hội của mình, mà còn đi chăm sóc các mối quan hệ trên mạng xã hội nữa. Like, share, comment, hãy làm bất cứ cách nào bạn muốn để tạo tương tác. Và cũng phải đo đếm theo chỉ tiêu tăng 2% số lượt quan tâm đến mình mỗi ngày.

Bạn có biết rằng, chúng ta không thể nói chuyện với 1.000.000 người về sản phẩm và dịch vụ của mình. Nhưng nếu chúng ta có thể thuyết phục được 1.000 người, sau đó 1.000 người này sẽ nói với 1.000 người quen của họ, nghĩa là câu chuyện đã được truyền tải đến 1.000.000 người rồi đó. Ngày xưa, chuyện này là không thể, nhưng nhờ sức mạnh của mạng xã hội, giờ thì không còn quá khó. Vậy 1.000 người sẵn lòng đi kể chuyện công ty của bạn là ai?

Đừng làm ăn với đối tác, hãy làm ăn với “bạn hàng”

Business friend – tạm dịch: bạn hàng, bạn làm ăn, là một mối quan hệ diệu kỳ. Vì sao các doanh nhân hay đi đánh golf? Vì sao người ta tham gia các giải chạy bộ, các hoạt động cộng đồng? Vì ở đó, người ta gặp những business friend – là mối quan hệ lai giữa kinh doanh và bạn bè. Ở Mỹ có câu: sản phẩm tốt nhất không bao giờ thành công. Điều thành công đến từ các mối quan hệ tốt. Vì vậy, thay vì xem họ là đối tác, khách hàng, hãy biến họ thành những bạn hàng, một cách thực lòng, giúp đỡ, hỗ trợ và tham gia vào những việc chung. Kinh doanh, cuối cùng là giữa con người với con người…