Góc nhìn tỏ vẻ “bề trên” của kẻ đối địch trong cuốn sách Nam kỳ viễn chinh ký 1861 không che khuất nổi thực tế là người dân ta bấy giờ đã chủ động tấn công, dù thất bại, khiến cho cuộc xâm lược Nam kỳ của Pháp không phải là cuộc “hành quân dã ngoại”, mà phải đánh đổi bằng sinh mạng.

Cuốn sách được dịch giả Thanh Thư chuyển ngữ dựa trên bản in năm 1888, là lần tái bản có chỉnh sửa của Léopold Pallu chỉ 3 năm trước khi ông qua đời.
Cuốn sách được dịch giả Thanh Thư chuyển ngữ dựa trên bản in năm 1888, là lần tái bản có chỉnh sửa của Léopold Pallu chỉ 3 năm trước khi ông qua đời.

Năm 1858, Léopold Pallu (1828 – 1891) trong vai trò đại úy hải quân của quân đội Pháp đặt chân đến vùng đất Sài Gòn để tham gia các chiến dịch của Pháp ở Nam kỳ. Cùng thời điểm đó, trước cửa biển Đà Nẵng là đoàn tàu chiến của liên quân Pháp – Tây Ban Nha giương họng súng chuẩn bị tấn công. Đến đầu năm 1859, phần lớn toán quân này rút vào Nam, chuẩn bị mở mặt trận Gia Định. Ấn tượng về những tháng ngày tham chiến ở Việt Nam đã được Léopold Pallu gói trọn trong cuốn “Nam kỳ viễn chinh ký 1861” (DTBooks và NXB Hồng Đức).

Tính đến nay, 160 năm sau ngày Nam kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đọc cuốn sách, ta vẫn cảm nhận được đầy đủ không khí căng thẳng của cái thuở vận nước đang lâm nguy. Góc nhìn tỏ vẻ “bề trên” của kẻ đối địch không che khuất được tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Nam kỳ buổi ấy.

“Như vậy, bị chặn kho lương ở Thuận Kiều và bị vây hãm, quân An Nam chỉ có thể chống cự, hoặc bị đánh tan lập tức. Tuy nhiên, địch vẫn còn một đường thoát thân, nếu trong khi giao chiến, ta không đặt một đội quân canh chừng tại đây.”

“Đó là đường Adran; song để tới đường đó thì phải bằng qua vùng bùn đất của đầm lầy trên rạch Thị Nghè...” (trang 43)

Đường Adran mà Lépold Pallu đề cập ở trên, nay là đường Hồ Tùng Mậu quận Nhất. Ai sinh sống ở Sài Gòn chắc cũng từng một lần đi qua con đường này, một con đường nhỏ và ngắn nằm giữa trung tâm thành phố. Ngờ đâu gần hai trăm năm trước, nơi đây là con đường máu rút lui của quân đội An Nam trước sức tấn công của đội quân hùng hậu của Pháp. Và một trăm năm sau đó, con đường này lại biến thành chiến tuyến của một cuộc chiến tranh khác. Trong cuốn sách của mình, Pallu đã nhìn ra vị trí trọng yếu của Sài Gòn như một điểm hẹn của lịch sử, “tiếp cho thành phố một sức sống khả dĩ kháng cự được những toan tính chính trị đối lập nhau và chống chọi được những tai ương do chiến tranh gây nên” (trang 33).

Đã có nhiều công trình của người Việt Nam nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ nhưng tác phẩm Paullu hé ra một góc nhìn khác, trần trụi và sống động mà qua đó, có thể thấy người dân ta bấy giờ đã chủ động tấn công, dù thất bại, khiến cho cuộc xâm lược Nam kỳ của Pháp không phải là cuộc “hành quân dã ngoại”. Dẫn ra con số thương vong của lính viễn chinh Pháp, Pallu muốn nhấn mạnh, quân địch vừa phải ứng phó với sự chống trả quyết liệt của quân An Nam vừa phải đối mặt với những bất lợi về thổ nhưỡng, khí hậu… Nhưng do áp đảo về hỏa lực nên quân Pháp thường chiếm ưu thế trong các cuộc xung đột. Là người trực tiếp tham chiến, ngòi bút của Pallu trực diện khắc họa từng giai đoạn của quá trình xâm lược, không qua một lớp sương mù hồi ức nào.

Pallu sang Nam kỳ như một thành viên cấp cao của quân đội viễn chinh, nên những thông tin ông trình bày bao gồm cả thông tin chiến trường và những báo cáo, những bức thư đàm phán giữa quân đội Pháp với nhà Nguyễn, phơi bày tình hình chiến tranh trên cả hai mặt trận quân sự và ngoại giao. Và dẫu là người lính viễn chinh, ông vẫn bị ấn tượng bởi vùng đất phương Đông xa xôi với khung cảnh giao thương tấp nập. Không hay khoa trương, chính Pallu cũng nhận định rằng, tầm vóc của Sài Gòn sánh ngang với Singapore, Hông Kông, Quảng Châu - những thương cảng lớn bậc nhất châu Á lúc bấy giờ.

Rõ ràng là, định kiến về một dân tộc “man di” cần được “mẫu quốc” khai sáng chỉ là cái cớ cho chủ nghĩa thực dân tràn sang Châu Á. Pallu không đưa ra được nguyên cớ nào hợp lẽ để cuộc chiến này bắt đầu, những gì ông cố chứng minh sau rốt chỉ là họ sẽ không hiểu và sẽ không bao giờ hiểu sự khác biệt của một nền văn hóa xa lạ mà họ đang cố đồng hóa bằng vũ lực. Bởi vậy, ngay lập tức, họ vấp phải sự phản kháng của những người Việt kiêu dũng:

“Một kẻ sống sót khác, bất chấp bị thương, bại trận và không còn hy vọng sống, ông ta vẫn giữ một vẻ mặt bình thản vượt qua nghịch cảnh. Thái độ của ông tại nơi bị bắt cho tới pháp trường thể hiện một tù binh hiên ngang: Người ta nói rằng ông lấy làm hãnh diện khi ta quyết định xử bắn thay vì treo cổ ông” (trang 178).

Đó chỉ là một người chiến sĩ vô danh trong biết bao người con ngã xuống trên mảnh đất này. Ngày nay, trên đất Pháp, rất có thể chẳng còn mấy người nhớ đến viên đại úy Léopold Pallu, người mà năm 1887 đã được thăng tới hàm đề đốc. An Nam dường như cũng chỉ là một trong những tấm mề-đay trên ngực áo lính của ông. Nhưng ở Việt Nam, ký ức về cuộc chiến năm xưa mà ông để vẫn tiếp tục khuấy động người đọc khi cuốn sách một lần nữa được dịch và xuất bản.