Bệnh vàng lá gân xanh là do rệp psylid châu Á gây ra. Bệnh này gây hại đáng kể cho các trang trại trồng cam, đặc biệt là tại Mỹ.


Rệp cam psylid châu Á là một loài côn trùng rất khó kiểm soát. Khi bị rệp tấn công, ban đầu lá sẽ xuất hiện các điểm vàng. Khi bệnh lan ra toàn bộ cây, quả sẽ trở nên nhỏ hơn, đắng hơn và chuyển thành dạng nửa xanh nửa vàng chứ không chín hẳn. Cuối cùng, cây sẽ không thể ra quả và chết. Toàn bộ quá trình diễn ra trong vòng hai đến ba năm sau khi rệp bắt đầu xâm nhiễm.

Rệp cam psylid châu Á. Ảnh: Nationalgeographic
Rệp cam psylid châu Á. Ảnh: Nationalgeographic

Do chưa có cách trị loại rệp này, cây bị hại sẽ được chặt, sau đó dùng thuốc sâu để diệt rệp. Sau một thời gian, rệp sẽ phát triển sức đề kháng với các loại thuốc sâu được sử dụng. Các chủ trang trại bế tắc đến nỗi, đề xuất cả ý tưởng sử dụng rệp cam biến đổi gene, gây ra những cuộc tranh luận dữ dội.

Mới đây, Richard Mankin - nhà côn trùng học tại Trung tâm Côn trùng học nông nghiệp - thú y và y học ở Gainesville, Mỹ - đã để xuất ý tưởng thú vị để kiểm soát căn bệnh này. Richard Mankin phát minh ra một loại bẫy rung có khả năng quấy nhiễu quá trình thông tin giữa rệp đực và rệp cái, qua đó kiểm soát sự phát tán của loài côn trùng gây bệnh này.

Thiết bị chỉ có giá khoảng 50-100USD gồm máy gây tiếng động, dựa trên nguyên lý áp điện và microphone nối với bộ điều khiển.

Rệp hại hoạt động mạnh nhất vào thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Tại thời điểm đó, con đực rung chân và cánh để gọi con cái. Nếu con cái bị hấp dẫn, nó sẽ có tín hiệu trả lời trong vòng 1/3 đến 1/2 giây. Dựa trên nguyên tắc đó, bộ thiết bị microphone sẽ phát hiện tín hiệu gọi của con đực. Bộ điều khiển sẽ tự động đưa ra tín hiệu đáp ứng giả trước khi con đực nhận được các tín hiệu thật từ con cái. Khi con đực tiếp cận, nó sẽ rơi vào bẫy dính và bị tiêu diệt.

Như vậy, tín hiệu giả cạnh tranh với con cái và dụ con đực vào bẫy, hoặc khiến cho chúng không liên lạc được với nhau.