Theo nhiều nhà học giả, việc ăn bạch tuộc - một trong những động vật thông minh và phức tạp nhất đại dương - không chỉ là vấn đề liên quan đến môi trường mà còn cả đạo đức.

Nuôi bạch tuộc trong trang trại không chỉ là vấn đề môi trường mà còn cả đạo đức
Nuôi bạch tuộc trong trang trại không chỉ là vấn đề môi trường mà còn cả đạo đức

Từ Địa Trung Hải đến Biển Nhật Bản, bạch tuộc được coi là một món ẩm thực ngon miệng và nhu cầu về nó ngày càng tăng. Trong số khoảng 350.000 tấn bạch tuộc đánh bắt hàng năm, hai phần ba được chuyển đến các nước châu Á như Trung Quốc (chiếm đến 1/3 sản lượng toàn cầu), Nhật Bản và Hàn Quốc; tuy nhiên Châu Âu cũng có những nước nhập khẩu bạch tuộc lớn như Tây Ban Nha và Ý.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, nhiều quốc gia đang thử nghiệm nuôi bạch tuộc trong điều kiện nhân tạo. Năm 2017, một công ty Nhật Bản mang tên Nissui đã thông báo có thể ấp trứng bạch tuộc thành công trong điều kiện nuôi nhốt và muốn mở trang trại đầu tiên vào năm 2020. Ở Tây Ban Nha, đã có nhiều thí nghiệm nuôi bạch tuộc trong lồng lưới, trong các bể chứa ở đất liền và trong các “trang trại” lớn trên biển.

Một nhóm các nhà khoa học của ĐH New York (Mỹ), ĐH Sydney (Úc) và ĐH Sussex (Anh) phản đối rằng việc nuôi bạch tuộc không chỉ phi đạo đức mà còn gây hại sâu sắc đến môi trường, và do đó chúng ta cần tránh. Bài báo của họ mới được đăng trên tạp chí Issues in Science and Technology đầu năm 2019.

Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy bạch tuộc là một trong những động vật thông minh và phức tạp nhất trong đại dương. Chúng có thể nhận ra khuôn mặt từng người, giải quyết vấn đề (và nhớ câu trả lời tới hàng tháng), một số bằng chứng cho thấy chúng cũng cảm nhận được sự đau đớn, khổ sở.

Một con bạch tuộc đang tìm cách mở chiếc lọ ra | Ảnh: Reuter
Một con bạch tuộc đang tìm cách mở chiếc lọ ra | Ảnh: Reuter

Vô số video trên mạng về bạch tuộc thoát khỏi bể, hoặc lấy trộm những chiến lợi phẩm trong mẻ lưới của ngư dân đã khiến chúng ta kinh ngạc. Theo những tiêu chuẩn của “Tuyên bố Cambridge về Ý thức” (2012) thì bạch tuộc là loài thân mềm duy nhất được coi là sinh vật có tri giác (sentient) bên cạnh chim và động vật có vú.

Giữ một sinh vật thông minh như bạch tuộc trong những trang trại công nghiệp lớn đặt ra một loạt những vấn đề về đạo đức, và nhiều trong số đó quy đến việc nuôi trồng thủy sản đã tiến hóa ra sao trong vài thập kỷ qua.

Các nhà khoa học cho biết cách nuôi trồng thủy sản hiện tại phụ thuộc vào "môi trường kiểm soát chặt chẽ và đơn điệu ... với những điều kiện xung quanh không thay đổi, đơn giả, khép kín và vô trùng; cùng với lịch cho ăn cứng nhắc phục vụ cho mật độ nuôi thả cao”.

Đây được coi là sự vô cảm đối với những loài vật tò mò và ưa hoạt động như bạch tuộc, khiến chúng có khả năng bị nhiễm trùng cao, trở nên hung dữ hơn và có tỷ lệ tử vong lớn khi nuôi trong điều kiện trang trại.

Nhu cầu càng lớn của con người dẫn đến sự khai thác một cách độc ác các loài động vật khác | Ảnh: Reuter
Nhu cầu càng lớn của con người dẫn đến sự khai thác một cách độc ác các loài động vật khác | Ảnh: Reuter

Bên cạnh những vấn đề về đạo đức, tác động môi trường của việc nuôi bạch tuộc cũng khiến các nhà khoa học lo lắng.

Một con bạch tuộc cần lượng thức ăn gấp 3 lần trọng lượng của nó để duy trì và phát triển. Bạch tuộc là loài ăn thịt và sống nhờ dầu cá và protein, việc nuôi chúng sẽ gây thêm áp lực đối với hệ sinh thái biển đã bị khai thác quá mức.

Ngay cả khi nhu cầu về bạch tuộc tăng lên, việc nuôi trồng hiện vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.Các nhà nghiên cứu và tạo giống vẫn chưa tìm ra được cách phù hợp để giữ bạch tuộc sống sót qua thời kì ấu trùng. Các trang trại hiện có khó có thể quản lý tốt được loài động vật thông minh như vậy.

Bạch tuộc chỉ là một trong vô vàn động vật biển mà con người sử dụng làm thực phẩm và ý tưởng nuôi chúng đặt ra những câu hỏi sâu sắc về mối quan hệ của chúng ta với thế giới tự nhiên đang bị rạn nứt.

Một số ý kiến cho rằng có lẽ tất cả nên tạm ngưng đầu tư vào chăn nuôi bạch tuộc, mà tập trung vào việc phát triển nguồn thực phẩm bền vững và thiết thực hơn cho nhân loại.

Nguồn: