Một nhóm các nhà khoa học quốc tế phát hiện dấu chân động vật hóa thạch lâu đời nhất thế giới, có niên đại khoảng 551 triệu năm, tại hẻm núi Yangtze, gần sông Trường Giang thuộc miền nam Trung Quốc.

Nguồn: NIGP

Các nhà khoa học nhận định rằng, dấu chân hóa thạch xếp thành hai hàng song song có thể thuộc về một loài động vật chân đốt sống trong kỷ Edicaran. Tuy nhiên, họ không tìm thấy bất kỳ phần cơ thể hóa thạch nào còn sót lại để kết luận con vật nào đã tạo ra những dấu chân này.

Dấu chân hóa thạch có niên đại sớm hơn 10 triệu năm so với thời kỳ “Bùng nổ kỷ Cambri” – khi động vật chân đốt và các loài động vật khác phát triển nhanh chóng, có nhiều khả năng hơn để lại các dấu chân hóa thạch. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advancesvào tháng 6/2018.