Hiện tượng băng tan do biến đổi khí hậu khiến khu vực Bắc Băng Dương ngày càng dễ tiếp cận hơn, và tám quốc gia xung quanh Bắc Cực đều muốn sở hữu, khai thác khoáng sản tại vùng biển giàu tiềm năng này.

Khu vực biển Bắc Cực. Ảnh: Alamy.
Khu vực biển Bắc Cực. Ảnh: Alamy.

Vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chú ý với cộng đồng quốc tế khi ngỏ ý muốn mua lại hòn đảo Greenland của Đan Mạch nằm ở rìa Bắc Băng Dương. Mặc dù lời đề nghị này không được chấp nhận nhưng nhiều người thắc mắc điều gì ẩn sau động thái chưa từng có này, và liệu nó có liên quan gì đến mối quan tâm ngày càng tăng của Mỹ trong việc sở hữu một phần diện tích Bắc Cực hay không?

Mỹ là một trong tám quốc gia xung quanh Bắc Cực – cùng với Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga và Thụy Điển – đang tranh giành quyền sở hữu vùng biển đóng băng của khu vực. Một số quốc gia thậm chí đã đệ trình các giấy tờ chính thức cho một cơ quan ở Liên Hợp Quốc nhằm tuyên bố chủ quyền một số phần của đáy biển Bắc Cực rộng lớn. Ngoài ra, tình trạng băng tan chảy do biến đổi khí hậu đang làm khai thông những vùng nước trước đây bị đóng băng của Bắc Cực, khiến khu vực này trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. “Dựa trên xu hướng hiện nay, các chuyên gia dự đoán Bắc Cực sẽ hoàn toàn không có băng vào thập niên 2040 hoặc 2050”, Richard Powell, chuyên gia địa lý về vùng Cực tại Viện Nghiên cứu Scott Polar thuộc Đại học Cambridge (Anh), cho biết.

Sự gia tăng lợi ích của các quốc gia trong khu vực Bắc Cực được mệnh danh là “cuộc tranh giành Bắc Cực”, hay “Chiến tranh Lạnh mới” theo nghĩa giật gân hơn, bởi vì Nga và Mỹ là những người chơi lớn. Nhưng bất chấp những cơ hội mà khu vực mang lại, liệu Bắc Băng Dương có thực sự thuộc sở hữu của bất kỳ ai không? Và tại sao nhiều quốc gia muốn được chia quyền lợi tại một nơi có cảnh quan nổi bật chỉ là những tảng băng trôi nổi và những con gấu Bắc Cực?

Có một câu trả lời xác đáng cho câu hỏi thứ hai, đó là Bắc Cực sở hữu trữ lượng dầu khí khổng lồ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính, đáy biển Bắc Băng Dương chứa khoảng 90 tỷ thùng dầu, chiếm 13% lượng dầu mỏ dự trữ của thế giới, và ước tính 30% lượng khí đốt tự nhiên chưa khai thác của hành tinh. Cùng với đó, Bắc Cực cũng là nơi chứa nhiều kim loại hiếm, nguồn nguyên liệu quan trọng để chế tạo linh kiện điện tử và vũ khí.

Một thế kỷ trước, lượng tài nguyên khoáng sản khồng lồ nói trên không dễ tiếp cận và chúng ta cũng thiếu công nghệ để khai thác nó. Các quốc gia chỉ giới hạn việc thăm dò và khám phá vùng nước dọc theo đường bờ biển của họ, trong khi các khu vực đại dương xa xôi không thuộc về bất kỳ quốc gia nào. Nhưng với tiến bộ kỹ thuật lớn trong những thập kỷ gần đây, các vùng biển xa xôi ở Bắc Cực ngày càng dễ tiếp cận. Điều này buộc các nhà lập pháp quốc tế phải thay đổi và mở rộng định nghĩa về nơi các quốc gia có thể thăm dò và khai thác tài nguyên hợp pháp.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) ban hành năm 1982, các quốc gia ven biển có quyền khai thác tài nguyên trong phạm vi 200 hải lý (370 km) ở ngoài khơi bờ biển nước họ. Nhưng nếu một quốc gia có thể cung cấp bằng chứng cho thấy, các đặc điểm địa chất đặc biệt dưới đáy biển nằm xa hơn giới hạn 200 hải lý kết nối với vùng đất liền trên lục địa của quốc gia này, thì quyền tài phán của họ được mở rộng ra xa hơn.

