Hai loài Dầu mít (Dipterocarpus. costatus) và Dầu song nàng (Dipterocarpus dyeri) đang bị đe dọa ở Việt Nam và đều nằm trong Sách Đỏ Thế giới (Oldfield et al., 2003) và Việt Nam (BKHCN, 2007), cần được bảo vệ.

Hai loài Dầu mít và Dầu song nàng phân bố ở rừng nhiệt đới Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Dầu mít có vùng phân bố hẹp, chỉ gặp ở bốn khu vực: Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước), vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát (Tây Ninh), rừng phòng hộ Tân Phú (Đồng Nai) và đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Trong khi đó, loài Dầu song nàng có vùng phân bố rộng hơn, bao gồm khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, rừng phòng hộ Tân Phú, vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh), khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (Bà Rịa-Vũng Tàu) và một số tỉnh khác ở Tây Nguyên và đảo Phú Quốc.

Hai loài này đang bị đe dọa ở Việt Nam và đều nằm trong Sách Đỏ Thế giới (Oldfield et al., 2003) và Việt Nam (BKHCN, 2007) cần phải được bảo vệ.

Việc bảo tồn và quản lý một loài đòi hỏi các thông tin về sinh thái và đa dạng di truyền. Hiện nay, các tư liệu về sinh học sinh thái, đặc biệt mức độ đa dạng di truyền quần thể và loài của hai loài Dầu mít và Dầu song nàng còn thiếu. Trong hai năm 2015-2016, TS Nguyễn Minh Tâm -Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - được giao thực hiện đề tài: “Bảo tồn nguồn gene của hai loài Dầu mít (Dipterocarpus. costatus) và Dầu song nàng (Dipterocarpus dyeri) đang bị đe dọa tuyệt chủng ở Đông Nam Bộ”, mã số VAST.BVMT.01/15-16”.

Đề tài là một trong những nhiệm vụ Bảo vệ môi trường cấp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Ngày 14/2/2017, đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp viện hàn lâm nghiệm thu, đánh giá đạt loại xuất sắc.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các nhà khoa học Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã đánh giá hiện trạng quần thể và loài trên cơ sở khảo sát thực địa để xác định hiện trạng phân bố, số lượng cá thể, cấu trúc quần thể; và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để đánh giá đa dạng di truyền ở cả hai mức độ cá thể và quần thể trên cơ sở phân tích 10 cặp mồi Microsatellite (SSR). Các cây trội và mức độ thụ phấn chéo ở cây trội đã được xác định để thu thập hạt giống đảm bảo chất lượng, cuối cùng nhân giống tại Vườn ươm Biên Hòa, góp phần bảo tồn hữu hiệu hai loài Dầu song nàng và Dầu mít ở rừng nhiệt đới Đông Nam Bộ.

Cây giống 11 tháng tuổi ở vườn ươm Biên Hòa:  A - Dầu song nàng, B - Dầu mít
Cây giống 11 tháng tuổi ở vườn ươm Biên Hòa: A - Dầu song nàng, B - Dầu mít

Một số kết quả chính đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ:

Đề tài đã xác định được hiện trạng hai loài Dầu mít (Dipterocarpus costatus) và Dầu song nàng (D. dyeri) ở rừng phòng hộ Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Loài Dầu mít chỉ có 45 cá thể, phân bố ở hai Tiểu khu 88 và Tiểu khu 86 thuộc phân trường III. Loài dầu song nàng có số lượng khá lớn (khoảng 500 cá thể), phân bố ở bốn tiểu khu: Tiểu khu 82 (Phân trường I), Tiểu khu 86 (Phân trường III), Tiểu khu 91 (Phân trường IV) và Tiểu khu 80A (Phân trường V). Không có cây tái sinh được tìm thấy trong thời gian khảo sát thực địa.

Hoạt động của con người đã làm suy giảm kích thước quần thể và ảnh hưởng đến cấu trúc tuổi của loài Dầu mít ở rừng phòng hộ Tân Phú.

