Tất cả những gì công chúng quan tâm tới Bitcoin, blockchain đang là mốt thời thượng trong giới kinh doanh công nghệ trên thế giới, tuy nhiên chưa có một ứng dụng nào của blockchain ngoài tiền mã hóa thực sự tạo ra lợi nhuận và lợi ích cho xã hội.

Scott Stornetta, một trong số những cha đẻ của blockchain.

Lịch sử và những chức năng cơ bản

Công nghệ Blockchain bắt nguồn từ nghiên cứu của Stuart Haber và Scott Stornetta vào những năm 1990 về “đóng tem thời gian” (timestamping), nghĩa là thiết lập ngày giờ của một tài liệu một cách bảo mật. Họ sử dụng bốn công cụ mật mã cơ bản để đạt được mục tiêu này: chữ kí số, hàm băm, cây Merkle và phương thức đồng thuận ngang hàng. Chữ kí số cho phép bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra rằng tài liệu này đúng là do tác giả đã kí tạo ra. Giá trị hàm băm của một tài liệu, giống như dấu vân tay của một người, xác nhận rằng tài liệu đó có nội dung giống hệt với bản gốc lúc kí, không có bất kì một câu chữ nào bị sửa đổi. Cây Merkle giúp xác nhận một cách vô cùng hiệu quả các giá trị hàm băm của một lượng lớn tài liệu. Phương thức ngang hàng giúp chứng nhận tem thời gian dựa trên sự đồng thuận giữa các người dùng với nhau mà không cần thông qua bất kì tổ chức tập trung nào. Mặc dù những ý tưởng này của Haber và Stornetta rất thông minh và chính xác, chúng không hề nhận được sự quan tâm rộng rãi cho đến tận 15 năm sau, khi chúng được điều chỉnh để tạo ra tiền mã hóa.

Vào năm 2008, Satoshi Nakamoto (bí danh của một nhà mật mã học hoặc có thể là một nhóm các nhà nghiên cứu) phát minh ra blockchain và sử dụng nó cho đồng tiền mã hóa ngang hàng đầu tiên, Bitcoin. Việc Nakamoto dựa trên ý tưởng của đóng tem thời gian dường như hết sức tự nhiên, bởi vì thách thức lớn nhất của giao dịch tiền điện tử là làm sao để ngăn chặn việc tiêu một đồng tiền hai lần, nghĩa là, để xác nhận rằng đồng tiền vừa chuyển ra khỏi “ví” một ai đó chưa hề được tiêu trước đó.

Ý tưởng mới quan trọng nhất của Nakamoto là một chuỗi các khối. Một khối Bitcoin chứa một loạt các giao dịch diễn ra trong thời gian khoảng 10 phút. Một người dùng nào đó, gọi là “người đào”, kiểm tra tất cả các giao dịch này, và chỉ định đó là khối duy nhất nối tiếp khối ngay trước đó và nhận được một khoản trả công đáng kể bằng Bitcoin. Việc khối của ai trở thành khối tiếp theo trong chuỗi và ai nhận được tiền công được quyết định bởi một phương thức gọi là bằng chứng công việc – proof of work. Về cơ bản, điều này nghĩa là, để thành công, những người đào phải tính toán giá trị hàm băm của rất nhiều phương án khối khác nhau (mỗi phương án bắt đầu với chuỗi bit là giá trị hàm băm gốc của cây Merkle của khối) cho đến khi họ nhận được một kết quả có dạng rất đặc biệt (ví dụ như là bắt đầu bằng 30 bit 0).

Bởi vì phương thức proof of work vô cùng phí phạm năng lượng để tính toán, những kĩ sư phát triển blockchain đang cố thay thế nó với những cách thức hiệu quả hơn, chẳng hạn như bằng chứng cổ phần (proof of stake), theo đó, xác suất một người được lựa chọn kiểm tra khối và nhận tiền công tỉ lệ với khối lượng tiền mã hóa mà người đó sở hữu. Ý tưởng là người càng có nhiều tiền thì càng muốn duy trì hệ thống hoạt động ổn định.

