Những chiếc đinh tán trên túi quần jean có vẻ không quan trọng nhưng lại giữ vai trò to lớn giúp chiếc quần trở nên siêu bền trước mọi tác động mài mòn.

cong-dung-cua-nhung-chiec-dinh-tan-tren-tui-quan-jean

Những chiếc đinh tán có mặt trên mọi thiết kế quần jean. Ảnh: Levi Strauss.

Quần jean là một vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Chúng mang những đặc điểm cơ bản không thay đổi trong suốt 150 năm từ khi ra đời. Mỗi chi tiết trên quần jean đều có công dụng riêng. Những chiếc đinh tán trên túi quần jean trông giống vật trang trí nhưng thực chất, chúng lại có công dụng đặc biệt, theo Elite Readers.

Năm 1848, các mỏ vàng được tìm thấy tại California, Mỹ. Khi đó, quần jean là đồ bảo hộ chính của công nhân. Nhưng những công nhân luôn phàn nàn về việc quần của họ bị sờn rách nhanh chóng, đặc biệt ở phần túi quần.

Jacob Davis, thợ may từ Reno, Nevada, Mỹ, nghĩ ra cách dùng đinh tán để gắn túi quần với quần jean. Những chiếc đinh tán này có tác dụng gia cố cho các điểm chịu tác động lớn. Nhờ đó, quần jean trở nên bền hơn. Những chiếc quần jean có đinh tán nhanh chóng phổ biến tại Reno.

Tuy nhiên, Jacob không đủ chi phí để sở hữu độc quyền sáng chế này. Ông phải nhờ đến sự giúp đỡ của Levi Strauss, người đầu tiên thành lập công ty sản xuất quần jean vào năm 1853. Kể từ đó, những chiếc quần jean có đinh tán ở túi được sản xuất rộng rãi.

Phát minh của Davis được cấp bằng sáng chế vào ngày 20/5/1873. Ông cũng trở thành một trong số các giám đốc sản xuất của Strauss.