Bản năng thích sưu tầm của con người được các nhà khoa học coi là nguyên nhân dẫn đến cơn cuồng chơi Pokemon GO đang ngày một sôi sục trên thế giới. Dù vậy, hành động săn lùng các con quái vật ảo khó có thể trở thành nghiện theo đúng nghĩa khoa học.

Sự thôi thúc “bắt càng nhiều càng tốt”

Tờ Forbes hài hước bình luận về cơn sốt Pokemon GO: “Nếu không mắc kẹt trên vũ trụ trong 1 tháng qua, bạn chắc chắn phải biết Pokemon GO đang tồn tại trên Trái đất”. Tại sao nhiều người nghiện bắt các loại quái vật kỹ thuật số này? Để trả lời, bạn cần đặt một số câu hỏi cơ bản hơn, như tại sao con người lại thích thu thập?

GS Russell Belk - Đại học York (Toronto, Canada) - cho biết: “Có một vài động lực chung. Đầu tiên, nó chính là một thử thách, nhưng là thử thách trong một thế giới nhỏ hơn thương trường hay sự nghiệp ngoài đời. Thế nên cơ hội thành công trong Pokemon GO sẽ lớn hơn”.

Trò chơi Pokemon GO đang tạo cơn sốt khắp thế giới. Ảnh: Independent
Trò chơi Pokemon GO đang tạo cơn sốt khắp thế giới. Ảnh: Independent

Trong một bài viết công bố năm 1991, Belk mô tả hai loại sưu tầm chính của con người là thẩm mỹ và phân loại. Sưu tầm dạng thẩm mỹ là khi đối tượng không bị giới hạn ở nguồn cung và việc thêm một thứ gì đó vào bộ sưu tập phụ thuộc vào sở thích cá nhân, như việc sưu tập các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, trường hợp sưu tập Pokemon ảo lại khác.

“Tôi cho rằng những con Pokemon dù đẹp hay xấu cũng không thể xếp vào dạng sưu tầm thẩm mỹ. Ở đây là chuyện bạn muốn bắt tất cả Pokemon hoặc chí ít là bắt càng nhiều càng tốt” - ông Belk nói. Thực tế, việc thu thập Pokemon giống sưu tầm đồng xu hay tem. Nó chính là sưu tầm phân loại - quá trình đặt tên, phân loại các đồ vật và đặt chúng vào các nhóm khác nhau.

Thu thập phân loại có thể kết thúc tạm thời và tiếp tục sau đó. Đơn cử như phiên bản gốc Game Boy, ban đầu chỉ có 151 loài quái vật nhưng đến phần tiếp theo, con số này đã lên đến 700. Nếu Pokemon GO vẫn còn phổ biến và thu lợi, không ngạc nhiên khi sẽ có thêm nhiều loài mới trong game.

Theo Belk, khao khát thu thập không bị thôi thúc bởi nhu cầu hoàn thành bộ sưu tập mà là phấn đấu để chúng ngày càng lớn, tốt hơn: “Điều đó hàm ý một số dạng so sánh xã hội, như bộ sưu tập của tôi tốt hơn của người khác”.

Ở khía cạnh nào đó, việc thu thập các đối tượng số có lợi thế hơn của cải vật chất. Trong khi tiền xu và tem được lưu giữ ở nhà thì bạn có thể đem toàn bộ bộ sưu tập Pokemon trên điện thoại khoe với bạn bè. Mặt khác, nhiều mặt hàng kỹ thuật số - bao gồm bộ sưu tập âm nhạc hoặc phim - không có bảng xếp hạng về số lượt tải các tập tin MP3 từ iTunes hoặc số lượng đĩa DVD từ Amazon để có thể đem khoe.

Một lý do khác khiến Pokemon GO trở thành hàng hot là việc đưa những con quái vật kỹ thuật số vào thế giới thực, tương tự như việc tìm thấy cuốn sách hiếm trong một cửa hàng đồ cổ.

“Nhờ thực tế mở rộng, cuộc săn đuổi đầy cảm xúc được biến thành một phiên bản mà bạn có thể tweet, đăng bài về nó trên trang mạng cá nhân hay mang Pokemon thu thập được đi khắp nơi. Đó là một phần của câu chuyện, một thứ bạn có thể mang theo hay khoe trên mạng về nó” - Belk nói.

Mê Pokemon GO có phải là nghiện đúng nghĩa?

Khi nghiện những thứ như xe, giày hay Pokemon có nghĩa bạn sẵn sàng chấp nhận tiêu tốn nhiều thời hay tiền bạc vào thứ gì đó hời hợt, bề ngoài. Rõ ràng đó không phải là nghiện đúng nghĩa nếu xét ở khía cạnh khoa học.

Theo Hiệp hội y khoa về nghiện của Mỹ, nghiện là bệnh lý mạn tính do sự rối loạn của bộ não, của động lực, bộ nhớ và liên quan đến tim mạch. Định nghĩa này đúng với trường hợp các chất gây nghiện như ma túy lẫn các chứng nghiện tâm lý như nghiện quan hệ tình dục.

Trong cả hai trường hợp này, con người khi nghiện đều có sự tăng sức mạnh của các mạch thần kinh. Các triệu chứng nghiện bao gồm sự thay đổi hành vi theo hướng có hại cho bản thân hoặc người khác. Vậy việc thu thập các vật vô hại như Pokemon trở thành một chứng nghiện không?

“Có thể, nhưng nó là ngoại lệ hơn là có tính quy luật. Từng có trường hợp những người sưu tầm đâm chém nhau để có được thứ họ thèm muốn, nhưng rõ ràng đây là hành động cực đoan” – GS Belk nói.

Ông này khẳng định, nếu tốn tương đối ít chi phí vào việc gì hay cái gì đó thì không coi là nghiện. Thậm chí thói quen sưu tầm có thể là tốt. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn đang thất nghiệp vì nó cho phép bạn lập mục tiêu và đánh giá những thành tựu của chính mình, bao gồm cả việc bắt Pokemon.

“Đôi khi chúng ta thấy việc sưu tập khá phù phiếm, nhưng nó có thể mang đến các lợi ích thực sự” - GS Belk kết luận.