Hợp đồng thông minh

Vào năm 2013, Vitalik Buterin, một thanh niên xuất sắc 19 tuổi người Canada sinh ra ở Nga, đề xuất một ứng dụng mới và đầy tham vọng cho blockchain, làm đảo lộn nhiều lĩnh vực và mở rộng mối quan tâm về chủ đề này. Ý tưởng của Buterin là những “giao dịch” trong khối có thể được viết bằng một ngôn ngữ máy tính tổng quát hơn rất nhiều so với trong Bitcoin – gọi là ngôn ngữ Turing hoàn thiện, một ngôn ngữ có thể diễn đạt được bất cứ thỏa thuận hợp đồng nào giữa người dùng. Buterin gọi hệ thống của mình là “Ethereum” và gọi đồng tiền của mình là “ether”. Một hợp đồng được ghi lại và thi hành bởi một blockchain như Ethereum được gọi là hợp đồng thông minh.

Đây là một ví dụ về “hợp đồng thông minh”: chẳng hạn như hai người muốn cá cược 100 USD về kết quả của World Cup. Không cần sự chứng nhận của người thứ ba, họ có thể cùng đồng ý về một chương trình máy tính nhỏ trên Ethereum và nó sẽ thực hiện những điều sau: Nó lấy từ ví ether của mỗi người một khoản tương đương 100 USD và giữ trong một ký quỹ cho đến khi World Cup kết thúc, sau đó kiểm tra trên một số website để xác định xem đội nào thắng, và cuối cùng chuyển 200 USD từ ký quỹ vào ví ether của người thắng cược. Không có khả năng nào để người thua thoái thác.

Blockchain không phải là thuốc chữa bách bệnh

Bởi vì tất cả những gì công chúng quan tâm tới Bitcoin– theo sau đó là sự ra mắt thành công Ethereum của Buterin, blockchain đang là mốt thời thượng trong giới kinh doanh công nghệ trên thế giới. Mặc dù theo hiểu biết của tôi, chưa có một ứng dụng nào của blockchain ngoài tiền mã hóa thực sự tạo ra lợi nhuận và lợi ích cho xã hội, có hàng trăm startup, theo nghĩa đen trên khắp thế giới đã và đang đề xuất những cách thức lạ thường để ứng dụng blockchain. Một số ý tưởng gần như là nực cười.

Gần đây, một nhà khởi nghiệp trẻ tới văn phòng của tôi để trao đổi về startup blockchain của anh ấy. Ý tưởng của anh ấy là tạo ra một hệ thống cho những đại gia đầu tư vào tương lai của những sinh viên đang gặp khó khăn trong việc chi trả học phí đắt đỏ ở đại học Mỹ. (Ngay cả ở trường đại học tôi đang giảng dạy, là một trường công, được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí, nhưng học phí và các chi phí liên quan bây giờ là 53 nghìn USD mỗi năm). Đại gia sẽ trả các chi phí giáo dục và đổi lại, sinh viên sẽ đồng ý trả một phần thu nhập trong tương lai cho đại gia này.

Theo hiểu biết của tôi, chưa có một ứng dụng nào của blockchain ngoài tiền mã hóa thực sự tạo ra lợi nhuận và lợi ích cho xã hội. Có hàng trăm startup, theo nghĩa đen trên khắp thế giới đã và đang đề xuất những cách thức lạ thường để ứng dụng blockchain. Một số ý tưởng gần như là nực cười.

Tôi nghĩ đó là một ý tưởng cực kì tệ. Đầu tiên, có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều cách nó sẽ bị lạm dụng. Khả năng cao là lợi ích dành cho sinh viên, nếu có chút nào, sẽ không đến với những người cần hỗ trợ tài chính nhất (và chắc chắn là không đến với những sinh viên học những ngành mà lương khá thấp như giáo viên, y tá hay báo chí). Chủ yếu là những người giàu có sẽ hưởng lợi. Cũng sẽ có rất nhiều tranh chấp trong việc thi hành điều khoản người sinh viên về sau trả một phần thu nhập cho người giàu.

Hơn nữa, chẳng có một lí do rõ ràng nào chứng tỏ rằng hệ thống kiểu này phải dùng đến blockchain. Điểm chính của blockchain – thiết lập thứ tự các sự kiện diễn ra theo thời gian dựa trên một phương thức đồng thuận và để thi hành các hợp đồng – không liên quan gì đến đến kế hoạch đầu tư vào thu nhập tương lai của một sinh viên. Blockchain không thể thi hành hợp đồng giữa đại gia và sinh viên bởi vì hệ thống của nó chưa tiếp cận được tới tiền lương hay tài khoản ngân hàng của người sinh viên trong tương lai.

