Chỉ số IQ trung bình của nhân loại tăng khoảng 30 điểm trong thế kỷ qua. Con người ở thời hiện tại đang có chỉ số thông minh cao nhất trong lịch sử. Điều này là kết quả của sự biến đổi gene hay do đặc điểm cuộc sống và nền giáo dục hiện đại?

IQ tăng 3 điểm trong 10 năm

James Robert Flynn - 82 tuổi, Giáo sư (GS) tại Đại học Otago, New Zealand, cây đại thụ trong lĩnh vực nghiên cứu trí thông minh - từng công bố một nghiên cứu cho thấy không chủng tộc nào trên thế giới kém hơn về trí tuệ. Ông cũng vừa công bố một công trình khác chỉ ra rằng, chỉ số thông minh của mọi người - bất kể màu da - đã tăng liên tục khoảng 3 điểm trong một thập kỷ qua. Theo Flynn, đây là giai đoạn con người đạt chỉ số IQ cao nhất trong lịch sử.

“Chỉ số IQ tăng không ít trong thời gian qua. Ví dụ, giai đoạn 1934-1964, người Hà Lan tăng chỉ số thông minh đến 20 điểm. Tuy nhiên, không nhiều người chú ý đến điều này, ngay cả những người tiến hành các bài kiểm tra. Sự thật này diễn ra ngay trước mắt nhưng chúng ta đã không chú ý đến nó”- GS Flynn cho biết. Theo ông, chỉ số IQ tăng lên theo từng năm đối với mọi lứa tuổi, sắc tộc và quốc gia.

Giáo sư James Robert Flynn - tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về IQ. Ảnh: YTB

Vì sao có sự thay đổi này? Nhiều người cho rằng, những thay đổi ở gene người có thể là một nhân tố ảnh hưởng. Khoa học từ lâu đã chứng minh các gene có vai trò đối với mức độ thông minh của con người. Tuy nhiên, GS Flynn bác bỏ cách giải thích này. Theo ông, chỉ số IQ toàn cầu tăng quá nhanh và rõ ràng như vậy không thể là do chọn lọc tự nhiên - vốn diễn ra từ từ qua hàng ngàn năm.

Vì sao chỉ số thông minh tăng mạnh?

Không quá khó tìm câu trả lời nếu bạn so sánh sự phát triển của chỉ số IQ với sự gia tăng chiều cao trung bình. Trong vòng một thế hệ, bạn nhận thấy cha mẹ cao sinh con cao, cha mẹ thấp sinh con thấp, điều đó cho thấy ảnh hưởng lớn của di truyền; nhưng nếu so sánh các thế hệ với nhau, bạn sẽ thấy chúng ta đều cao hơn nhiều so với ông bà của mình.

Đó không phải là do gene của chúng ta đã thay đổi mà do cuộc sống hiện đại, với trình độ y học và dinh dưỡng tốt hơn cho phép cơ thể phát triển tốt hơn. Theo Flynn và cộng sự William Dickens, điều tương tự đã xảy ra với trí tuệ của chúng ta nhờ vào sự thay đổi trong nhu cầu nhận thức của xã hội.

Việc đo chỉ số IQ cần xét tới nhiều yếu tố như từ vựng, kiến thức không gian, khả năng tư duy trừu tượng… Tập hợp tất cả, chúng có thể phản ánh “trí thông minh nói chung”. Dù không được dạy tất cả kỹ năng này một cách rõ ràng ở trường, chúng ta vẫn tiếp tục tập luyện ở ngoài đời. Điều đó giúp ích nhiều cho con người trong công việc và cuộc sống.

Có thể nhận thấy điều này khi xem các bài học tại trường tiểu học, khi học sinh được dạy về các nhánh của cây sự sống, các lực lượng tự nhiên… và bắt đầu nhóm các sinh vật, sự vật lại với nhau thành các loài, các lớp... Đó cũng là cốt lõi của nhiều câu hỏi trong các bài kiểm tra IQ.

“Trẻ em càng được yêu cầu nhìn thế giới qua “lăng kính khoa học”, điểm IQ càng cao” - Flynn nói. “Xã hội ngày càng yêu cầu cao với chúng ta và mọi người phải đáp ứng”.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, toàn bộ thế giới của chúng ta hiện nay được thiết kế để mọi người nghĩ theo cách này, nhờ sự phụ thuộc ngày càng tăng về công nghệ. Ông bà chúng ta có thể phải vật lộn với máy chữ, bố mẹ ta gặp khó khăn trong việc quay video, trong khi trẻ con ngày nay biết dùng màn hình cảm ứng từ 1 tuổi.

Như vậy, khả năng tư duy trừu tượng tốt hơn đã giúp chúng ta tăng chỉ số IQ khoảng 30 điểm trong thế kỷ qua. Tuy nhiên, điều này có thể không đồng nghĩa với sự tăng mạnh chất xám. Chúng ta đang tinh chỉnh “cỗ máy tinh thần” cho phù hợp với thế giới hiện đại hơn là nâng cấp nó hoàn toàn.

Flynn so sánh trí não với tập thể chất, khi chúng ta tập trung luyện môn thể thao mình chọn: “Hãy coi não là một cơ bắp và một sự thay đổi trong các hoạt động thần kinh cũng ảnh hưởng đến não như khi bạn bỏ môn bơi để tập tạ”.

Ngày nay, người già có trí não tốt hơn thế hệ trước nhờ sức khỏe tổng thể tốt hơn và do đó có sự nghiệp dài hơn, nhiều trí tuệ hơn.

“Đã có một sự cải thiện to lớn, chẳng hạn như ngày nay một người 70 tuổi bất kỳ có thể “hạ gục” một người cùng tuổi 15 năm trước. Cha tôi không bao giờ chạy lấy một bước sau 12 tuổi và ông nghỉ hưu ở tuổi 70. Tôi tập thể dục nhiều hơn và không bao giờ nghỉ hưu. Điều đó cho thấy rõ là tôi có bộ não khỏe mạnh hơn” - GS Flynn cho biết.

Một số nghiên cứu ở các nước phát triển như Anh, Đan Mạch và Australia lại cho thấy chỉ số thông minh đang có dấu hiệu giảm và các nhà khoa học cho biết hiệu ứng Flynn đang sắp kết thúc ở các nước này. Có giả thuyết cho rằng nguyên nhân là do sự suy thoái về di truyền. Theo nhiều nhà khoa học, việc những người có dân trí cao ở các nước phát triển sinh ít con là nguyên nhân khiến thế hệ sau kém thông minh hơn.