Công nghệ thường được hứa hẹn sẽ giúp mọi thứ trở nên dễ dàng, song thực tế không hẳn như vậy.

Chuyện kể rằng, ở xứ Ai Cập thời cổ đại, có một vị vua khôn ngoan tên là Thamus. Một hôm, ông được Theuth – một vị thần thông thái – viếng thăm. Theuth là một nhà phát minh nổi tiếng, tác giả của nhiều thứ hữu ích như số học, hình học, thiên văn và cả trò chơi súc sắc.

Nhưng phát minh khiến ông tự hào nhất lại chính là “chữ viết” – điều mà ông háo hức muốn chia sẻ với vua Thamus trong chuyến viếng thăm. Chữ viết và nghệ thuật viết “sẽ khiến người Ai Cập trở nên khôn ngoan và ghi nhớ tốt hơn”.

Tuy nhiên, Thamus phản đối: “Này, Theuth thông thái. Nên nhớ không phải lúc nào cha đẻ của một phát minh cũng là người thẩm định chính xác nhất về công dụng hay sự vô ích của nó đối với người sử dụng.” Nhà vua tiếp tục: “Phát kiến của Người, vô tình sẽ khiến người học trở nên hay quên lãng khi họ ngày càng phụ thuộc vào chữ viết [bên ngoài] thay vì thường xuyên vận dụng khả năng tự ghi nhớ [bên trong].”

Vì vậy, Thamus kết luận, rằng chữ viết sẽ đem đến cho các môn đệ [của Theuth] điều không phải chân lý, mà chỉ là vẻ ngoài của chân lý, khiến họ tuy nghe không phải ít, song thực chất sẽ không học được nhiều; và dù trông có vẻ thông tuệ, nhưng những người này nhìn chung sẽ không biết mấy, từ đó trở thành một đám đông nhàm chán, chỉ biết phô diễn trí tuệ mà không hề có thực tế.”

Mark Zuckerberg điều trần tại Quốc hội Mỹ sau vụ Cambridge Analytica.
Ảnh: The New Daily

Câu chuyện trên đây được trích dẫn trong “Phaedrus” của Plato – được cho là ghi chép lại những lời kể chuyện của Socrates – từ hơn 2.400 năm trước. Bài học sâu sắc mà nó nhắn gửi lại càng đặc biệt có ý nghĩa khi tham chiếu với những scandal mà Facebook mắc phải trong thời gian qua, bao gồm nghi án bị hacker Nga lợi dụng để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016, hay vụ Cambridge Analytica (cáo buộc thu thập dữ liệu và thông tin cá nhân người dùng), cùng hàng loạt các vi phạm khác.

Theo một bình luận trên Times, hiện tại Facebook đang tìm cách che đậy vụ can thiệp bầu cử của tin tặc Nga bằng cách âm thầm gieo rắc một số câu chuyện ác cảm nhắm vào các đối thủ cạnh tranh và những nhà phê bình như tỷ phú George Soros – điều dường như chỉ càng làm cho uy tín của hãng thêm xuống thấp, nằm ở vị trí đâu đó giữa Philip Morris (thuốc lá) Purdue Pharma (công ty dược từng nhiều lần vướng kiện tụng vì sản phẩm OxyContin có gốc thuốc phiện) trong danh sách các doanh nghiệp gây ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội.

Trong thực tế, những câu chuyện về sự hứa hẹn (bị phóng đại quá mức) cùng hậu quả không mong muốn (trên diện rộng) của công nghệ là điều không hề mới, song chưa bao giờ thôi không làm chúng ta ngạc nhiên. Tại sao lại có tình trạng này? Một trong những nguyên do, đó là bởi chúng ta thường hay có xu hướng quên đi mất, rằng công nghệ thực sự cũng chỉ “tốt” như người sử dụng nó mà thôi. Vì thế, càng muốn thăng tiến nhờ công nghệ, con người vô tình lại càng làm giảm giá trị của nó.

