Nằm ở ngoài khơi cách thủ đô Oslo của Na Uy khoảng 75 km là một hòn đảo nhỏ, nơi đang giam giữ hơn 100 phạm nhân với các tội danh nguy hiểm nhất như buôn bán ma túy, giết người, hiếp dâm, … Nhưng trải nghiệm thực tế của họ ở đây lại chẳng khác nào đi nghỉ dưỡng vậy.

Nhà tù không khác gì một khu nghỉ dưỡng. Ảnh: Shutterstock.
Nhà tù không khác gì một khu nghỉ dưỡng. Ảnh: Shutterstock.

Không hề có những bức tường dây thép gai hoặc hàng rào điện xung quanh hòn đảo, cũng như chẳng có lính gác vũ trang và chó tuần tra, sục sạo trong khuôn viên. Các tù nhân được sống trong những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ sơn màu rực rỡ, với thú vui chăm sóc động vật, trồng trọt, chặt gỗ cùng nhiều hoạt động tiêu khiển khác. Thậm chí còn có hẳn một bãi biển để tù nhân tắm nắng trong mùa hè, hồ câu cá, ngựa để cưỡi, phòng tắm hơi, sân tennis, … Lựa chọn thực đơn cho bữa tối cũng khá phong phú: cá viên chiên sốt kem, gà quay kiểu Mexico, tôm nướng, cá hồi bỏ lò, …

Chính sách đối xử với tù nhân như vậy thường gây không ít bối rối, và đôi khi còn xúc phạm những người tin vào công lý hoặc chính nghĩa tuyệt đối, rằng nhà tù nên là nơi thiếu thốn để cái ác sám hối hơn là thoải mái như gia đình. Nhưng Bastoy dường như lại được vận hành với mục đích cải tạo, thay đổi con người. Chỉ gần 16% phạm nhân thụ án tại Bastoy tái phạm trong vòng hai năm sau khi được thả, so với tỷ lệ trung bình 20% của Na Uy và 70% của cả châu Âu.

Theo Arne Kvernvik Nilsen, cựu quản ngục tại Bastoy, chìa khóa ở đây nằm ở thái độ, sự tôn trọng và chủ trương hướng dẫn dựa trên quá trình tự khám phá. “Cách duy nhất để chuyển hóa con người là hãy đặt họ vào những hoàn cảnh mà sự thay đổi có thể được bắt đầu từ chính bên trong mỗi cá nhân. Điều này chỉ có thể đạt được khi người đó tự khám phá bản thân theo những cách mới, thay vì chỉ mặc cảm rằng bản thân là một kẻ thất bại,” ông nói.

Phạm nhân tại Bastoy được tự do lựa chọn hình thức thụ án cho mình. Ảnh: Shutterstock.
Phạm nhân tại Bastoy được tự do lựa chọn hình thức thụ án cho mình. Ảnh: Shutterstock.

Tại Bastoy, phạm nhân thường được khuyến khích tự chịu trách nhiệm, thông qua cơ chế lựa chọn cách thức thụ án. Có người thích được chăm sóc ngựa trong chuồng, nuôi cừu, … trong khi người khác lại muốn làm thợ mộc, thợ máy, đầu bếp, phục vụ tại cửa hàng tạp hóa, canh tác ngoài đồng, hay thậm chí lái phà, … Mặc dù không có kẻng báo thức vào mỗi sáng sớm, nhưng các phạm nhân vẫn có mặt đúng giờ tại lớp học và nơi làm việc. Một ngày hoạt động của họ thường bắt đầu từ 8:30 sáng và kết thúc lúc 3:30 chiều khi có thông báo, sau đó hầu hết nhân viên trại giam đều về nhà nghỉ ngơi và chỉ để lại năm lính gác qua đêm.

Một ngôi nhà cho phạm nhân thường có khoảng sáu người, nhưng từng người lại được ở phòng riêng, chỉ sử dụng chung bếp và các tiện ích khác. Ngoại trừ một bữa được nhà ăn cung cấp mỗi ngày, còn lại họ phải tự nấu bữa sáng và bữa tối. Với mỗi ngày làm việc, phạm nhân còn kiếm được 60 NOK (khoảng 10 USD) và nhận trợ cấp thực phẩm hàng tháng (từ các siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên đảo) để tự chuẩn bị bữa ăn.

Một phạm nhân tại Bastoy đang nằm phơi nắng. Ảnh: Shutterstock.
Một phạm nhân tại Bastoy đang nằm phơi nắng. Ảnh: Shutterstock.

Bất cứ tù nhân nào còn 5 năm thụ án ở Na Uy đều có thể nộp đơn xin chuyển đến Bastoy, bao gồm cả những trọng tội như giết người, hiếp dâm, … miễn là họ cam kết sống một cuộc đời mới “tốt đẹp” sau khi mãn hạn. Nhiều người sau khi đã thụ án vài năm ở các nhà tù khác nghiêm khắc hơn đã dùng Bastoy như một bước đệm điều chỉnh để tái hòa nhập cộng đồng. Những trải nghiệm ngắn ngủi tại Bastoy dường như cũng tạo nên ảnh hưởng sâu sắc đến các tù nhân. “Thời gian ở đây đã khiến tôi nhận ra mình không hẳn là một kẻ tồi tệ như vậy. Vì thế, tôi đã quyết định phải thay đổi cuộc đời,” Nilsen dẫn lời một cựu tù nhân tại Bastoy.

“Đó không phải là thứ mà việc trừng phạt sẽ giúp họ nhận thức được,” Nilsen nói.

Trong quá khứ, nhà ngục Bastoy từng là nơi giam giữ tội phạm vị thành niên, nơi các cậu bé bị quân đội Na Uy đàn áp bằng nhiều phương pháp và hình thức kỷ luật hà khắc, đôi khi vô cùng phản nhân văn. Trung tâm này sau đó được chính phủ tiếp quản lại vào năm 1953 và đóng cửa vĩnh viễn (năm 1970), để rồi được cải tạo thành nhà tù tự do và êm ái nhất thế giới như hiện nay.

Na Uy nổi tiếng là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật và an sinh xã hội nhân văn nhất thế giới. Năm 2011, Anders Behring Breivik kẻ thảm sát gây ra cái chết của 77 người vì muốn thách thức hệ thống này (để tử hình Breivik, Na Uy sẽ phải sửa đổi luật) đã không thể toại nguyện khi chỉ bị tuyên án 21 năm, được sống trong một nhà tù quá thoải mái, thậm chí còn được ghi danh theo học ngành khoa học chính trị tại Đại học Oslo, … “Vũ khí tốt nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan là tinh thần nhân đạo. Phán quyết của tòa cho thấy rằng chúng ta cũng thừa nhận nhân tính của những kẻ cực đoan,” một người sống sót sau vụ thảm sát đã viết như vậy trên mạng xã hội Twitter.