Cây linh hồn của Văn Miếu Mao Điền tưởng đã không thể qua khỏi cái chết mười mươi thì bỗng tháng Ba này bung nở những tràng hoa đỏ thắm giữa tiết xuân còn ngun ngún mưa phùn.

Một thủa lều chõng

Có lẽ nhiều người không biết rằng ngoài Văn Miếu Quốc Tử Giám xây dựng năm 1070 ở Hà Nội ra Việt Nam còn có hơn 20 Văn Miếu trấn trong đó cổ kính phải kể đến Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương), Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Văn Miếu Kinh Bắc (Bắc Ninh) và Văn Miếu Trấn Biên (Đồng Nai). Văn Miếu Mao Điền thuộc xã Cẩm Điền huyện Cẩm Giàng ngày nay là nơi nối tiếp Văn Miếu trấn dựng tại xã Vĩnh Tuy huyện Bình Giang xưa.

Xứ Đông có lắm người đỗ đạt, qua 185 khoa thi cả nước có 2.898 tiến sĩ thì Hải Dương có 637 người, trong số 46 trạng nguyên thì Hải Dương có 12 người. Cùng với dựng Văn Miếu ở Vĩnh Tuy người ta chọn một đám ruộng công ở Mao Điền để làm trường thi hương. Hồi ấy thi cử được phân thành ba cấp. Thi hương là cấp cơ sở, đỗ xong mới thi hội ở Tràng Thi (Hà Nội) rồi thi đình trong điện Kính Thiên để vua chọn ra trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.

Chữa trị cho cây

Đến thời Tây Sơn Văn Miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Tuy về Mao Điền nhưng những tấm bia đá cổ khắc danh sách tiến sĩ thì biến mất tự lúc nào. Năm 2007 tình cờ một người dân ở xã Vĩnh Tuy khi cày ruộng đã phát hiện ra rùa đá có ngõng ở bên trên để gác bia. Hiện vật cổ đó đã thôi thúc các cơ quan chức năng tổ chức một cuộc tìm kiếm bia tiến sĩ trên một quy mô lớn.

Suốt 1 tháng ròng họ dùng những cái thuốn sắt thuốn nát mấy ha ruộng xung quanh chỗ phát hiện rùa đá nhưng không hề nghe thấy tiếng kịch va chạm như mong đợi. Những năm 90 của thế kỷ trước ở đây từng tồn tại 3 cái lò vôi, rất có thể những tấm bia đá kia đã vô tình bị “hóa kiếp”…

Năm 1801, để ghi dấu việc di chuyển Văn Miếu người ta đã trồng một cây gạo trước sân. Thân cây thẳng tượng trưng cho trục nối giữa vũ trụ và trời đất còn gốc cây sần là những bậc thang đi về của các bậc thánh nhân. Hoa gạo nở vào tháng hai, tháng ba, sắc đỏ thắm báo hiệu cho mùa thi (tháng năm) sắp tới. Cái cây linh hồn gắn với Văn Miếu Mao Điền từ độ ấy: “Thương thay con sáo làng ta/ Bay từ cây gạo bay ra đồng Tràng”.

Năm 1947 thực dân Pháp chiếm Văn Miếu biến nơi đây thành trường mật thám, trưng dụng nhà bái đường, hậu cung, đông vu, tây vu làm trại lính, phá hủy nhiều công trình, đồ thờ tự. Còn cây gạo nhờ vào cái thế chống trời của nó thì bị biến thành một cái chòi canh.

Năm 1967 một cơn bão to khiến cho cành chính của cây bị gãy nhưng nó vẫn sống. Chiến tranh chống Mỹ leo thang, Văn Miếu thành một cái kho xăng khổng lồ để chi viện cho chiến trường miền Nam. Hơi xăng đã khiến cho nhiều đồ gỗ mục nát, nhà cửa sụp đổ nhưng cây gạo vẫn xanh tốt. Người ta lý giải gạo vốn có nhiều nhựa nên rất khát nước, trước gốc cây có cái hồ nhỏ gọi là hồ Văn nên quanh năm đủ đầy. Năm 2002 một cuộc đại trùng tu diễn ra ở Văn Miếu, người ta cho lấp hồ Văn khiến cho cái cây yếu dần.

Cuộc chữa trị vô tiền khoáng hậu

Năm 2012 tự nhiên cây gạo ra nhiều hoa nhất trong lịch sử khiến cho ai cũng phải ngạc nhiên nhưng nào ngờ đó chính là ánh hồi quang của một ngọn đèn lóe lên trước khi tắt. Xuân năm 2013 cây ra được đúng 10 bông, lá úa đi từng ngày khiến cho mặt người trong Ban quản lý di tích huyện cũng thiểu não.

Cây gạo ngày nay

Cái cây linh hồn của Văn Miếu mà chết thì thật là một mất mát lớn cho cả tỉnh Hải Dương. Đơn kêu cứu bay đi, đoàn cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương được điều về thị sát ngay lập tức. Cái cây đầy sâu bệnh và còn có biểu hiện suy dinh dưỡng nặng.