Loài Dầu mít duy trì mức độ đa dạng di truyền thấp. Sự suy giảm tính đa dạng di truyền loài Dầu mít ở rừng phòng hộ Tân Phú liên quan đến hoạt động của con người, đặc biệt số lượng cá thể bị suy giảm nghiêm trọng. Mức độ trao đổi gene giữa hai quần thể bị hạn chế.

Trong khi đó, loài Dầu song nàng duy trì tính đa dạng di truyền cao hơn. Loài Dầu song nàng ở rừng phòng hộ Tân Phú có số lượng cá thể khá lớn, khoảng 500 cá thể và phân bố thành bốn quần thể có khả năng trao đổi di truyền với nhau.

Nghiên cứu xác định được cấu trúc di truyền của hai loài Dầu mít và Dầu song nàng ở Tân Phú, xác định được hai quần thể Dầu mít có thể xuất hiện hiện tượng suy giảm kích thước quần thể; tìm được vị trí địa lý của 31 cây mẹ dự tuyển Dầu mít và 60 cây mẹ dự tuyển Dầu song nàng và xây dựng mối quan hệ di truyền giữa các cây mẹ dự tuyển cho mỗi loài; chọn được 20 cây mẹ tuyển chọn Dầu mít và 21 cây mẹ tuyển chọn Dầu song nàng trên cơ sở kết hợp cả hai tiêu chí đặc điểm hình thái và đặc điểm di truyền.

Đề tài cũng xác định được mức độ thụ phấn chéo phổ biến ở loài Dầu song nàng ở rừng phòng hộ Tân Phú; xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống hai loài Dầu mít và Dầu song nàng tại Vườn ươm của Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa; đã nhân được 512 cây giống loài Dầu song nàng và 486 cây giống loài Dầu mít tại vườn ươm của Trung tâm và bàn giao cho Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa để tiếp tục chăm sóc và trồng rừng tại khu rừng cảnh quan của Trung tâm. Đây sẽ là quần thể mới cho hai loài Dầu mít và Dầu song nàng.

Để bảo tồn quần thể và loài của hai loài Dầu mít và Dầu song nàng, một số giải pháp bảo tồn nguyên vị và chuyển vị đã được đề cập. Các cây dầu thuộc hai loài Dầu mít và Dầu song nàng cũng như nơi sống của chúng cần phải được duy trì nguyên trạng. Việc bảo tồn chuyển vị cũng đã được tiến hành tại vườn ươm của Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa. Một quần thể mới cho mỗi loài với kích thước lớn (>200 cá thể) sẽ được thiết lập tại rừng cảnh quan 162 ha thuộc Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa. Với kích thước quần thể này, có thể hạn chế được mối quan hệ cận noãn trong quần thể. Đối với quần thể Dầu mít, cần bổ sung cây giống từ khu vực khác như vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát (Tây Ninh) và vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) để góp phần làm tăng tính đa dạng di truyền ở quần thể mới.

Các kết quả nghiên cứu trên cho phép áp dụng để bảo vệ hai loài dầu nghiên cứu và các loài dầu khác đang bị đe dọa ở Việt Nam. Đặc biệt là kết quả về di truyền đóng góp vào hiểu biết rõ hơn về chọn cây mẹ và nhân giống của loài dầu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đề tài cung cấp cơ sở khoa học cho các nhà quản lý cập nhật thông tin về giá trị bảo tồn và nâng cao sự hiểu biết của người dân sống gần rừng về sự tuyệt chủng loài cần bảo vệ.

Bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, đề tài cũng đã công bố 2 bài báo Quốc tế (Genetics and Molecular Research, Journal of Forestry Research (danh mục SCI-E)) và 4 bài báo khoa học trong các tạp chí trong nước, trong đó có 2 bài đăng trên Tạp chí Sinh học, 1 bài đăng trên Tạp chí Công nghệ Sinh học và 1 bài trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời đề tài đã hướng dẫn bảo vệ thành công 2 thạc sỹ khoa học.