"...Tết là một ngày thiêng liêng trong tất cả. Con người, vào những ngày bình thường, hoàn toàn thuộc về gia đình và công việc của mình. Anh ta rất ngờ vực kẻ lạ. Chỉ trong những ngày chuyển sang năm mới này thì một sự cảm thông trịnh trọng mới diễn ra..."

Trong khoảng mười năm (1934-1944) nghiên cứu sôi động nhất của mình, Nguyễn Văn Huyên đã công bố những tiểu luận xuất sắc về phong tục, văn hóa văn minh Việt Nam trên nhiều tạp chí uy tín mà mới đây đã được chọn lọc in thành sách “Hội hè lễ tết của người Việt”.

Đó cũng là giai đoạn ông trở về nước sau khi bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne và được Toàn quyền Đông Dương điều sang làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFFEO).

Trong các tiểu luận nghiên cứu của mình, ông đặc biệt chú ý đến lễ-tết-hội, tín ngưỡng và tâm thức tôn giáo trong xã hội truyền thống. Lần lượt giới thiệu và bằng lối viết dân tộc chí hấp dẫn và hứng thú của người trong cuộc, Nguyễn Văn Huyên đem đến những mô tả rõ ràng, sinh động về Tết nguyên Đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, lễ hội Phù Đổng, Tục thờ cúng thần tiên, Tục thờ cúng thành hoàng làng…

Dĩ nhiên, Nguyễn Văn Huyên không phải là người đầu tiên viết về những vấn đề này. Trước và cùng thời với ông, những Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh, Lương Đức Thiệp…, theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau, cũng đã phác dựng phần nào các đặc trưng và cấu trúc xã hội Việt Nam.

Điểm khả thủ và độc đáo của Nguyễn Văn Huyên, ngoài việc viết bằng tiếng Pháp để có sự đối thoại văn hóa nhất định với những người Pháp đang mong muốn và thậm chí đầy tham vọng tìm hiểu Việt Nam kĩ càng, chính là ở phương pháp quan sát và mô tả rất điển hình của dân tộc học hiện đại: vừa có đủ tư liệu văn bản, vừa có khả năng móc nối các sự kiện xã hội khác nhau khi nhìn một vấn đề, hiện tượng văn hóa.

Một góc chợ Đồng Xuân ngày Tết.
Nguồn: Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam

Một lễ hội khó nắm bắt như Lễ hội Phù Đổng, mà đến cả Viện Viễn Đông Bác cổ cũng phải bỏ dở nội dung sự phân bố thành hoàng làng, đã được Nguyễn Văn Huyên thực hiện khá chi tiết. Về tục thờ cúng thần tiên, có lẽ, phải đến Nguyễn Văn Huyên mới được tổng hợp, giới thiệu theo hướng nhấn mạnh các thần tiên nữ, thần tiên gốc Việt. Tính chất bản địa hóa các mạch nguồn văn hóa, tập tục ngoại lai mà Nguyễn Văn Huyên đề cao, dừng lại nghiên cứu lâu hơn cũng là cách để khẳng định mức độ phản ứng trước áp lực Ấn Độ hóa, Hán hóa cao độ trong quá khứ.

Nguyễn Văn Huyên thường không đưa ra các kết luận duy nhất. Nhưng đằng sau mỗi câu chữ của ông, bao giờ cũng có một cái nhìn kín kẽ, thâm sâu: chính các lễ-hội-tết, các sinh hoạt tín ngưỡng-tôn giáo của người bình dân mới là những hạt nhân thực sự làm nên diện mạo văn minh Việt Nam.

Và như vậy, đặt trong bối cảnh đất nước đang bị thực dân đô hộ, Nguyễn Văn Huyên đã tạo nên một thức nhận quan trọng mà ngày nay, khi bóng ma của thái độ phân biệt vùng miền vẫn chưa biến mất, chúng ta càng thấm thía hơn: chính sự đa dạng và khác biệt văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng mới thực sự làm nên giá trị bền vững chứ không phải là hơn-kém hay ít-nhiều.

Một áng văn tuyệt đẹp về Tết Nguyên Đán

Trong số những tiểu luận nhắc đến ở trên mà giờ đây được chọn lọc in thành sách Hội hè lễ tết của người Việt (2018), bài “Tết Nguyên Đán của người Việt Nam” đăng trên tạp chí Đông Dương (Indochine) số 75 và 76, tháng 8/1941, là một áng văn tuyệt đẹp về ngày lễ thiêng liêng nhất trong năm của chúng ta. Từ quan sát chung, như một nhà quay phim, Nguyễn Văn Huyên đi theo trình tự thời gian, bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp cho đến những ngày đầu năm mới, để thu nhận tất cả mọi diễn biến, công việc, tâm trạng của con người khi đón Tết.