Ý tưởng của người thanh niên này, mặc dù ngớ ngẩn, nhưng lại khá điển hình trong số những đề xuất mà các startup nghĩ ra trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm tìm ra những gì mới để ứng dụng blockchain.

Không dễ thương mại hóa các giải pháp blockchain

Ngay cả khi một ứng dụng blockchain có vẻ hợp lí, nó vẫn phải trải qua những thách thức cực to lớn để đạt được thành công về mặt ủng hộ của công chúng lẫn thành công về mặt thương mại. Sẽ phải thỏa mãn rất nhiều điều kiện. Thứ nhất, vấn đề mà blockchain giải quyết phải là một vấn đề vô cùng bức thiết và dường như không thể giải quyết nổi bằng các phương thức truyền thống khác. Thứ hai, những đặc trưng của blockchain – timestamp và chứng thực – phải là công cụ hợp lý để giải quyết vấn đề này. Thứ ba, phải vượt qua được tính dè dặt trong việc thay đổi những quy trình quen thuộc của mọi người. Số lượng những “người sớm chấp nhận sản phẩm” – những người thích thử cái mới phải đủ lớn để đảm bảo tính khả dụng của hệ thống và nhờ đó, có lẽ những người “bình thường” mới tham gia và hệ thống mới “cất cánh” – giống như những gì đã xảy ra với thương mại điện tử 20 năm trước.

Bởi vì blockchain vận hành dựa trên sự đồng thuận ngang hàng, nó phải thu hút được một lượng người dùng lớn một cách nhanh chóng, trước khi một hacker tấn công vào hệ thống bằng cách chiếm đa số quyền kiểm soát (gọi là tấn công 51%). Một ứng dụng blockchain mới có thể tránh nguy cơ này bằng cách lồng ghép những giao dịch của nó vào một blockchain lớn và ổn định như Ethereum thay vì tự tạo ra một blockchain mới và nhỏ hơn. Tuy nhiên, làm như vậy cũng không giải quyết được một vấn đề lớn khác, đó là hầu hết mọi người chỉ sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc vào một hệ thống mới chỉ khi họ được thuyết phục rằng đại chúng đã chấp nhận nó. Ngay cả một ý tưởng tốt về ứng dụng công nghệ blockchain cũng rất có khả năng thất bại nếu nó không vượt qua được rào cản cốt lõi này.

Sẽ thật tốt nếu như blockchain có thể giải quyết được đại dịch làm giả bằng cấp đang hoành hành ở Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác. Vấn đề này thu hút rất nhiều giấy mực của báo chí vào năm 2010 khi người ta phát hiện ra rằng bằng tiến sĩ từ Mỹ của Tang Jun, cựu chủ tịch Microsoft Trung Quốc là giả. Trên lý thuyết, một blockchain có thể cho phép bất cứ ai (miễn phí hoặc với một chi phí rất nhỏ) kiểm tra các bằng cấp online. Điều này không chỉ áp dụng đối với các bằng đại học mà cho rất nhiều lời khai trên sơ yếu lí lịch của các ứng cử viên – các giải thưởng, tài trợ, phần thưởng, chức danh trong các tổ chức. Ta có thể hi vọng rằng một ngày nào đó, tất cả các cơ sở trao các giấy chứng nhận có thể cùng đến với nhau trên một hệ thống blockchain để đảm bảo việc ngăn chặn sự lừa đảo. Nhưng đó là một hi vọng xa vời.

***
Liệu Haber, Stornetta, Nakamoto, và Buterin có phải là những nhà phát minh xuất sắc? Đúng. Liệu ai đó có thể tưởng tượng ra những tiềm năng đầy thú vị của blockchain? Có. Liệu blockchain có sớm đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế và xã hội của chúng ta? Câu hỏi này khó trả lời hơn rất nhiều và nhiều người còn nghi ngờ điều đó.

--------
* GS Đại học Washington, Mỹ, cố vấn của Ethereum.