Những khuyến khích kinh tế (economic incentives), bao gồm giải thưởng và bằng sáng chế, ra đời để đáp ứng những đòi hỏi khác nhau, nhưng tất cả đều cùng thúc đẩy sự đổi mới.

Giải thưởng châm ngòi đổi mới

Năm 1919, chứng kiến những bước tiến của ngành hàng không Anh Quốc, Raymond Orteig (chủ khách sạn người Mỹ gốc Pháp) đã tự tổ chức một cuộc thi, cam kết thưởng “25.000 USD (hơn 350.000 USD bây giờ) cho bất cứ người nào có thể bay xuyên Đại Tây Dương, từ Paris tới New York hoặc ngược lại. Trong khi hầu hết các đối thủ đều thất bại với lựa chọn máy bay truyền thống (có hai tầng cánh), Charles Lindbergh (25 tuổi) đã làm nên kỳ tích trên chiếc monoplane (một tầng cánh) – vẫn đang được thử nghiệm – trong chuyến bay từ New York tới Paris (năm 1927).

Sự kiện này, sau đó đã tạo ra một bầu không khí phấn khích len lỏi khắp xã hội Mỹ, khiến ngành hàng không bùng nổ với hàng loạt các cuộc thử nghiệm đường bay, mẫu và mô hình máy bay chưa từng có trong lịch sử.

Như trong năm 1927, số lượng hồ sơ xin cấp bằng phi công và đăng ký máy bay mới đã tăng lần lượt 300% và 400%; tiếp đó là sự ra đời và thử nghiệm thành công của hai mẫu máy bay gắn tên lửa (1928) và động cơ phản lực đầu tiên (1929); hay sang đến năm 1930, thiết bị cơ điện mô phỏng bay đã được ra mắt tại các trung tâm đào tạo phi công và giải trí trên toàn quốc.

Có thể nói, chính giải thưởng do Orteig tổ chức đã châm ngòi cho cơn sốt đổi mới ngành hàng không của Mỹ. Nhưng đáng tiếc, sau thành công ấy, những biện pháp khích lệ tương tự cho các lĩnh vực khác lại không mấy được công chúng hưởng ứng và dần trở nên lỗi thời.

6 phi công đã bỏ mạng trong các chuyến bay thử trước khi Charles Lindbergh trở thành người đầu tiên vượt Đại Tây Dương trên chiếc máy bay The Spirit of St. Louis (chỉ có một tầng cánh). Ảnh: NASM

Mãi tới năm 1995, khi Quỹ XPrize tổ chức cuộc thi Ansari X Prize kêu gọi các sáng chế và giải pháp phóng tàu vũ trụ tư nhân, với khoản tiền thưởng 10 triệu USD được trao cho mẫu thiết kế phi thuyền SpaceShipOne của Scaled Composites, một ngành công nghiệp mới tiềm năng, trị giá hàng tỷ USD, mới được khuấy động và phát triển như hôm nay (với những tên tuổi như SpaceX và Blue Origin). Kể từ đó, XPrize đã tổ chức tới 17 cuộc thi và trao hơn 140 triệu USD tiền thưởng để khuyến khích những đột phá khoa học công nghệ.

Cùng với X Prize, những năm gần đây, nhiều tổ chức và cá nhân ở Mỹ đều có xu hướng tận dụng internet để kêu gọi các ý tưởng và cộng tác nhằm tìm kiếm giải pháp cho một số vấn đề, như Netfilx và Overstock.com với mục tiêu cải thiện trải nghiệm trên nền tảng website của họ; năm 2005, Lầu Năm Góc (Pentagon) cũng thưởng 2 triệu USD cho nhóm phát minh ra chiếc xe robot giành chiến thắng trong cuộc đua DARPA Grand Challenge; năm 2010, chính quyền Obama đã phát động Challenge.gov để thu hút sự quan tâm và các giải pháp từ công chúng với phần thưởng, đôi lúc được quy bằng tiền; hay chỉ mới đây, ban tổ chức Breakthrough Prizes đã cũng trao tổng cộng 22 triệu USD cho các thành tựu nổi bật trong khoa học sự sống, vật lý cơ bản và toán.

Tranh cãi về tác động của giải thưởng

Trong khi đó, để được cấp bằng sáng chế tại Mỹ, nhà phát minh cần phải nộp hồ sơ kèm theo mô tả chi tiết về giải pháp hay công nghệ của mình đến Phòng Sáng chế và Thương hiệu (United States Patent and Trademark Office) để chờ xét duyệt.

