Đảo Vilm trên biển Baltic mang dáng hình con nòng nọc, diện tích chưa đầy 1km2. Đây từng là nơi nghỉ dưỡng “bất khả xâm phạm” dành cho cấp nguyên thủ, nay trở thành khu bảo tồn thiên nhiên kết hợp du lịch độc đáo.

Đầu thế kỷ 19, chính quyền Đức cấm chặt hạ cây cối để biến đảo Vilm thành nơi nghỉ dưỡng mùa hè cho giới hoàng gia. Sau Thế chiến II, rừng sồi nguyên sinh trên đảo thu hút dân thành thị, có thời điểm trung bình 700 du khách đến đây mỗi ngày. Trong 3 thập kỷ 1960-1990, đảo Vilm được chọn làm nơi an dưỡng cho các nhà lãnh đạo Đông Đức. Người dân bị cấm xâm phạm để đảm bảo an ninh cho các VIP nghỉ ngơi trong hơn 10 tòa biệt thự kiểu truyền thống nằm rải rác giữa đảo.
Những ngôi biệt thự kiểu đồng quê trên đảo Vilm từng dành cho nguyên thủ nghỉ dưỡng. Ảnh: Đức Anh
Những ngôi biệt thự kiểu đồng quê trên đảo Vilm từng dành cho nguyên thủ nghỉ dưỡng. Ảnh: Đức Anh

Chính sự phong tỏa này trở thành điều kiện lý tưởng để hệ động - thực vật trên đảo phát triển tự nhiên. Sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, đảo Vilm với điều kiện tự nhiên hiếm có đã trở thành khu dự trữ sinh quyển được bảo vệ nghiêm ngặt của quốc gia.
 Khu rừng hoang sơ bên bờ biển Baltic. Ảnh: BFN
Khu rừng hoang sơ bên bờ biển Baltic. Ảnh: BFN

Cảnh sắc thuần khiết của Vilm hấp dẫn bất cứ ai muốn tìm hiểu thiên nhiên hoang dã mà không cần đi quá xa. Tuy nhiên, vì lý do bảo tồn khu rừng nguyên sinh, du khách không được khuyến khích tới thăm. Những người muốn đến đảo phải đăng ký và được chấp nhận với số lượng hạn chế, phải tuân thủ những quy định khắt khe như cấm hút thuốc, không xả mọi loại rác. Một số khu vực bị cách ly tuyệt đối để đảm bảo tính nguyên sinh của khu rừng.

Bờ biển xói mòn tự nhiên trên đảo Vilm tạo nên khung cảnh đặc sắc. Ảnh: Đức Anh
Bờ biển xói mòn tự nhiên trên đảo Vilm tạo nên khung cảnh đặc sắc. Ảnh: Đức Anh

Sản phẩm đặc hữu trên đảo Vilm là rừng sồi cổ - nơi cây cối trải qua vòng đời hoàn toàn tự nhiên, không có bàn tay tác động của con người. Những cây cổ thụ khi kết thúc sự sống sẽ tự gục xuống mặt đất và phân rã theo năm tháng, trở thành lớp đất xốp nuôi sống thế hệ cây kế tiếp.

Những tòa biệt thự vốn dành cho VIP nay là nơi nghỉ qua đêm cho các nhà nghiên cứu thiên nhiên từ khắp thế giới. Họ được trải nghiệm cuộc sống vắng bóng các thiết bị hiện đại, đắm mình trong bầu không khí tự nhiên trong lành.

Cảnh sắc tuyệt đẹp còn giúp Vilm trở thành “thủ phủ sáng tác” của giới họa sĩ Đức trong hai thế kỷ 19 và 20. Cảnh trong những bức họa từ hàng trăm năm trước gần như không khác với Vilm hiện tại.
Bức họa “Bờ biển Baltic trên đảo Vilm” do họa sĩ Đức Friedrich Preller vẽ từ  năm 1888. Cảnh sắc hiện nay trên đảo vẫn còn nguyên vẹn như trong bức tranh từ hơn một thế kỷ trước. Ảnh: BFN
Bức họa “Bờ biển Baltic trên đảo Vilm” do họa sĩ Đức Friedrich Preller vẽ từ năm 1888. Cảnh sắc hiện nay trên đảo vẫn còn nguyên vẹn như trong bức tranh từ hơn một thế kỷ trước. Ảnh: BFN