Câu chuyện quan sát, mô tả và suy ngẫm về phong tục, tập tục hay rộng hơn, văn minh Việt Nam, một lần nữa lại sinh động và thực sự quan trọng trong cuốn sách mới nhất của Phan Cẩm Thượng.

Đó là “Tập tục đời người. Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19-20”. Không hẳn là chuyên khảo nhưng tác giả cuốn sách khiến người ta nhớ lại, ngay từ đầu thế kỉ XX, trong quá trình hiện đại hóa và tiếp xúc phương Tây, rất nhiều bậc thức giả đã bỏ công sức nhận diện, tái dựng những nét đặc trưng, tính cách văn hóa riêng có của đất nước, đặng không bị cuốn theo cái mới mà bỉ cũ, không vì sức hấp dẫn của tân tiến mà quên mất cội gốc.

Tác giả Phan Cẩm Thượng.

Cội gốc của mọi tập tục Việt Nam, như Phan Cẩm Thượng chỉ ra, bắt đầu từ và trong người nông dân. Chính những người lao động chân lấm tay bùn, thông qua cách thức kiến tạo, tổ chức đời sống của mình, đã nhào nặn nên hàng loạt thói quen, ước định, các ràng buộc và nới lỏng, các chuẩn mực và giá trị vật chất, tinh thần. Những sinh hoạt thường ngày, từ ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh đến chuyện dựng vợ gả chồng, hôn nhân, tang ma, cưới hỏi, từ cái có thể nhìn thấy và quan sát đến những mối quan hệ ẩn sâu trong tình cảm làng xóm, quốc gia, trong đức tín tôn giáo…, đều chứa một hoặc nhiều cấu trúc, lớp nghĩa.

Cố gắng chỉ ra, lí giải và phân tích mạng nghĩa đó, Phan Cẩm Thượng đã đẩy trung tâm lịch sử về phía cái nhỏ, cái bình thường, những “tiểu tự sự” thay vì chuyện quốc gia đại sự, chuyện triều chính vua tôi như các bộ chính sử vẫn thường làm. Tôi nghĩ tác giả lựa chọn được góc nhìn cởi mở và cũng sâu sắc ở chỗ vượt qua ranh giới cao- thấp, bình dân-tinh hoa trong tiếp cận truyền thống dân tộc. Một tập tục như nó vốn có, dưới mô tả của Phan Cẩm Thượng, có thể tồn tại lâu dài nhờ chính mức độ hữu ích, linh hoạt, mềm dẻo của nó. Điều này thực chất cũng phản ảnh đầu óc duy lí của người nông dân vừa biết thu mình, co rút trong phạm vi văn hóa làng, vừa trao truyền được quan niệm, suy tư cho đời sau.

Một thao tác khá thường xuyên của tác giả là đặt tập tục của người nông dân Việt trong đối sánh với các tộc người thiểu số khác, như Tày, Mường, Thái ở phía Bắc và Chăm hay tộc người Tây Nguyên. Nhưng so sánh ở đây, dù để nhìn ra tương đồng hoặc dị biệt, vẫn chưa thể đi đến tận cùng vấn đề. Độ khó, phức tạp của mỗi tập tục tộc người thách thức tất cả những ai muốn hoàn thiện một cái nhìn tổng thể về Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài lợi thế của người từng thực địa nhiều nơi, Phan Cẩm Thượng còn có lối viết mềm mại, hóm hỉnh, nhiều ẩn ý cùng hệ thống ảnh, hình minh họa được sắp xếp và chú thích kĩ cũng làm nên điểm hấp dẫn của cuốn sách.

“Tập tục đời người”, rút cuộc, là soi lại bản thể. Không có “đời người” nào đứng ngoài mỗi cá nhân và ngược lại. Ở mỗi tập tục, tôi bắt gặp cha ông, tổ tiên mình ở đó và cũng vỡ lẽ rằng sẽ chẳng thể đường đột cắt đứt quá khứ vì hồi cố chính là một điều kiện sống.