Chẳng hạn, nếu ra đời trong một thế giới tốt đẹp hơn, rất có thể Twitter đã trở thành một bảng dán yết thị kỹ thuật số (digital billboard) của những ý tưởng và đối thoại – có tác dụng làm phong phú thêm không gian công cộng, thay vì bị biến tướng giống như một bể phốt tự hoại (cesspool) mở trong tâm trí của phần lớn dân Mỹ. Hay như Facebook, vốn vẫn được xem là một nền tảng giúp tăng cường sự tương tác giữa con người với nhau, chứ không phải công cụ giúp những kẻ cô đơn trốn tránh thực tại và ngày càng tách biệt với cộng đồng.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng cách làm của Facebook và phần lớn các đại gia công nghệ tại Thung lũng Silicon là rất khác so với nhiều công ty chỉ biết tìm kiếm lợi nhuận (rent-seeking companies), bởi chính họ đã sáng tạo ra những trào lưu mới – theo đuổi sự lý tưởng hóa.

Như sứ mạng “làm cho thế giới trở nên cởi mở và kết nối hơn” do Facebook tự đặt ra; hay mục tiêu “đẩy nhanh tiến trình nhân loại chuyển sang sử dụng năng lượng bền vững” của Tesla; rồi “Don’t be evil!” (Đừng trở thành ác quỷ!) vẫn luôn là câu thần chú cửa miệng của Google – trước khi bị lặng lẽ gỡ đi hồi đầu năm. Vì vậy, một lý giải sâu sắc hơn cho việc công nghệ hay gây thất vọng và phản bội lại con người, đó là do chính bản chất khó khăn từ trong nội tại của chúng, mặc dù thường được kỳ vọng sẽ giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.

Rất dễ để viết các đoạn tweet hay status troll nhau trên mạng xã hội (hành vi troll được hiểu là cố ý vi phạm các quy tắc ngầm, khi chủ thể của hành vi thường quan tâm nhiều đến phản ứng của người khác hơn là tính chính xác, khả năng kiểm chứng, tính dễ hiểu lẫn chất lượng của thông tin), nhưng nắm nắm vững nghệ thuật đối thoại và thước đo tiêu chuẩn để đánh giá các cuộc tranh luận mới là việc khó.

Chúng ta có thể dễ dàng nhắn tin (text) trên điện thoại, nhưng không phải ai cũng viết được những lá thư hay với nội dung phù hợp. Hay bây giờ, hầu như ai cũng biết tìm kiếm thông tin trên Google, nhưng để có nguồn tin cậy lại là một vấn đề lớn; Hoặc không khó để kết bạn (friend) với hàng ngàn người trên Facebook, song duy trì được khoảng sáu, bảy mối quan hệ thân thiết, bền chặt nhất lại chẳng hề đơn giản, qua nhiều năm; Cũng như vậy, thật dễ để vuốt màn hình sang phải trên ứng dụng hẹn hò Tinder, nhưng tìm kiếm được tình yêu thật – ở trong đó – mới khó làm sao.

Đó chính là những gì mà Thamus (hoặc Socrates) đã nghĩ khi chối bỏ chữ viết, bởi ông tin việc con người cho rằng nhờ chữ viết mà có thể nắm được thông tin và duy trì kết nối chỉ là một ảo tưởng, ngay cả khi họ đã được giải thoát khỏi những gánh nặng của sự tập trung, sự hiện hữu của tâm trí và ký ức. Mặc dù điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng thử hỏi hôm nay có bao nhiêu vấn đề thuộc về cá nhân, chuyên môn hoặc ở tầm quốc gia có thể được giải quyết chỉ nhờ thường xuyên nhấn vào những shortcut trên màn hình?

Như trong bình luận của Times, hiện Mark Zuckerberg và ban lãnh đạo Facebook (trong đó có Giám đốc điều hành – COO Sheryl Sandberg), đang tìm cách xoa dịu dư luận và dàn xếp khủng hoảng – thông qua các chuyên gia tư vấn, vận động hành lang, và tung ra những bản vá mới – điều xem ra vẫn chưa đủ để lấy lại niềm tin trong cơn khủng hoảng, bởi niềm tin vốn là thứ rất khó có thể đạt được và duy trì.

Vì thế, không còn cách nào khác, Facebook cần phải bắt đầu lại, từ những việc căn bản nhất, như hãy thôi làm ra vẻ đang thay đổi thế giới; hãy cố gắng vận hành theo hướng cởi mở, đạo đức và có trách nhiệm hơn. Ngoài ra, cần chấp nhận một thực tế, rằng đây là nhiệm vụ rất khó khăn và đòi hỏi thời gian. Còn chúng ta, hãy đăng xuất khỏi Facebook, ít nhất một ngày trong tuần để đọc lấy một cuốn sách thú vị, chẳng hạn như lịch sử.