Son môi đỏ là sản phẩm tạo ra sự hấp dẫn giới tính và quyến rũ của phái đẹp. Tuy nhiên, nhiều người có thể không biết rằng son môi đã được phát minh từ cách đây ít nhất 5.000 năm.

Son môi đỏ góp phần tạo ra sức hấp dẫn của phụ nữ.  Ảnh: Shutterstock

Son môi đỏ góp phần tạo ra sức hấp dẫn của phụ nữ. Ảnh: Shutterstock

Son môi có nhiều hình thức khác nhau trong quá khứ. Đôi khi nó là một loại bột được trộn lẫn với nước và dầu để tạo thành hỗn hợp nhão, hoặc nó có thể chỉ là một loại phấn màu. Chúng ta không biết rõ nền văn minh nào bắt đầu thực hành tô son môi đỏ đầu tiên. Có lẽ các nhà sáng tạo thuộc về một nền văn hóa bị lãng quên từ lâu. Nhưng bất kể ai bắt đầu xu hướng này, chắc chắn rằng kể từ thời cổ đại phụ nữ đã tìm kiếm các phương pháp để làm nổi bật vẻ bề ngoài của họ.

Các nhà khoa học đã phát hiện những bảng pha chế màu mỹ phẩm tại nhiều địa điểm khảo cổ. Chúng đã tiết lộ thông tin quý giá về các phương pháp chăm sóc sắc đẹp cũng như những loại nước hoa sớm nhất trong lịch sử. Điều này cho thấy, con người đã biết làm đẹp từ lâu đời, nhưng sự phổ biến của đôi môi màu đỏ trong nhiều thiên niên kỷ vẫn là điều khá hấp dẫn.

Son môi được sử dụng từ thời cổ đại

Các phụ nữ cổ đại sống tại vùng Lưỡng Hà rất thích dùng son môi. Những bằng chứng đầu tiên về việc sử dụng son môi đỏ để trang điểm có nguồn gốc cách đây 5.000 năm. Vào thời kỳ này, không chỉ có phụ nữ trang điểm mà cả đàn ông cũng vậy. Người Sumer được biết đến là những người phát minh ra son môi làm từ đá quý nghiền vụn trộn lẫn với chì trắng. Tất nhiên, son môi của người Sumer không giống thỏi son hiện đại ngày nay.

Sự hiểu biết về mỹ phẩm thời cổ đại được các nhà khảo cổ thu thập từ những ngôi mộ, tàn tích của các bức tranh và tác phẩm điêu khắc cũ.

Tại Thung lũng Indus, người dân đã biết dùng một số loại đá bán quý nghiền nhỏ để trang trí đôi môi và đôi mắt của họ trở thành màu đỏ từ năm 3000 trước Công nguyên. Phụ nữ Trung Quốc thanh lịch cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra xu hướng dùng son môi ở châu Á.
Phụ nữ Ai Cập cổ đại cũng thích sở hữu một đôi môi màu đỏ. Nhìn vào những người đại diện của phụ nữ Ai Cập cổ đại, chúng ta thấy rằng đôi môi họ thường được nhuộm màu đỏ. Quan sát bức tượng bán thân nổi tiếng của nữ hoàng Nefertiti, đôi môi của bà đã trở thành một ví dụ mang tính biểu tượng cho vẻ đẹp nữ tính. Phụ nữ Ai Cập sử dụng thuốc nhuộm làm từ rong biển, iốt và hợp chất bromine mannite. Một số tài liệu nói rằng, nữ hoàng Cleopatra VII chế tạo son môi từ kiến và bọ cánh cứng nghiền nát.

Ngoài ra, son môi cũng được biết đến ở châu Mỹ. Phụ nữ Maya sử dụng màu vẽ để làm đẹp cho đôi môi của họ. Bằng chứng về điều này được ghi chép trong cuốn sách ‘’The Grolier Codex’’ vào thế kỷ 13.

