Tự do, linh hoạt trong miêu tả, sắp xếp chi tiết nhưng lại chính xác, ngắn gọn và tỉ mỉ trong từng tư liệu, (L’ordre du jour), một tựa đề tiểu thuyết thoạt tiên nghe khô khan, sẽ cho người đọc nhìn rõ những chân rết nguy hiểm, những thỏa thuận bất nhân, những cấu kết nham hiểm trong thời điểm Đức Quốc xã bắt đầu bành trướng châu Âu.

Cuốn tiểu thuyết đoạt giải. Ảnh: EPA
Ảnh: KH&PT

Không bóng bảy, trau chuốt nhưng tác phẩm của Eric Vuillard, vẫn làm độc giả rùng mình vì độ rắn chắc, đanh lạnh và chấn động tâm trí của nó.

Câu chuyện bắt đầu từ cuộc họp, “mật nghị” thì đúng hơn, giữa “hai mươi bốn quý ông” ở Dinh Quốc hội Đức vào 20/2/1933 để ủng hộ, hậu thuẫn cho Hitler và Đức Quốc xã tuyệt đối thâu tóm quyền lực. Hai mươi bốn quý ông đó, thực chất, là những nhà tư bản, chủ các tập đoàn/doanh nghiệp, “niết bàn của nền công nghiệp và tài chính”, mà tên tuổi của họ vẫn tồn tại, phát triển cho đến nay. Như một lưỡi dao rọc giấy sắc bén, Eric Vuillard phanh phui trang đầu tư liệu quá khứ qua giọng điệu của Hermann Goring, Chủ tịch Nghị viện lúc đó, rằng cuộc bầu cử mà các nhà công nghiệp giúp sức Hitler “sẽ là những cuộc bầu cử cuối cùng trong mười năm tới, thậm chí trong một trăm năm tới”.

Độc tài, chuyên chế, phát xít, những cụm từ mà lịch sử nhân loại kết tội Đức Quốc xã, không thể ngờ, đã được hàng loạt tên tuổi BASF, Bayer, Agfa, Opel, Siemens, Allianz, Telefunken…, tiếp tay ngay từ đầu. Gần cuối tiểu thuyết, với giọng mỉa mai, E. Vuillard tiết lộ lợi ích mà các tập đoàn này thu được nhờ chính quyền Hitler: công nhân rẻ mạt từ các trại tập trung. “Bayer thuê công nhân ở Mautheausen. BMW tuyển dụng ở Dachau, Papenburg, Sachsenhausen, Natzweiler-Struthof và Buchenwald. Daimler tuyển dụng ở Schirmeck. IG Farben tuyển dụng ở Dora-Mittelbau, Gross-Rosen, Sachsenhausen, Buchenwald, Ravensbrück, Dachau, Mauthausen, và khai thác một nhà máy khổng lồ tại trại Auschwitz […] Agfa tuyển dụng ở Dachau. Shell ở Neuengamme. Schneider ở Buchenwald. Telefunken ở Gross-Rosen và Siemens ở Buchenwald, Flossenbürg, Neuengamme, Ravensbrück, Sachsenhausen, Gross-Rosen và Auschwitz”. Như thế, trong cái nhìn của E. Vuillard, cái gọi là “giới tăng lữ của nền đại công nghiệp” đều gần như là những con bạch tuộc hút máu hàng triệu người Do Thái vô tội, vô danh. Nhưng tội ác và bàn tay chết chóc của họ, theo nhiều cách, sẽ bị mờ đi bởi những nhầm tưởng của lịch sử.