Tết, như thế, không chỉ là một dịp để nghỉ ngơi, hoan hỉ mà còn là sự kiện xã hội có chức năng kết nối nhân tâm, khích lệ mỗi người dân sống hài hòa với tự nhiên và lễ nghĩa với anh em, tông tộc, xóm giềng. Trong bài viết, Nguyễn Văn Huyên chủ ý nhắc đến khá nhiều tục lệ mang màu sắc Việt Nam, đặc biệt là truyền thống trọng chữ, quý trẻ con, chuộng thú chơi tao nhã của người bình dân.

Thầy đồ cho chữ ngày Tết.
Nguồn: Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam

Hãy cùng đọc lại một số trích đoạn trong áng văn đó: “[…], tháng Chạp âm lịch là thời kỳ hoạt động kinh tế khẩn trương. Việc mua bán phát triển một cách lạ thường ở tất cả các chợ trong nước. Nếu như trong năm, người ta có rất ít nhu cầu thừa, và nếu như người ta chỉ ăn một suất ít ỏi, thường dưới mức tối thiểu mà cơ thể đòi hỏi, thì trong ngày Tết, người ta cố gắng để ăn no nê hơn bình thường. Hơn nữa, đấy là thời kỳ trao đổi quà biếu: kẻ dưới biếu xén người trên, ông lớn ban cho kẻ thuộc hạ, người ngang hàng gửi cho nhau kẹo mứt; ai nấy đều coi là vinh dự việc chi tiêu hào phóng và biếu xén bạn bè thân thích cái để “ăn Tết” và cúng tổ tiên cho tươm tất.

Phố phường có dáng vẻ rất nhộn nhịp và rất đẹp mắt. Góc nhỏ nhất cũng bị những người bán hoa, cây xanh, tranh dân gian, thực phẩm v.v... chiếm mất. Người ta tranh nhau trả giá cao nhất củ thủy tiên nở bông hoa đầu tiên đúng trong đêm giao thừa, cái cây trĩu quả đỏ, cành đào hoặc hải đường với vô số nụ hồng hay đỏ, v.v... Bên trong mỗi ngôi nhà cần phải có bầu không khí nhuốm màu sắc rực rỡ là biểu tượng của hạnh phúc, điềm báo trước những sự kiện tốt lành, và những lá bùa có thể xua đuổi ma quỷ cùng các ảnh hưởng độc hại.

…Đêm Giao thừa còn được đánh dấu bằng những cuộc đi lễ đền chùa. Ai cũng lấy làm vui thích và tự thấy mình có bổn phận phải ra đình, và đến các đền chùa. Chẳng đêm nào thú vị và đẹp như đêm ấy. Đúng là một điều vui thích hiếm có khi được thức đêm đó ngoài trời. Ở tất cả các đền chùa này, nghi ngút đèn hương, mọi người, cả già lẫn trẻ, đến dâng lên chư Phật cùng những thần linh khác những lời cầu nguyện đầu tiên. Ta có cảm tưởng sống một cuộc sống thật thanh bình sâu lắng giữa đám đông sùng mộ, giản dị và thành tâm.

…Như vậy, ở xứ sở mà cuộc sống theo nhịp sự nối tiếp nhau của các mùa, Tết là một ngày thiêng liêng trong tất cả. Con người, vào những ngày bình thường, hoàn toàn thuộc về gia đình và công việc của mình. Anh ta rất ngờ vực kẻ lạ. Chỉ trong những ngày chuyển sang năm mới này thì một sự cảm thông trịnh trọng mới diễn ra, và cuộc sống tình cảm của nông dân nước ta, rất kình địch nhau, mới biểu lộ một cách trịnh trọng nhất định.

Các gia đình, thông thường khép mình lại và bị giam hãm trong nỗi lo âu của đời sống hàng ngày ít nhiều ích kỷ, thì chìa rộng bàn tay cho nhau. Mọi người chúc nhau sức khỏe và hạnh phúc mà chẳng có ẩn ý gì cả. Và dường như ai cũng thấy ở sự thịnh vượng của láng giềng vẻ thanh bình và yên ổn của tất cả mọi người…