Chiêm tinh học phương Tây có nguồn gốc từ người Babylon cổ đại. Những kiến thức chiêm tinh đầu tiên được phát triển bởi các linh mục, nhằm mục đích giải mã ý muốn của các vị thần.

Việc khảo sát sự thay đổi vị trí của các hành tinh và ngôi sao, cũng như tìm hiểu ý nghĩa của chúng đối với sự sống trên Trái đất có nguồn gốc khá cổ xưa. Các hệ thống chiêm tinh học đã phát triển một cách độc lập ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới bao gồm Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc và Trung Mỹ. Tại khu vực Lưỡng Hà, hệ thống chiêm tinh Babylon cổ đại xuất hiện cách đây khoảng 5.000 năm là nền tảng của chiêm tinh học được sử dụng ở phương Tây ngày nay.

Sự khởi đầu của chiêm tinh Babylon

Giới khoa học phát hiện một số bằng chứng về việc thực hành chiêm tinh học ở Babylon vào thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên (TCN). Tuy nhiên, bằng chứng lâu đời nhất về một hệ thống chiêm tinh được sắp xếp có trật tự là từ thiên niên kỷ thứ hai TCN. Khoảng 70 tấm bảng chữ hình nêm của người Babylon có niên đại từ những năm 1700 TCN đã liệt kê hơn 7.000 thiên thể trên bầu trời. Vào thời điểm đó, chiêm tinh học tập trung vào những gì đang diễn ra trên bầu trời đêm, bởi vì chuyển động trong tương lai của các hành tinh rất khó dự đoán.

Tại Babylon, các linh mục thường sử dụng chiêm tinh học để xác định ý muốn của các vị thần. Họ cũng dùng một phương pháp khác là kiểm tra gan của những động vật bị hiến tế, sau đó diễn giải ý nghĩa theo các đốm đen quan sát được.

Hệ thống chiêm tinh học Babylon chứa đựng nhiều yếu tố có thể quen thuộc với chúng ta. Họ chia các ngôi sao cố định (fixed star) thành ba nhóm Anu, Enlil, và Ea dựa vào nơi chúng mọc ở đường chân trời phía Đông. Người Babylon ban đầu phân loại 18 chòm sao trong số những ngôi sao cố định này, nhưng sau đó họ tập trung vào 12 chòm sao quan trọng nhất. Chúng được kế thừa bởi những người Hy Lạp và trở thành các chòm sao trong chiêm tinh học của phương Tây ngày nay.

Người Babylon thừa nhận có 5 hành tinh cùng với Mặt trời và Mặt trăng. Họ liên kết các hành tinh với những vị thần khác nhau: sao Mộc với thần Marduk, sao Kim với thần Ishtar, sao Thổ với thần Ninurta, sao Thủy với thần Nabu, sao Hỏa với thần Nergal, Mặt trời với thần Shamash và Mặt trăng với thần Sin.

Biểu tượng 12 cung hoàng đạo trong chiêm tinh học hiện đại. Ảnh: Wikimedia

Sự di chuyển của Mặt trời, Mặt trăng và năm hành tinh qua các chòm sao trên bầu trời tượng trưng cho hoạt động của những vị thần này, đồng thời ẩn chứa thông điệp mà các vị thần muốn gửi tới con người. Khi giải đoán những dấu hiệu chiêm tinh, các linh mục chủ yếu quan tâm đến vận mệnh của đất nước và tuổi thọ của nhà vua – nhân vật quan trọng nhất. Người Babylon cũng tin rằng, họ có thể thực hiện một số nghi lễ để xoa dịu các vị thần và làm giảm nhẹ bất kỳ cảnh báo tiêu cực nào từ các dấu hiệu chiêm tinh.

Phương pháp diễn giải của người Babylon chủ yếu dựa trên các sự kiện trong quá khứ, cụ thể là những biến cố từng xảy ra khi xuất hiện các hiện tượng thiên văn giống nhau. Họ cũng sử dụng đặc điểm tính cách của các vị thần [gắn liền với các hành tinh] và những câu chuyện liên quan đến những chòm sao khác nhau để giải mã thông điệp từ bầu trời.

Việc thực hành lấy lá số tử vi cá nhân của người Babylon bắt đầu từ khoảng năm 400 TCN, sau khi người Ba Tư tiếp quản khu vực này. Người Babylon cho rằng, tử vi có thể dự đoán tính cách và cuộc đời của một người nhờ vào vị trí của các hành tinh và ngôi sao tại thời điểm họ chào đời.

Quá trình lan rộng và phát triển

Những lý thuyết cơ sở dùng trong chiêm tinh học có nguồn gốc từ người Babylon. Tuy nhiên, nó chỉ được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ phát triển văn hóa Hy Lạp, sau khi Alexander Đại đế chinh phục châu Á. Một số văn bản của người Hy Lạp – chẳng hạn như trong các bài thơ của Hesiod từ năm 750 TCN – cho thấy vị trí các ngôi sao thuận lợi để thực hiện một số công việc nhất định. Người Hy Lạp đã thêm bốn yếu tố quan trọng vào chiêm tinh học bao gồm lửa, đất, không khí, nước, cũng như phát hiện ra hiện tượngtuế saitrong chuyển động của các hành tinh.

Nhà chiêm tinh nổi tiếng nhất Hy Lạp là Ptolemy sống ở Ai Cập vào khoảng năm 100 sau Công nguyên. Ông đã viết hai tác phẩm quan trọng về chiêm tinh học. Tác phẩm Tetrabiblos của Ptolemy được coi là sách giáo khoa chiêm tinh của người Ả Rập và các nhà chiêm tinh châu Âu cho đến thế kỷ 17, khi Copernicus phát hiện Trái đất quay xung quanh Mặt trời.

Người La Mã kế thừa nhiều khía cạnh của nền văn hóa Hy Lạp cũng thực hành chiêm tinh học. Firmicus, nhà chiêm tinh La Mã nổi tiếng nhất sống vào thế kỷ 4, đã viết tác phẩm Mathesis như một quyển sách hướng dẫn thực hành cho những người muốn tìm hiểu về chiêm tinh học. Hoàng đế La Mã Augustus Caesar thậm chí còn sử dụng dấu hiệu Mặt trăng (moon sign) của mình là chòm sao Ma Kết để in trên các đồng tiền xu. Moon sign là thuật ngữ chiêm tinh học dùng để chỉ vị trí của Mặt trăng trên bầu trời vào thời điểm bạn chào đời.

Vụ cướp phá thành Rome năm 410 đã khiến nhiều sách và kiến thức chiêm tinh học mất đi ở châu Âu. Nhưng trong lúc chiêm tinh học châu Âu đang trải qua thời kỳ đen tối, nó vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thế giới Ả Rập. Các học giả Ả Rập đã bảo tồn những tác phẩm của Ptolemy và Firmicus, đồng thời bổ sung thêm thông tin từ các hoạt động chiêm tinh ở những nơi khác như Trung Quốc và Ấn Độ. Họ cũng phát triển Astrolabe, một công cụ khoa học để theo dõi chuyển động của các ngôi sao và hành tinh.

Chiêm tinh học tại châu Âu phát triển mạnh mẽ trở lại vào thời kỳ Trung Cổ. Năm 1138, bản dịch tiếng Latinh đầu tiên của tác phẩm Tetrabiblos xuất hiện tại châu Âu. Từ thời gian này, các nhà triết gia châu Âu đã nghiên cứu và phát triển hệ thống chiêm tinh học được sử dụng ở phương Tây ngày nay, dựa trên nền tảng chiêm tinh học của người Babylon.