Một sự nhầm tưởng khác cũng được E. Vuillard dựng lại theo cái cách nhà làm phim tư liệu cẩn trọng là cuộc “sáp nhập” Áo vào đế chế Đức Quốc xã. Kurt von Schuschnigg, nhân vật được nhắc đến nhiều, Thủ tướng Áo lúc đó, “gã quý tộc nhỏ thó kỳ thị chủng tộc và hèn nhát” như mô tả của E. Vuillard, buộc phải nhượng bộ rồi chấp nhận bước tiến của Hitler. Sau cuộc thương thảo giữa hai kẻ độc tài, bóng ma chiến tranh bắt đầu bao trùm và vào ngày 12/3/1938, “hình như hôm đó trời đẹp […] bầu trời trong vắt […] thật tuyệt vời đối với những người thuộc cung Thiên Bình, Cự Giải và Thiên Yết” theo giọng giễu nhại của E. Vuillard, “xe thiết giáp, xe tải, pháo hạng nặng, tất cả những gì hào nhoáng cùng chầm chậm tiến về Vienna, để tham gia cuộc đại diễu hành ngày hôn phối. Cô dâu đồng thuận, không phải một vụ hãm hiếp, như một số người từng nghĩ, đây là lễ cưới”.

Nhà văn Eric Vuillard  với cuốn tiểu thuyết đoạt giải. Ảnh: EPA
Nhà văn Eric Vuillard với cuốn tiểu thuyết đoạt giải. Ảnh: EPA

Cuộc sáp nhập Đức – Áo, dưới chiêu bài tuyên truyền yêu chuộng hòa bình, đã làm nhiều người lầm tưởng móng vuốt phát xít không đếm xỉa mình, thậm chí “người dân Áo hò hét khàn giọng, nỗ lực học kiểu chào phát xít để lấy đó làm dấu hiệu đón mừng; họ tập động tác ấy suốt năm năm nay”. Nhưng bằng cái nhìn sắc sảo và nhiều tư liệu, E. Vuillard cho biết chỉ có số ít bài báo “ca tụng tên độc tài nhỏ con Schuschnigg”, đặc biệt, đã dừng lại trước con số “hơn một nghìn bảy trăm người tự tử chỉ trong vòng một tuần”. Họ tự sát là bởi, theo E. Vuillard, “đã nhìn thấy những người Do Thái bị kéo lê ngoài đường […] cảm thấy u sầu đen tối”. Nỗi đau của họ, nhà văn nhấn mạnh, “là một nỗi đau chung”. Chua chát, đau xót và phẫn nộ, E. Vuillard, như một người tham dự và chứng nhân, bóc trần những ngọt nhạt bào chữa và biện minh từng che khuất tội ác phát xít.

Chương trình nghị sự, cứ như thế, khía vào tính hợp pháp của các sự kiện, thỏa thuận và mưu đồ chính trị trong Thế chiến II. Một phân đoạn ngắn nhưng giàu ngụ ý đã được E.Vuillard nhắm vào “Bộ máy Mỹ […] Bộ máy ấy chỉ kể về chiến tranh dưới dạng một kì tích. Biến chiến tranh thành một nguồn thu nhập. Một chủ đề. Một vụ làm ăn hời”. Kiệm lời nhưng đanh thép, E. Vuillard buộc chúng ta phải thừa nhận sự liên đới trách nhiệm trong những tội ác chiến tranh, và, điều này còn đáng sợ hơn, trong các trò diễn “dằn vặt” tội lỗi mà lịch sử thường tạo dáng. Chủ ý trưng nhiều tên riêng, nhiều sự kiện “người thật việc thật”, tận dụng và “thao túng” một số tư liệu lịch sử đôi khi rất nhỏ, E. Vuillard nhắc nhở người đọc những vết thương lớn ở quá khứ rất có thể sẽ tái nhiễm trong tương lai gần, nhất là khi thế giới đang có dấu hiệu tái xuất chủ nghĩa cực đoan, nếu mọi sai lầm, tội ác không bị ngăn chặn từ sớm.

Eric Vuillard, sinh năm 1968, là nhà văn, nhà làm phim Pháp. Đến nay, Eric Vuillard đã có 10 tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau, bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ. “Chương trình nghị sự” đoạt giải thưởng Goncourt danh giá vào năm 2017. Cuốn tiểu thuyết vừa được Phạm Duy Thiện dịch ra tiếng Việt và phát hành bởi Nhã Nam và NXB Hội nhà văn.