Son môi từng bị ngăn cấm ở nhiều nơi

Cùng với sự phát triển của đạo Cơ Đốc, phụ nữ cần diện mạo thùy mị hơn và hiếm khi sử dụng các màu sắc sặc sỡ. Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ), những lời chỉ trích tôn giáo về son môi đã phổ biến rộng rãi ở một số quốc gia vào thời kỳ Trung Cổ. Tại Anh, một người phụ nữ trang điểm được xem là hóa thân của quỷ Satan, bởi vì cô làm thay đổi khuôn mặt mà Đức Chúa Trời ban cho cô. Trong khi văn hóa hạn chế sử dụng son môi chủ yếu là do quan niệm xã hội thay vì quy định của pháp luật thì hình thức xăm môi hoàn toàn bị cấm.

Tuy nhiên, việc ngăn cấm xã hội về màu môi cũng có trường hợp ngoại lệ. Những loại son có màu sắc nhẹ nhàng như màu trắng hoặc màu hồng vẫn được phép sử dụng vì những màu sắc này tượng trưng cho sự thuần khiết. Rất nhiều phụ nữ đã tạo ra màu son từ mỡ cừu và nghiền nát các loại rễ có màu đỏ.
Trong những năm 1200 sau Công nguyên, son môi là một công cụ quan trọng dùng để thể hiện địa vị xã hội tại khu vực thuộc Italy ngày nay. Tầng lớp phụ nữ thượng lưu thường tô son màu hồng rực rỡ, trong khi đó phụ nữ tầng lớp thấp hơn tô son màu đỏ đất.

Ảnh hưởng của hoàng gia

Trong thế kỷ 16, nữ hoàng Elizabeth I của nước Anh đã góp phần phổ biến rộng rãi đôi môi đỏ trong hoàng cung, đồng thời bà cũng tạo ra một phong cách thời trang mới đó là đôi môi màu đen. Son môi của Elizabeth I được làm từ sáp ong và chất nhuộm màu đỏ có nguồn gốc từ thực vật.

Tuy nhiên, sau này nữ hoàng Victoria (Anh) lại ngăn cấm sử dụng son môi đỏ khi cho rằng đó là vật dụng làm đẹp của gái mại dâm. Nhưng ngoài những người ủng hộ nữ hoàng Victoria, vẫn có người làm trái quy định này.

Phá vỡ nhiều điều cấm kỵ, Hollywood đã dần đem son môi trở lại với phái đẹp. Khi các diễn viên thoải mái dùng son trên màn ảnh cũng là lúc nhiều phụ nữ bắt đầu bí mật thoa son tự pha chế tại nhà. Nữ diễn viên nổi tiếng Sarah Bernhardt thường xuất hiện trên và ngoài thảm đỏ với đôi môi đỏ mọng. Hình ảnh này của bà được người hâm mộ dần bắt chước, làm theo.

Theo thời gian, đàn ông ngừng sử dụng son môi. Những người đàn ông cuối cùng trong lịch sử dùng son môi thuộc tầng lớp quý tộc Pháp trước cuộc Cách mạng Pháp. Thỏi son môi hiện đại đầu tiên được sản xuất vào năm 1884, bởi các nhà sản xuất nước hoa tại Paris, Pháp.

Khi thời trang và trang điểm phát triển, son môi được thiết kế theo một bảng màu đa dạng. Thành phần của son thường chứa sáp, dầu, mỡ, chất làm mềm da và sắc tố. Chất làm mềm thường bao gồm vitamin E, lô hội... hoạt động như một loại kem dưỡng ẩm.

Vào thế kỷ 20, son môi trở thành biểu tượng của sự tự tin, nữ tính và quyến rũ. Ngoài ra, trong nhiều nền văn hóa, người ta tin rằng khi một cô gái bắt đầu sử dụng son môi màu đỏ thì cô ấy chính thức trở thành một người phụ nữ.

Những bằng chứng đầu tiên về việc sử dụng son môi đỏ để trang điểm có nguồn gốc cách đây 5.000 năm. Vào thời kỳ này, không chỉ có phụ nữ trang điểm mà cả đàn ông cũng vậy, theo Ancient Origins.