Những món đồ chơi hay dụng cụ thủ công như đèn kéo quân, đồng hồ nước…, có thể dạy cho các em học sinh rất nhiều kiến thức khoa học, đồng thời giúp các em dễ dàng tìm ra mối liên hệ giữa kiến thức với các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Một đặc trưng của giáo dục STEM ở bậc phổ thông là luôn khuyến khích học sinh sử dụng kiến thức tích hợp của các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học để tìm hiểu và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề ở ngay nơi mình sống.

Xuất phát từ lý do đó, Học viện Sáng tạo S3 đã quyết định thử nghiệm đưa chủ đề đồ chơi dân gian vào chương trình học STEM cho các em nhỏ ở độ tuổi từ 9 đến 12.

“Địa phương nào ở Việt Nam cũng có làng nghề. Nếu đưa được các món đồ chơi, các món hàng thủ công của làng nghề vào giáo dục STEM thì chúng ta sẽ có những chương trình học đặc thù cho học sinh địa phương,” TS Đặng Văn Sơn, người sáng lập Học viện Sáng tạo S3, nói.

“Lấy một chương trình ở Mỹ về dạy cho học sinh Việt Nam chưa chắc đã phù hợp. Học từ những sản phẩm hiện hữu, gần gũi của địa phương là cách tốt nhất để học sinh thấy ý nghĩa của việc học, ý nghĩa của kiến thức,” theo anh Sơn.

Ý tưởng đưa đồ chơi dân gian vào giáo dục STEM của Học viện Sáng tạo S3 không ngờ đã được Korea Science Camp và Storypal, các công ty chuyên tổ chức trại hè khoa học ở Hàn Quốc, hưởng ứng và đề nghị hợp tác. Theo đó, các bên sẽ tổ chức cho những nhóm nhỏ học sinh của hai nước học STEM trực tuyến theo những chủ đề do mỗi bên lần lượt đề xuất.

Đèn kéo quân là món đồ chơi đầu tiên được đưa vào chương trình. Thông qua món đồ chơi này, các em được tiếp nhận các kiến thức về hiện tượng đối lưu - hiện tượng gây ra gió, bão; được làm thí nghiệm chứng minh hiện tượng đối lưu có tên “Con rắn quay” (làm cho con rắn quay với một ngọn nến và một cái que mà không cần dùng đến mô-tơ điện). Các em cũng được học về việc ứng dụng hiện tượng đối lưu trong các loại thông gió không dùng điện tại các toà nhà. Cuối cùng, dưới sự hướng dẫn của các giáo viên, các em tự thiết kế một cái đèn kéo quân hoàn toàn mới theo ý tưởng của mình, miễn sao nó quay được.

“Yếu tố kỹ thuật khó nhất nằm ở trục quay, các em phải tính toán và thiết kế sao cho giảm ma sát tối đa, để đèn có thể quay chỉ nhờ một lực rất nhỏ,” anh Sơn giải thích. “Để đơn giản cho học sinh, trong thiết kế của mình, các em được sử dụng nam châm và kim để làm trục quay.”

Trong buổi học, các em còn có thể trao đổi với nhau về các vấn đề văn hoá, như đèn kéo quân có lịch sử thế nào, tại sao lại có những hoa văn như vậy trên đèn.

Về phía mình, Korea Science Camp đã đề xuất đưa đồng hồ nước – một dụng cụ tính thời gian xuất hiện từ khá lâu đời ở Hàn Quốc – vào chương trình. Dụng cụ có những lỗ đục để nước chảy qua này được kết nối với một cái chuông, khi lượng nước chảy qua đủ, nó sẽ đánh một tiếng báo hiệu. Khoảng thời gian giữa các lần điểm chuông có thể thay đổi, tùy theo việc các em quyết định điều chỉnh lượng nước như thế nào.

Các đồ chơi dân gian, các nghề thủ công khác dự kiến sẽ trở thành chủ đề học STEM còn có trống, nón, nhuộm màu truyền thống, làm giấy… của Việt Nam và bàn cờ gỗ, trang phục dân tộc… của Hàn Quốc.

“Học qua các món đồ chơi, dụng cụ dân gian là một cách để gây dựng các giá trị Việt trong giáo dục STEM,” anh Sơn nhấn mạnh.

 Học sinh chia thành từng nhóm, mỗi nhóm gồm hai em Việt Nam trao đổi trực tuyến với hai em Hàn Quốc.
Học sinh chia thành từng nhóm, mỗi nhóm gồm hai em Việt Nam trao đổi trực tuyến với hai em Hàn Quốc. Ảnh: Học viện Sáng tạo S3 và Korea Science Camp

asff
Quan sát thí nghiệm "Con rắn quay" để học về hiện tượng đối lưu. Ảnh: Học viện Sáng tạo S3 và Korea Science Camp

sdsd
Một học sinh Hàn Quốc học cách thiết kế đèn kéo quân dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ảnh: Học viện Sáng tạo S3 và Korea Science Camp