Trước đề xuất xây dựng các hòn đảo nhân tạo để giải quyết những vấn nạn do tình trạng quá tải dân số hay biến đổi khí hậu gây ra, … đã có không ít lời phản đối do lo ngại tốn kém và tác động chưa thể lường hết đối với môi trường.

Trong hàng chục năm qua, nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã có những kế hoạch xây đảo nhân tạo, có thể kể đến nỗ lực của Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đảo quốc Kiribati thuộc Thái Bình Dương, hay cả thiên đường nghỉ dưỡng Maldives trên Ấn Độ Dương, …

Tại Malaysia, Tập đoàn Forest City cũng đang có kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhân tạo để phục vụ khoảng 700.000 dân cư vào những năm 2040. Trong khi khu đô thị mới Songdo của Hàn Quốc – được xây dựng trên nền đất 600 ha lấn biển Hoàng Hải từ những năm đầu thế kỷ 21, với kỳ vọng trở thành một thành phố thông minh kiểu mẫu và là nơi định cư lý tưởng cho hơn 300.000 người, cuối cùng lại chỉ thu hút được khoảng gần 70.000 dân tới sinh sống.

Trên thực tế, con người đã không hề xa lạ đối với ý tưởng xây dựng các hòn đảo nhân tạo trong suốt chiều dài lịch sử. Từ cả ngàn năm trước, một số hòn đảo nhân tạo đầu tiên đã xuất hiện nhờ vào những phương án đơn giản như xây kênh đào chia tách phần mũi đất giáp biển (VD: thương điếm Dejima của người Hà Lan trên Vịnh Nagasaki vào những năm 1630), hay dựng các đảo nổi bằng cỏ tranh và nhiều loại vật liệu khác (VD: đảo của người Uru sống trên Hồ Titicaca ở Nam Mỹ). Nhưng chỉ gần đây, các chính khách và nhà quy hoạch đô thị mới nghiêm túc nhìn nhận đó như là một giải pháp cho tình trạng quá tải dân số.

Đảo nhân tạo hình cây cọ (Palm Jumeirah) của Dubai. Ảnh: Nikada/iStock

Trong trường hợp của Hongkong, thị trường nhà đất nơi đây luôn ở trong tình trạng cung không đủ cầu, với giá bất động sản đắt đỏ thứ hai thế giới (chỉ sau Monaco), khiến người dân rất thiếu không gian sinh hoạt. Thử tưởng tượng, với 1 triệu USD, bạn chỉ có thể mua được 21m2 ở đây.

Hiện tại, khoảng 200.000 người Hongkong vẫn đang phải sống trong những gian nhà chật hẹp – chia nhỏ từ một căn hộ lớn, chỉ đủ chỗ để bố trí giường, bếp và toilet. Tệ hơn nữa là những căn “lồng” làm từ dây thép, quây lại quanh một góc của chiếc giường tầng, và chỉ dành cho một người ngủ. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống và tinh thần người dân Hong Kong, từ việc nấu nướng hằng ngày cho đến đời sống hôn nhân của các cặp đôi, … Vì vậy, họ đã rất kỳ vọng vào các sáng kiến và giải pháp giúp mở rộng diện tích cư trú.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với đề xuất xây đảo nhân tạo. Các tổ chức bảo vệ môi trường cho rằng, đảo nhân tạo Đông Lan Đầu ở Hong Kong chắc chắn sẽ làm tổn hại tới hệ sinh thái biển, bên cạnh nguy cơ ngập lụt do biến đổi khí hậu, như cơn bão Jebi mới đổ bộ vào sân bay Osaka (Nhật Bản, vốn được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo), … cho nên dù có xây đảo cao đến đâu thì cũng vẫn khó tránh khỏi bị thiệt hại. Thứ nữa, đó còn là những nỗi lo về nguy cơ đối với môi trường.

Chẳng hạn, các hòn đảo nhân tạo của Dubai đã và đang phá hủy chỗ xây tổ của loài rùa biển cùng rặn san hô duy nhất tại khu vực này. Gần đây, hoạt động cải tạo và cơi nới các công sự trên biển Đông của Trung Quốc (tại khu vực tranh chấp chủ quyền) cũng đe dọa nghiêm trọng đến các rặn san hô tại đây. Hay nhiều ngư dân bản địa Mã Lai thì tin rằng, dự án của Forest City chắc chắn sẽ phá hỏng sinh kế của họ.

Tại Hongkong, trước những ý kiến lo ngại Đông Lan Đầu sẽ phá hủy môi trường sống của loài cá heo trắng Trung Quốc (thuộc diện quý hiếm và đang gặp nguy hiểm), Our Hongkong Foundation vẫn khẳng định, rằng dự án sẽ không có gì nguy hiểm do nằm cách xa khu vực có đông cá voi.

Tuy nhiên, theo phản biện của nhà môi trường học Katherine Dafforn thuộc ĐH Macquarie (Sydney, Australia), việc xây đảo nhân tạo chắc chắn sẽ mang đến những hậu quả nhất định, như làm suy giảm số lượng các quần thể động vật sinh sống trong khu vực. Vì thế, một trong những giải pháp khả thi mà Daffon gợi ý nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường trong quá trình xây dựng là sử dụng các tấm chắn phù sa – đặt bên dưới mặt nước để ngăn không cho chất thải cặn và tiếng ồn xâm nhập, làm tổn thương hệ sinh thái biển, đặc biệt đối với các loài giao tiếp bằng sóng âm như cá heo. Trong khi đó, nhiều ý kiến khác lại phản đối vì lý do kinh tế, khi nhận thấy khung thời gian và chi phí trong bản kế hoạch của Our Hongkong Foundation là quá lý tưởng, chưa tính đến ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài, cho nên cần phải xem xét lại.

Trong quá khứ, Hongkong đã rất nhiều lần lấn biển thành công. Chẳng hạn, phần lớn đường ven biển hôm nay của thành phố đã từng một thời thuộc về Vịnh Victoria – đang ngày càng bị thu hẹp diện tích so với thế kỷ 19. Ngoài ra, phi trường Chek Lap Kok cũng được xây dựng trên nền đất lấn biển 1.248 ha từ thập niên 1990; và sắp tới, kế hoạch đổ đường băng thứ 3 sẽ đưa tổng diện tích của sân bay lên tới 1.900 ha.

Mặc dù vậy, Hongkong vẫn chưa từng thực hiện một dự án nào có quy mô lớn và tham vọng như Đông Lan Đầu mà trong trường hợp không khả thi, họ vẫn còn phương án thay thế bằng cách đào ngầm, hay khoét núi để lấy đá phục vụ cho mục đích công cộng. Tuy nhiên, dù được thực hiện trên biển hay ở dưới lòng đất thì các kế hoạch xây dựng, chắc chắn vẫn sẽ phải đánh đổi bằng những hậu quả môi trường.

HongKong vừa đề xuất xây dựng một hòn đảo nhân tạo mang tên “Đô thị Đông Lan Đầu” trên nền đất lấn biển rộng 2.200 ha, có khả năng đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1,1 triệu người. Phần lớn diện tích tại đây sẽ được sử dụng để xây nhà ở với mức giá phải chăng, còn lại sẽ phục vụ mục đích thương mại và giải trí. Theo ước tính, nếu được phê duyệt, toàn bộ dự án sẽ mất tới 14 năm để hoàn thành.