Chiếc máy bay Boeing 737 MAX có những “cải tiến” về hệ thống an toàn mà phi công không hay biết.


Máy bay Boeing 737 MAX (ảnh: PK-REN, Jakarta, Indonesia)

Ngày 6/11 vừa qua, người khổng lồ trong ngành hàng không Mỹ – Boeing – đã đưa ra một bản cập nhật cho các phi hành đoàn trên thế giới đang điều khiển dòng máy bay Boeing 737 MAX.

Thay đổi này đến từ yêu cầu của Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (Federal Aviation Administration – FAA) với lý do chính là Boeing chưa bao giờ cung cấp hướng dẫn cho các phi công cách xử lý khi hệ thống an toàn mới của máy bay bị lỗi – đây rất có khả năng là tình huống mà các phi công trên chuyến bay số hiệu 610 của hãng Lion Air đã gặp phải trong thảm họa ngày 29/10 vừa qua. Bối rối không biết phải làm gì trước sự cố, phi hành đoàn cùng các hành khách của chuyến bay đã gặp phải tai họa. Toàn bộ những người xấu số đã mất tích khi chiếc máy bay rơi xuống biển Java.

Được FAA cho phép đưa vào khai thác thương mại từ ngày 8/3/2017, dòng Boeing 737 MAX chỉ mới bắt đầu được bán ra với số lượng lớn gần đây. Và Lion Air là một trong những khách hàng nước ngoài đầu tiên mua MAX từ Boeing. Dòng máy bay này cũng đang có mặt trong biên chế của Southwest Airlines, American Airlines và Air Canada. Chiếc máy bay gặp nạn của Lion Air gần như mới tinh, được Boeing giao hồi tháng 8/2018; và là vụ tai nạn đầu tiên liên quan tới dòng sản phẩm được ca ngợi vì các tính năng an toàn này.

Nhưng Boeing chưa bao giờ nói với các phi công về một tính năng an toàn mới – hệ thống chống tròng trành tự động – hay làm cách nào để xử lý sự cố với hệ thống này. Cuốn sổ tay mới cập nhật của hãng đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trong giới phi công nước Mỹ.

Người phát ngôn Hiệp hội Liên minh Phi công kiêm cơ trưởng 737 Dennis Tajer đã nói với Reuters rằng các thành viên trong hiệp hội của anh mới chỉ được biết về hệ thống chống tròng trành mới được lắp đặt lên MAX sau vụ rơi máy bay của Lion Air. “Đây là thông tin mà chúng tôi không hề được biết trong các buổi đào tạo hay trong bất kỳ sổ tay hoặc tài liệu nào,” Tajer nói.

Jon Weaks, chủ tịch Hiệp hội Phi công Southwest Airlines phát biểu với Bloomberg, “Chúng tôi không thích chuyện không được thông báo chút nào.” Southwest hiện đang đặt hàng 257 chiếc 737 MAX; con số máy bay đang chờ giao của hãng American Airlines là 85.

Hiện tượng tròng trành ở máy bay

Tròng trành (stall) là hiện tượng nguy hiểm khi lực nâng từ hai cánh của máy bay không đủ lớn để cân bằng lại trọng lượng của nó, khiến cho máy bay mất kiểm soát và rơi xuống.

Tròng trành thường diễn ra khi góc tấn của một chiếc máy bay (angle of attack – AOA) tức góc nghiêng của cánh quá cao, đạt tới độ tới hạn làm giảm lực nâng của cánh tại tốc độ bay đó. Hướng mũi của máy bay lên cao tại vận tốc bay thấp cũng có thể khiến nó bị tròng trành.

.

Hiện tượng tròng trành xảy ra như thế nào (ảnh: NASA)

Trong quá khứ, hệ thống chống tròng trành thường phát ra âm thanh để cảnh báo phi công; hoặc các phiên bản máy bay đời mới hơn sử dụng một hệ thống phản hồi giác quan để cảnh báo phi công phải kiểm soát lại cần điều khiển máy bay khi họ sắp tiến tới góc tới hạn. Nhưng hệ thống mới của 737 sử dụng các dữ liệu từ cảm biến góc tấn và cảm biến vận tốc để chủ động sửa chữa sai lầm của phi công, điều chỉnh lại hệ thống điều khiển của máy bay để nhấn mũi của nó xuống nếu cảm biến phát hiện hiện tượng tròng trành sắp xảy ra.

Các dữ liệu ban đầu từ cuộc điều tra chiếc máy bay Lion Air số hiệu 610 bị nạn cho thấy cảm biến góc tấn (AOA) của máy bay đã cung cấp “các số liệu đầu vào không đúng,” theo một thông báo của Boeing. Chiếc máy bay này gần đây đã phải thay một cảm biến AOA và còn gặp phải một vài vấn đề chưa xác định khác nữa; một kỹ thuật viên bảo dưỡng máy bay đã ở trên khoang vào lúc xảy ra thảm họa, nhưng không phải vì cảm biến AOA.

Sổ tay vận hành bổ sung mà Boeing gửi hôm 6/11 hướng dẫn cách xử lý tình huống này, nhưng trước đó không có hướng dẫn nào của Boeing đề cập tới hệ thống tự động này.

Dữ liệu cảm biến AOA sai có thể đã khiến hệ thống an toàn của chiếc máy bay tự động hạ thấp mũi xuống để tránh tròng trành. Điều này chỉ xảy ra ở chế độ lái bằng tay; khi ở chế độ lái tự động, dữ liệu cảm biến AOA sẽ không ảnh hưởng tới việc điều khiển máy bay.

Trục trặc với hệ thống an toàn trên máy bay là cực kỳ hiếm nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Vụ tai nạn của chuyến bay 610 đã chỉ ra rủi ro cố hữu của việc tước đoạt quyền kiểm soát các hệ thống quan trọng khỏi phi công mà không thông báo cho họ biết, và những hậu quả khôn lường của việc ỷ lại vào các hệ thống máy móc ngày càng phức tạp. Lần này, một cải tiến “hiện đại” thực sự đã đem tới một hậu quả vô cùng … “hại điện”.

Theo ArsTechnica