Thông thường, các ý tưởng và đề xuất sẽ không được cấp bằng, do chưa thể chứng minh được tính “hữu ích” – không chỉ mới mẻ mà còn cần phải được kiểm chứng bằng thực tiễn. Giáo sư Tom Nicholas tại Trường Kinh doanh Harvard cho rằng, chức năng của bằng sáng chế, về bản chất cũng giống như một sự “thỏa hiệp căn bản”.

Theo đó, nhà phát minh sẽ được độc quyền sở hữu sáng chế trong 20 năm và hoàn toàn có thể kiện các hành vi sao chép từ những cá nhân hay tổ chức khác, ở cả trong lẫn ngoài nước – mặc dù điều này là không đủ để đảm bảo vi phạm sẽ không bao giờ xảy ra. Ngày nay, một sản phẩm tuy nhỏ nhưng phức tạp cũng có thể bao gồm cả trăm công nghệ (được cấp bằng sáng chế), mà mỗi công nghệ lại rất dễ trở thành đối tượng bị sao chép.

Giữa bằng sáng chế và giải thưởng cũng không hề có mối quan hệ loại trừ lẫn nhau, khi nhà phát minh vẫn hoàn toàn có thể tham gia một cuộc thi [để giành giải thưởng] bằng công nghệ đã được cấp bằng của mình. Tùy vào điều khoản của từng giải thưởng, người chiến thắng có thể sẽ được yêu cầu phải chuyển giao hoàn toàn quyền sở hữu [của sáng chế] cho nhà tài trợ để đổi lấy tiền; trong khi XPrize hay nhiều tổ chức khác (như Netflix) lại có chính sách tiếp tục để tác giả giữ bản quyền và chỉ cần cấp phép cho họ sử dụng.

Theo Nicolas, “giải thưởng sẽ thực sự phát huy ý nghĩa khi chúng ta muốn khuyến khích nhà phát minh làm những việc mà nhẽ ra họ sẽ không làm”, nhất là trên các lĩnh vực – vốn rất cần đổi mới song lại không có nhiều đầu tư tư nhân; khi ấy, những phần thưởng bằng tiền hoặc không phải tiền (chẳng hạn danh tiếng), có thể cũng sẽ là một cách giúp mở lối cho nhiều tiến bộ cần thiết.

Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại không ít vấn đề, giống như nhận định của B. Zorina Khan – tác giả cuốn “Inventing Ideas: Patents and Innovation Prizes in the Knowledge Economy” (Ý tưởng Phát minh: Bằng Sáng chế và Giải thưởng Đổi mới trong nền Kinh tế Tri thức), cho rằng ngay cả nhiều người tổ chức cuộc thi đôi khi cũng không thể định lượng chính xác được giá trị của những phát minh, hay thậm chí còn trao thưởng cho nhiều sáng kiến thực ra hoàn toàn “vô dụng”, bên cạnh một vài thiếu sót liên quan đến tính minh bạch.

Như năm 2006, Netfilx đã tổ chức một cuộc thi để tìm giải pháp giúp độ chính xác trong thuật toán đề cử phim của họ tăng lên khoảng 10%, và thu hút tới hơn 30.000 lập trình viên trên khắp thế giới. Sau ba năm, khoản tiền thưởng 1 triệu USD đã được trao cho nhóm BellKor – gồm toàn các kỹ sư của AT&T và đồng nghiệp tới từ ba quốc gia khác – với ứng dụng Pragmatic Chaos.

Tuy nhiên, những tiết lộ sau này cho thấy, giải pháp trên đã không bao giờ được áp dụng – Như vậy có phải là sự thất bại? Có thể, nhưng sau ba năm làm việc cùng nhau – vừa hợp tác vừa cạnh tranh – các lập trình viên đã tạo ra rất nhiều đột phá cùng vô số thách thức mới trong lĩnh vực mã hóa và chia sẻ dữ liệu trực tuyến.

Sau cùng, Nicolas tin rằng, giá trị của một giải thưởng không phải chỉ nằm ở tiền bạc. Thông qua các cuộc thi [với phần thưởng là tiền], những hội đồng tổ chức sẽ khuyến khích thêm nhiều cá nhân – nắm giữ tri thức bao la – cộng tác, và khi hoàn thành thử thách, họ sẽ có thể cùng nhau chia sẻ phần thưởng – bên cạnh tiền còn cả danh tiếng trong một lĩnh vực vốn đã được chứng minh là rất khó.

Trong lúc giải thưởng đóng vai trò như sự kiểm chứng đối với các ý tưởng đột phá, thì bằng sáng chế lại là một yếu tố cân bằng giúp đảm bảo quyền lực của thị trường, và chính sự bổ sung này đã góp phần kiến tạo một thế giới hoàn hảo hơn.