Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế và khu bảo tồn sao la Quảng Nam sẽ được lắp đặt thêm 75 chiếc bẫy ảnh, nâng tổng số bẫy ảnh mà WWF Việt Nam sử dụng tại 2 khu vực này lên con số 100.

Đội bảo vệ rừng lắp bẫy ảnh trong rừng lõi khu bảo tồn sao la. Ảnh: WWF Việt Nam/Dự án CarBi
Đội bảo vệ rừng lắp bẫy ảnh trong rừng lõi khu bảo tồn sao la. Ảnh: WWF Việt Nam/Dự án CarBi

Theo tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam - bẫy ảnh là một trong phương pháp xác nhận động vật hoang dã truyền thống, dễ xác nhận, có hiệu quả thực tiễn nhất.

Thạc sĩ Lương Viết Hùng - người quản lý Hợp phần các khu bảo tồn sao la ở khu vực Trung Trường Sơn, dự án CarBi của WWF - cho biết, khu bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế và khu bảo tồn sao la Quảng Nam sẽ được lắp đặt thêm 75 chiếc bẫy ảnh, nâng tổng số bẫy ảnh mà WWF Việt Nam sử dụng tại 2 khu vực này lên con số 100. Số bẫy ảnh nói trên được Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ.

Loại máy ảnh mà WWF Việt Nam đang sử dụng là Reconex 850, sản xuất ở Mỹ, được đánh giá là một trong những loại bẫy ảnh tốt nhất hiện nay.

Hiện tại, có hai phương pháp đặt bẫy ảnh được thực hiện trong dự án “Dự trữ cácbon và bảo tồn đa dạng sinh học - CarBi” của WWF. Phương pháp thứ nhất là cài đặt các bẫy ảnh theo hệ thống không ưu tiên bất kỳ ở đâu, cài đặt một cách ngẫu nhiên trên toàn bộ diện tích của khu bảo tồn với lưới ô vuông kích cỡ 2,5x2,5km. Tại mỗi ô như vậy, các chuyên gia đặt 2 cái bẫy ảnh song song hoặc đối nhau.

Phương pháp thứ hai là dùng hệ thống bẫy ảnh chuyên sâu với mục đích tìm kiếm và khoanh vùng các khu vực tiềm năng.

Hiện tại, các khu bảo tồn sao la đã hoàn tất việc lắp đặt hệ thống bẫy ảnh theo hệ thống, ban đầu đã xác định được các baseline (vùng ranh giới) cho các khu bảo tồn sao la. Hệ thống bẫy ảnh chuyên sâu cũng đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng bẫy ảnh không nhiều.