“Các quốc gia sẽ biên soạn tài liệu và đưa ra tuyên bố chủ quyền, sau đó Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc sẽ quyết định có thông qua hay không”, Powell cho biết.

Hiện nay, tuyên bố chủ quyền của nhiều quốc gia xung quanh Bắc Cực tập trung vào dãy núi ngầm Lomonosov Ridge trải dài trên khắp Bắc Băng Dương. Một số quốc gia, chẳng hạn như Nga, tuyên bố dãy núi này là phần mở rộng thềm lục địa của họ dưới đáy biển – một yêu sách cho phép họ tiếp cận các khu vực xa hơn ở Bắc Cực, và do đó khai thác được nhiều tài nguyên khoáng sản hơn.

Tất cả những điều này giúp chúng ta mường tượng một tương lai, trong đó các quốc gia khác nhau sẽ sở hữu các phần riêng biệt của Bắc Băng Dương. Tuy nhiên, việc phân chia Bắc Cực dường như sẽ không xảy ra sớm. Nguyên nhân là do việc thu thập bằng chứng địa chất dưới đáy biển, lập các báo cáo khoa học chi tiết và chờ Liên Hợp Quốc thông qua là một thủ tục pháp lý chuyên sâu và cần nhiều thời gian.

“Quá trình phân chia Bắc Cực sẽ mất nhiều thập kỷ. Thậm chí nếu hồ sơ của các quốc gia được phê duyệt ngay, họ sẽ phải chi khoản tiền khổng lồ để đưa tàu tới Bắc Cực, xây dựng cơ sở hạ tầng dưới biển sâu để khai thác dầu mỏ và khí đốt nằm sâu dưới đáy biển hàng km”, Powell nhận định.

Do ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, những khối băng khổng lồ ở Bắc Cực đang tan chảy nhanh chóng. Điều này khiến các quốc gia lân cận hy vọng hình thành những tuyến đường hàng hải mới trong khu vực, rút ngắn đáng kể cự ly và thời gian vận chuyển so với các tuyến vận tải trên biển hiện nay qua kênh đào Suez hay Panama. Các chuyên gia dự đoán, đến cuối thế kỷ XXI, giao thông hàng hải tại Bắc Băng Dương sẽ gặp thuận lợi ít nhất là vào bốn tháng mùa hè. Tới năm 2030, “tuyến giao thông vùng biển Bắc Cực” sẽ được thông thương khoảng chín tháng/năm, giúp cắt ngắn thời gian di chuyển giữa châu Âu và Đông Á khoảng 60% so với tuyến đường hiện tại.

Song hành với các hoạt động nghiên cứu tại Bắc Cực, các quốc gia còn từng bước triển khai lực lượng quân sự tại đây, với mục đích là khẳng định sự hiện diện của họ, hỗ trợ bảo vệ các hoạt động khảo sát thăm dò, khai thác tài nguyên và hoạt động thương mại. “Tuy nhiên, tám quốc gia xung quanh Bắc Cực vẫn luôn nỗ lực bảo đảm sự ổn định về mặt chính trị và môi trường trong khu vực”, Amy Lauren Lovecraft, Giáo sư tại Đại học Alaska Fairbanks đồng thời là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Bắc Cực, cho biết.

Hội đồng Bắc Cực được thành lập vào thập niên 1990 bởi tám quốc gia bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Canada, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Cơ quan này thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước cũng như cộng đồng bản địa trong khu vực, đặc biệt là về các vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ở Bắc Cực.

Sự hợp tác này trở nên vô cùng quan trọng khi các quốc gia khác nằm cách xa Bắc Cực, như Trung Quốc, ngày càng quan tâm đến khu vực. “Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia Bắc Cực, nhưng họ có tiền. Họ sẽ sử dụng sức mạnh mềm đó để tạo ra các doanh nghiệp liên doanh với các quốc gia Bắc Cực, và nhiều biện pháp khác để tiếp cận Bắc Cực”, Lovecraft nói. “Một câu hỏi lớn là liệu tám quốc gia xung quanh Bắc Cực có phối hợp với nhau để tránh bị các quốc gia bên ngoài lợi dụng để khai thác tài nguyên hay không.”