Một nhóm các chuyên gia sinh học và công nghệ máy tính, mới đây, đã cho ra mắt phần mềm nhận diện khuôn mặt vượn cáo lần đầu tiên.

Phần mềm này cho phép xác định hơn 100 cá thể riêng biệt với độ chính xác lên đến 98.7%. Với tên gọi LemurFaceID, đây được hi vọng sẽ là chìa khóa giúp nỗ lực bảo tồn các loài linh trưởng và hạn chế xâm lấn vào khu vực tự nhiên để theo dấu các cá thể và giống loài qua các thế hệ.


Trong một bài phỏng vấn với Phys.org, chuyên gia sinh trắc học Anil Jain, người đã vận hành phần mềm này cho hay: “Cũng như con người, mỗi con vượn cáo có đặc điểm khuôn mặt riêng biệt và nhờ đó, có thể bị nhận diện bởi hệ thống này. Ngay khi đã ghi nhận được thông tin, LemurFaceID có thể hỗ trợ dự án nghiên cứu động vật quý hiếm về lâu dài như một phương pháp nhận dạng chính xác, nhanh chóng và hiệu quả về mặt chi phí.”

Hệ thống này được thiết kế dựa trên phần mềm nhận diện khuôn mặt người. Bộ phận lập trình sẽ đưa vào hình ảnh của 462 con vượn cáo, thuộc các loài khác nhau. Trong đó, phần đông là vượn cáo bụng đỏ - một loài sống ở khu rừng phía Đông Madagascar, đây không phải là loại ‘nguy cấp’ nhưng rất dễ bị tổn thương trong điều kiện tự nhiên. Toàn bộ mô tả phần mềm này được công bố trong một báo cáo, có thể truy cập trực tiếp tại tạp chí BMC Zoology.

Những hình ảnh vượn cáo được sử dụng để chạy phần mềm.

Thông thường, các nhà nghiên cứu dựa trên những đặc tính như vết thương, vết sẹo, kích thước và hình dáng cơ thể để xác định từng con vượn cáo. Tuy nhiên, khi chúng trưởng thành, những dấu hiệu này trở nên kém hiệu quả. Bằng cách so sánh, việc sử dụng những dấu hiệu ổn định trên khuôn mặt sẽ dễ dàng hơn trong việc theo dấu vượn cáo trong thời gian dài. Và phương pháp này cũng hạn chế việc xâm lấn vào môi trường sống tự nhiên so với phương pháp truyền thống (bắt giữ trực tiếp và chụp hình)vốn hay được áp dụng để xác định danh tính động vật.

“Nghiên cứu các cá thể và quần thể dân cư vượn cáo theo thời gian dài cung cấp những dữ liệu cần thiết cho việc hiểu rõ hơn về đời sống cá thể trong môi trường hoang dã, quá trình sinh sản, duy trì giống loài, tỉ lệ sơ sinh và tỉ lệ tử vong cũng như mức độ phát triển của loài” – Stacey Tecot, đồng tác giả của báo cáo cho biết. “Với LemurFaceID, chúng tôi có thể phát triển chiến lược bảo tồn cho vượn cáo, một loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng khá cao.”

LemurFaceID sẽ tiếp tục được thử nghiệm kĩ lưỡng trong tự nhiên để có những đánh giá chuyên sâu hơn về khả năng tìm kiếm của nó. Nhóm nghiên cứu khá tự tin về tiềm năng của sản phẩm này. Trong tương lai, họ sẽ nỗ lực đưa phần mềm này áp dụng với các loại linh trưởng như khỉ và vượn. Với số liệu cho biết 60% các loài linh trưởng được biết đến đều có nguy cơ tuyệt chủng, công tác bảo tồn rất cần những hỗ trợ công nghệ tương tự.