Trong khi nước Đức nỗ lực thực hiện tham vọng trở thành nhà vô địch về đổi mới sáng tạo thì Anh xây dựng chiến lược công nghiệp; còn các thay đổi về chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo của Mỹ đều hướng tới mục đích tạo thêm việc làm.

Để phát huy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và khoa học, các quốc gia hàng đầu thế giới rất chú trọng đầu tư và có chính sách hỗ trợ khoa học và công nghệ (KH&CN).

Đức muốn vô địch về đổi mới sáng tạo

Với Đức, các chính sách KH&CN mới nhất được đưa vào chiến lược công nghệ cao. “Trong hoàn cảnh ngày càng chịu sức ép lớn về cạnh tranh quốc tế, chúng tôi phải tìm cách giữ vững vị thế dẫn đầu về khoa học và kinh tế. Đức cần phải trở thành nhà vô địch thế giới trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo” - bà Johanna Wanka - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức nói.

Một tiết mục trình diễn STEM tại Bảo tàng Khoa học Boston, Mỹ. Ảnh: Ecsite
Một tiết mục trình diễn STEM tại Bảo tàng Khoa học Boston, Mỹ. Ảnh: Ecsite

Trong chiến lược công nghệ cao, Đức lập ra những định hướng phát triển KH&CN có tính chiến lược trong thời gian ngắn, chủ yếu tập trung vào việc củng cố nền tảng KH&CN sẵn có, tăng cường đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề toàn cầu để nâng cao cuộc sống người dân. Để thực hiện được chiến lược này, Đức ưu tiên đầu tư cho các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D) công và tư, tái thiết hệ thống giáo dục.

Sự ra đời của Hiệp định Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo là nỗ lực hợp tác của chính phủ và các tiểu bang trong việc nâng mức đầu tư cho R&D. Trong giai đoạn 2011-2015, mỗi năm Đức tăng 5% ngân sách cho các trường và viện nghiên cứu công. Đức còn có nhiều hiệp định và đạo luật khác nhằm hỗ trợ vốn cho hoạt động nghiên cứu tại nhà trường và học viện.

Để tạo môi trường khung cho đổi mới sáng tạo, Đức tập trung nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thông qua các ưu đãi về thuế. Chính phủ Đức còn dành riêng một quỹ công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp. Số tiền quỹ này nhận được tăng từ 943 triệu USD năm 2007 lên 1,8 tỉ USD năm 2013.

Người Đức rất chú trọng thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Phần lớn nghiên cứu công được tài trợ bởi các công ty. Họ còn tổ chức rất nhiều cuộc thi và trại nghiên cứu để tăng tính kết nối giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học.

Anh đẩy mạnh chiến lược công nghiệp

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, Anh rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng. Tăng trưởng xuất khẩu kém, thâm hụt thương mại lớn, sản xuất kém, đầu tư kinh doanh và nghiên cứu phát triển cũng không mấy sáng sủa. “Trong thế giới hiện đại, một trong những cách tốt nhất bạn có thể làm để giúp đỡ doanh nghiệp là giúp đỡ qua khoa học” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh George Osborne nói.

Năm 2012, Anh triển khai chiến lược công nghiệp, chú trọng 11 lĩnh vực tiềm năng lớn, điển hình là tập trung tài trợ cho Viện Công nghệ hàng không vũ trụ, Trung tâm Động cơ cao cấp, Trung tâm Đổi mới nông nghiệp và Trung tâm Xúc tiến kỹ thuật - nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Anh đang phát triển mạng lưới trung tâm Catapult - nơi doanh nghiệp có thể tiếp cận với những thiết bị đặc biệt hoặc công nghệ mới nổi, đồng thời kết nối doanh nghiệp với các công ty và nhà nghiên cứu.

Nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các công ty, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ Anh đã thực hiện nhiều biện pháp thông qua chương trình của Ban Chiến lược công nghệ. Năm 2012, Anh đưa ra chương trình Voucher sáng tạo để hỗ trợ startup, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận với các chuyên gia từ trường đại học, tổ chức nghiên cứu và các nhà cung cấp kiến thức tư. Các dự án nghiên cứu được chứng minh có giá trị sẽ được nhà nước đầu tư cũng như giúp đỡ đứng ra kêu gọi đầu tư…

Mỹ đổi mới chính sách KH&CN để tạo việc làm

Mỹ đã nhiều năm dẫn đầu về thành tựu KH&CN và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên gần đây, vị thế đó đang bị đe dọa bởi nhiều quốc gia khác. Các bằng sáng chế và nghiên cứu của doanh nghiệp Mỹ đã không còn phát triển chóng mặt như trước. Để khắc phục, năm 2009, Mỹ đề ra “Chiến lược đổi mới sáng tạo: Tiến tới phát triển bền vững và tạo ra nhiều việc làm chất lượng”.

Chính sách KH&CN và đổi mới sáng tạo của Mỹ chỉ chú trọng vào tạo việc làm, tạo ra nền tảng cho các ngành công nghiệp trong tương lai cũng như tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Tổng thống Mỹ cũng đưa ra kế hoạch cho khoa học và đổi mới sáng tạo. Theo đó, chính phủ ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu cơ bản và đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở hạ tầng, bao gồm cả cơ sở hạ tầng trên mạng. Số vốn đầu tư cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng tăng từ 59 tỷ USD năm 2008 lên 68,1 tỷ USD năm 2014. Năm 2014, tiền cho nghiên cứu chiếm 48% tổng vốn dành cho R&D.

Về giáo dục, Mỹ rất chú trọng phát triển mô hình STEM bởi cho rằng, để tăng năng lực cạnh tranh trên toàn cầu cần kích thích thế hệ trẻ say mê khám phá KH&CN. Năm 2013, chiến lược 5 năm (2013-2017) để phát triển giáo dục STEM được thông qua. Chính phủ dành 3,1 tỷ USD cho các chương trình liên quan tới STEM.

Do quỹ công dành cho R&D của các doanh nghiệp giảm từ năm 2008, chính phủ chuyển trọng tâm vào hỗ trợ trực tiếp về R&D và đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp. Cụ thể, chính phủ sẽ dành nhiều chương trình tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ hay các tập đoàn nhỏ. Họ cũng tiếp tục kéo dài thời hạn cho các khoản vay có bảo đảm, các cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sạch.