Và cuối cùng, sau bao nhiêu khó khăn, vất vả và qua bao nhiêu bàn tay chăm chút đầy hy sinh của các “nghệ nhân khoa học” tài tình để cuối cùng nhân loại có một vụ mùa lớn: khoa học hiện đại.
Đây là một câu chuyện rất ư thú vị và kỳ diệu rất đáng được đọc. Nó liên quan đến nền văn minh phương Tây và đến tiến trình phát triển và vận mệnh của cả nhân loại. Một xã hội chỉ có thể có sức sống mạnh mẽ ở bề mặt khi nào nó có những lớp đất màu mỡ của khoa học ở bên dưới làm nền tảng. Thiếu chúng, xã hội không thể xanh tươi và có nhiều cây trái được.
Do đó, tình yêu khoa học - và sự truyền bá nó bằng các phương tiện giáo dục - là thước đo của một dân tộc, hay một nền văn minh muốn vươn lên -một cách khoa học. Châu Âu Kitô giáo thời Trung cổ là phần đất đã làm một cuộc vươn lên như thế rất ngoạn mục, sau 1.000 năm vắng bóng khoa học của giai đoạn “đen tối” từ sau sự tan rã của đế chế La Mã và châu Âu bị xâm chiếm bởi những người man di.
Tại thành phố khoa học Paris, tại một xưởng thủ công, những người thọ đang khắc gỗ hồi đầu thế kỷ X. Ảnh: TL
Đó là cuộc “thức tỉnh học thuật”, một thời “Phục Hưng” của những ý tưởng khoa học Hy Lạp cổ đại. Vinh quang của nền văn hóa cổ đại, và đế chế La Mã chỉ còn là môt ký ức xa vời. Sự sụp đổ đế chế La mã, sự di dân của những người man di vào vùng đất đã phá hủy không những quyền lực dân sự mà còn phá hủy đời sống văn hóa. Sau sự bành trướng của Islam, con đường tiếp cận văn minh Hy Lạp trực tiếp bị cắt đứt. Những người Kitô biết rằng mình đang sống trong giai đoạn le lói của một thời đại vàng son đã qua của văn hóa và học thuật. Di tích văn hóa vàng son chỉ còn được gìn giữ trong các tu viện, nơi vẫn còn chứa đựng những tia sáng của quá khứ.
Trong giai đoạn không ổn định về chính trị và xã hội, các tu viện Kitô giáo là nơi gìn giữ và phát triển tiếp học thuật. Các người cha Nhà thờ biết rằng để phát triển văn minh, không thể từ chối các thành tựu cổ điển ngoại giáo (pagan) mà nên diễn giải lại và hiểu chúng trong khuôn khổ của chân lý Kitô giáo. ChâuÂu cũng đang đối mặt với thế giới Hồi giáo đang phồn vinh, phát triển, và giàu học thuật. Họ là những người đang quản lý di sản học thuật của Hy Lạp, có những người chú giải và bình luận (như Averroes) có ảnh hưởng lên sự khai sáng của châu Âu sắp tới.
Các người cha Nhà thờ vì thế tỏ ra hết sức quan tâm đến tri thức khoa học, tư duy lôgic, toán học sáng sủa, khách quan. Đại học trung cổ ra đời như những đốm lửa khai sáng, và đến thế kỷ 15 đã phủ kín châu Âu. Cuộc dịch thuật vĩ đại ngót hai thế kỷ từ các tác phẩm học thuật kinh điển của Hy Lạp cổ đại và thời Hy Lạp hóa đã diễn ra để củng cố vị thế khoa học trong giáo dục đại học.
Nhà khoa học vĩ đại ngoại đạo Aristote với những tác phẩm đồ sộ và bao trùm của ông, cũng như Platon, đã thuyết phục được nhà thờ. Aristote là mentor, người thầy dẫn dắt, và là một thách thức. Bên cạnh Aristote và Plato còn có một loạt các nhà khoa học khác, như Galen, Ptolemy, Euclid, Archimedes, chưa kể các học giả của Hồi giáo và La Mã. Đây là nét độc đáo mà các nền văn minh khác không có. Giới tinh hoa châu Âu trung cổ không cam chịu sống trong sự u ám của tinh thần. Tinh thần cần phải có ánh sáng. Họ bước lên, và chấp nhận con đường phát triển có tính biện chứng, với những cáiprovàcontra. Nếu không, thì chỉ có độc thoại, và điều đó có nguy cơ dẫn tới sự suy tàn như các nền văn minh Hồi giáo và Trung Hoa.
Phép biện chứng, và những con người luôn luôn yêu thích khám phá chân lý, ngay bên trong tôn giáo, sẽ quyết định vận mệnh nền văn minh đi về đâu. Nhưng giới tinh hoa tin vào cáilýcủa lý tính. Họ có những người thầy, người hướng đạo vĩ đại từ cổ đại mà họ biết học hỏi nghiêm túc, để rồi cuối cùng học thuật phương Tây vượt họ luôn.
Thời Trung cổ, bắt đầu từ thế kỷ thứ 5-10 (đầu kỳ), qua đến thế kỷ 11-13 (giữa kỳ), cho đến thế kỷ 14-15 (cuối kỳ), ngược với một số đánh giá trước đây, là một trong những thời kỳ đổi mới sáng tạo bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Trong những sáng tạo đổi mới có mắt kính, la bàn từ, đồng hồ cơ học, súng, thuốc súng, cà nông, và kỹ thuật in; lần đầu tiên có ngân hàng, hối phiếu (bill of exchange), séc, và bảo hiểm đường biển, công ty cổ phần, hệ thống kế toán kép, hệ thống số học hiện đại, cối xay gió, máy xẻ gỗ để đóng tàu. Hệ thống luật phương Tây ra đời. Về chính trị, có Đại hiến chương (Magna Carta), Quốc hội Anh, hình thức chính quyền đại nghị đầu tiên thế giới. Âm nhạc phức âm (polyphonic). Sự ra đời các nhà thờ Gôtic vĩ đại. Sự ra đời các đại học như những trung tâm học thuật. Các nhà thám hiểm mở rộng chân trời của châu Âu: Viking tới vùng Newfoundland (Canada) năm 1000; trước năm 1500, Vasco da Gama và Bartholomew Diaz tới Ấn Độ bằng con đường vòng qua Mũi Hảo Vọng, và vài năm sau Christopher Columus đặt chân đến Tân thế giới.
Nhưng, trên hết, điều chúng ta quan tâm ở đây, là châu Âu Trung cổ, lần đầu tiên trong lịch sử của văn minh nhân loại, trở thành một xã hội mà con người nêu lên vô số những câu hỏi về tự nhiên, và tìm cách trả lời, không phải bằng mê tín, mà bằng cách sử dụng lý tính, bằng phân tích bằng lôgic. Không ở đâu được như thế, có không khí học thuật sôi nổi và tương đối cởi mở như thế. Đại học và lý tính đặt nền tảng vững chắc cho sự tiến lên của khoa học cho 500 năm tới.
Những điều này xảy ra trong một xã hội được quản lý chặt chẽ bởi nhà thờ Kitô giáo mà những công cụ của lý tính lại thuộc về những người Hy Lạp ngoại đạo. Triết học tự nhiên là một chương hoàn toàn khác không nằm trong Kinh thánh. Tôn giáo và khoa học phải sống chung, tương tác và tiến hóa. Nhưng cuộc chơi được chấp nhận như tiên đề cho sự phát triển. (E. Grant)