Sau cuộc hội chẩn, Ban quản lý di tích đã thuê Cty CP Môi trường đô thị Hải Dương để chữa trị cho cây. Người ta bắc những giàn giáo cao ngang trời để quan sát đống phân sâu đùn lên trên thân gạo. Cuộc thanh trùng, khử độc bắt đầu bằng việc cạo lần theo từng vết sâu suốt cả tháng ròng.

Kết quả là bắt được hơn 100 con sâu mẹ lớn như ngón tay người của một loài xén tóc. Con to còn bắt xuể, con nhỏ li ti thì bó tay nên người ta đã phun ba đợt thuốc sâu lên. Mỗi lần phun là mỗi lần chứng kiến một “cơn mưa sâu bọ” rơi lả tả xuống sân thềm. Các cành chết bị loại bỏ, các vết thương được vệ sinh sạch sẽ. Xong đâu đó, người ta đào một cái hố vuông xung quanh gốc gạo như cái hào rồi tưới lân pha loãng xuống.

Xuân 2014 cây gạo lại trổ hàng trăm bông, xanh tốt trở lại khiến cho ai cũng thở phào. Nhưng trời chưa hết thử thách lòng người, trận rét hại Tết Ất Mùi năm 2015 khiến cho loại cây vốn nhiều nhựa, chịu rét kém như gạo bị ảnh hưởng nặng. Hết tháng hai rồi lại qua tháng ba, hoa gạo không về khiến cho nhiều người mong đỏ mắt.

Cái cây không hoa, không chồi như một nỗi buồn khổng lồ mọc giữa trời đất khiến cho dân trong vùng bức xúc đến “bắt đền” Trưởng Ban quản lý di tích huyện, Hà Quang Thành: “Các anh làm ăn thế nào mà lại để cây chết?”. Lo lắng quá nên cứ nghe ở đâu có những cây gạo cổ là ông Thành tìm đến. Một lần qua chùa Keo Thái Bình thấy mấy cây gạo cổ thụ bung nở toàn hoa,ông Thành mới dò hỏi: “Bên này các bác dùng thuốc gì mà cây ra hoa đẹp thế?”. Khi được trả lời là không có thuốc gì cả ông lại càng thêm hoang mang.

Rốt cuộc tháng tư năm đó cây cũng đâm chút chồi nhưng yếu như người hấp hối đang thở hắt. Năm 2015 một cành lớn tự nhiên trút lá rồi thác đánh rầm xuống sân. Giật mình bởi tiếng động lớn,ông Thành nhìn đồng hồ đúng lúc kim giờ, kim phút chập vào nhau ở quãng 12 ngày 19/2 - ngày hội tan. Càng may hơn cho kíp thợ hôm đó dỡ rạp lúc đó đã vào nhà nhỉ ăn cơm nên không hứng chịu tai nạn.

Hoa gạo lại về

Trước triệu chứng mỗi lúc một xấu đi của cây gạo, Ban báo cáo huyện, huyện báo cáo tỉnh, đích thân Phó Chủ tịch tỉnh đứng ra chỉ đạo việc cứu chữa. Một đề xuất mới là xin bóc lớp gạch bó vỉa quanh gốc đi cho cây, đào lớp đất chai sạn rồi thay bằng phù sa sông Hồng.

Một chủ máy xúc nhanh nhảu tình nguyện đào đất không công nhưng loay hoay mãi mà không thể đưa thiết bị vào sân vì vướng cổng quá thấp. Vậy là tất cả Ban quản lý di tích từ nhân viên đến lãnh đạo phải tự tay đào bới. Trong cái rủi có cái may, nếu mà nhờ được máy xúc vào có khi người ta đã đào đứt hết rễ của cây. Họ bới từng li, từng tí như khảo cổ vì sợ đứt rễ và phát hiện ra một sự thật là toàn bộ đất đá phế liệu của việc tu sửa năm 2002 đã bị đổ bừa xuống gốc gạo khiến cho cây không có đất ăn. Thêm vào đó cây còn bị bó vỉa quanh gốc như một cái vòng kim cô thít chặt, chặn đi nguồn dinh dưỡng.

Phát hiện được nguyên nhân khiến cây gạo ốm nên người ta đã bốc sạch phế liệu đi rồi đổ đất phù sa xuống. Cái cây lại hồi sinh, những bông hoa tuy chưa xuất hiện nhiều nhưng vẫn đỏ thắm một màu máu của linh hồn Văn Miếu.

Khi chưa bị cấm dân quanh vùng thường đẽo lấy vỏ gạo về ngâm rượu để xoa bóp. Đẽo đến đâu, nhựa lại sùi đến đó để bảo vệ thân, nhanh và nhạy đến nỗi khi một tốp thợ đóng ngập mấy cái đinh 10 vào thân cây để căng bạt chẳng mấy chốc nó đã tự đẩy rơi đinh ra ngoài.