Trong cuốn "Tinh thần tự lực" (Self-help) của Samuel Smiles, một tác giả và nhà cải cách Anh thế kỷ 19 (ảnh), tinh thần độc lập tự chủ của các cá nhân được xem là điều kiện tiên quyết làm nên độc lập và tự chủ cho quốc gia.

Trích lời của J. S. Mill ngay trang đầu: “Giá trị của một quốc gia, về lâu dài, chính là giá trị của những cá nhân tạo nên quốc gia đó”, cuốn sách như muốn truyền đạt thông điệp: Một đất nước mạnh, độc lập, phải có những cá nhân mạnh và độc lập, thông qua tự rèn luyện, tự lo.

Cuộc sống đối với Smiles là cuộc chiến đấu sinh tồn, như trong "Nguồn gốc các loài" (On the Origin of Species) của Charles Darwin. Nhưng trước sau ông tâm niệm rằng, đức hạnh của lòng kiên cường và niềm tin chắc tương lai là những giá trị dẫn đến thành công. Con người phải tự khẳng định mình, bằng cách tự cải thiện mình, để không phụ thuộcvào quyền lực. Những công dân như thế không những làm cho nền kinh tế mạnh lên, mà còn có thể giới hạn những thiệt hại do những nhà lãnh đạo tồi gây ra nhất thời.

Tác giả Samuel Smiles.

“Ở đâu con người chịu bao biện và cai quản quá đáng, thì khuynh hướng không tránh khỏi là làm cho con người khờ đi.” Thời gian ra đời của quyển sách nằm giữa cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất và thứ hai khi các anh hùng không thuộc giai cấp quý tộc, mà là những thợ thủ công, những người từ giai cấp thấp đến trung lưu, bằng lao động cật lực và sáng tạo để vươn lên trong thế giới.

"Tinh thần tự lực" viết về những con người đó và là một kho tàng vô giá gồm các túi khôn của những con người sáng tạo ra thế giới, không thể không đọc đối với những dân tộc nào muốn đi trên con đường thay đổi số mệnh và chinh phục hạnh phúc, góp phần vào sự phồn vinh chung của xã hội.

Trong số những người “sáng tạo ra những phát minh mới”, Smiles dành nhiều trang cho giai thoại về Richard Arkwright, người phát minh ống cuộn bông vải. Một trong những người ngưỡng mộ giai thoại này là Toyoda Sakichi, người sáng chế thành công ra máy dệt tự động năm 1897. Các hậu duệ của ông tiếp công việc của ông với xe hơi Toyota ngày nay. Bản dịch tiếng Nhật của "Self-help" có tên Saigoku Risshihen trong tiếng Nhật, nghĩa là Một tập hợp những câu chuyện thành công ở phương Tây, mà một bản vẫn còn được trưng bày trong viện bảo tàng tại nơi sinh của Toyoda.

Cách đây 150 năm, "Self-help" là best-seller ở Anh, Ý, và Mỹ. Cho đến năm 1904 khi Smiles mất, có 250.000 người Anh mua "Self-help", trong đó có Charles Darwin, tác giả của "Thuyết tiến hóa". Nhưng kết quả đó không sánh được với cơn khát vọng học hỏi phương Tây đang dâng cao của thanh niên Nhật Bản: một triệu bản dịch đã được bán ra, với dân số khoảng 30 triệu, và được tái bản cho tới những năm 1920.