Smart Dubai, cơ quan được chính phủ Dubai giao trách nhiệm phát triển Dubai thành thành phố tiên tiến nhất về công nghệ trên thế giới, cho biết sẽ khởi động 20 ứng dụng công nghệ blockchain trong một số cơ quan chính phủ.

Theo bà Isha Bint Buti bin Bisher, Giám đốc Smart Dubai, các ứng dụng blockchain này thuộc về nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực đường bộ và vận tải, năng lượng, y tế và giáo dục. Hiện nay, các ứng dụng này đang được thử nghiệm và dự kiến sẽ được mở rộng quy mô áp dụng trong thời gian tới.

Công nghệ blockchain sẽ được áp dụng rộng rãi để nâng cao chất lượng dịch vụ tại Dubai
Công nghệ blockchain sẽ được áp dụng rộng rãi để nâng cao chất lượng dịch vụ tại Dubai

Cục quản lý nhà đất Dubai, Dubai Municipality, Cục Điện và Nước Dubai, Cục Nhập tịch và Dân cư Dubai là 4 trong số những cơ quan đầu tiên của Dubai đang thực hiện những dự án thí điểm blockchain. Trong khi đó, Hải quan Dubai, Cục Thương mại Dubai và công ty ICT Dutech cũng đang làm việc với IBM về các dự án sổ cái blockchain.

"Trong khi những quốc gia khác vẫn đang tranh luận về triển vọng của công nghệ mới này, chúng tôi đã bắt tay vào việc ứng dụng công nghệ blockchain. Hiện nay, chúng tôi đang biến Dubai trở thành thủ đô blockchain của thế giới”, bà Bisher nói và cho biết, chỉ trong một vài năm nữa, blockchain sẽ thay đổi hoàn toàn mọi khía cạnh quan trọng của thành phố Dubai.

Smart Dubai đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa ra chiến lược blockchain của mình nhưng nhiều khả năng cơ quan này có thể thực hiện được điều đó vào năm 2018.

Trước đó vào tháng 3/2017, đại diện của Smart Dubai cho biết việc chuyển sang sử dụng blockchain, bao gồm việc sử dụng các sổ cái phân tán điện tử có độ an toàn cao, dự kiến sẽ cải thiện việc cung cấp các dịch vụ cơ bản của chính phủ, tiết kiệm được khoảng trên 25 triệu giờ mỗi năm. Smart Dubai đã hợp tác với IBM và Consensys, những công ty đang đóng vài trò tư vấn chiến lược và cố vấn về công nghệ blockchain.

Blockchain đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng dữ liệu và các giao dịch tài chính thông qua việc sử dụng mật mã kỹ thuật số, được biết đến nhiều nhất với Bitcoin. Công nghệ blockchain đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm cả tài chính, để chuyển tiền một cách an toàn và nhanh chóng. Nhiều chính phủ ở vùng Vịnh cũng đang ngày càng đầu tư vào công nghệ này để đa dạng hoá các hoạt động dịch vụ, giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

"Đầu tư vào blockchain tại các nước vùng Vịnh đang gia tăng với tốc độ ấn tượng khi các quốc gia đang nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ đột này",ông Ramez Dandan, nhân viên công nghệ quốc gia tại Microsoft Gulf, cho biết tại Diễn đàn ứng dụng công nghệblockchain tổ chức vừa qua tại Dubai.

Theo ông Ramez Dandan, công nghệ blockchain có thể được ứng dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và ngành nghề khác nhau. Blockchain cho phép chia sẻ các quy trình kinh doanh với các nhà cung cấp, khách hàng và đối tác, dẫn đến những cơ hội mới cho sự hợp tác nhiều bên.