Theo gợi ý của TTE, bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Dinh Độc Lập, nhà Thờ Đức Bà, bưu điện trung tâm Sài Gòn… là một trong những địa điểm tham quan lý tưởng nhất TPHCM.

1. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Tọa lạc ở số 28, Võ Văn Tần, phường 6, quận 3. Nó được thành lập vào ngày 4/9/1975. Bảo tàng hiện trưng bày một số hiện vật, hình ảnh trong Chiến tranh Việt Nam với các chủ đề lính Mỹ tàn sát, tra tấn, tù đày dân, rải chất độc hóa học, rải bom phá hoại miền Bắc. Các hiện vật như máy bay, đại bác, xe tăng, máy chém và hai ngăn “chuồng cọp” được xây dựng đúng kích thước như ở nhà tù Côn Đảo. Có các phòng trưng bày về Chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, vấn đề quần đảo Trường Sa, âm mưu của các thế lực thù địch...

2. Dinh Độc Lập. Nằm ở số 135, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bến Thành, quận 1. Được mở cửa lần đầu tiên vào ngày 31/10/1966. Hiện nay, nó đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Dinh được xây dựng trên diện tích 4.500 mét vuông với diện tích sử dụng 20.000 mét vuông gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của Dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng.

3. Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (nhà Thờ Đức Bà). Tọa lạc số 1, Công xã Paris, Bến Nghé, quận 1. Ngày 5/12/1959, nhà Thờ Đức Bà được đưa vào sử dụng. Đây được xem là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của TP.HCM, điểm đến của du khách trong và ngoài nước, nét đặc trưng của du lịch Việt Nam.

4. Bưu điện trung tâm Sài Gòn. Nằm ở số 2, Công xã Paris, Bến Nghé, quận 1. Đây là tòa nhà được người Pháp xây dựng với phong cách đậm chất châu Âu trong khoảng năm 1886-1891 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Đây là công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á.

5. Chợ Bến Thành. Tọa lạc ở đường Phan Bội Châu, phường Bến Thành, quận 1. Chợ Bến Thành được xây dựng vào đầu thế kỷ 17. Tuy nhiên, tới năm 1870 nó được cải tạo và xây mới lại. Hiện tại, chợ Bến Thành kinh doanh đồ lưu niệm, quần áo, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi…

6. Đường Đồng Khởi. Là một đường phố nằm ở quận 1, TPHCM. Nó được xem là một trong những con đường sầm uất nhất của thành phố này vì tập trung các cửa hiệu sang trọng, các khách sạn, trung tâm mua sắm. Con đường này hiện dài 630 mét, bắt đầu từ Công trường Công xã Paris trước Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn, băng qua Công trường Lam Sơn, công viên Chi Lăng rồi kết thúc tại vị trí giao cắt với đường Tôn Đức Thắng, bờ sông Sài Gòn.

7. Tòa nhà Bitexco Financial (tháp Tài chính Bitexco). Nằm tại số 2 Hải Triều, quận 1. Là tòa nhà cao chọc trời được xây dựng trên diện tích 6.100 mét vuông với tổng vốn đầu tư ước tính 400 triệu USD do Bitexco làm chủ đầu tư. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào ngày 31/10/2010. Đây là tòa nhà cao thứ 2 Việt Nam (sau Keangnam Hanoi Landmark Tower) với chiều cao lên đến 262 mét.

8. Chùa Ngọc Hoàng (Ngọc Hoàng Điện, tên chữ Phước Hải Tự). Tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, quận 1. Ngôi chùa vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20. Năm 1982, Hòa thượng Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản điện thờ. Kể từ đó điện thờ này thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984, thì điện Ngọc Hoàng được đổi tên là Phước Hải Tự.

9. Nhà hát TPHCM. Nằm ở số 7, Công trường Lam Sơn, quận 1. Nhờ tọa lạc ở một vị trí thuận lợi tại trung tâm thành phố, nhà hát được xem là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật đồng thời cũng được sử dụng để tổ chức một số sự kiện lớn. Đây cũng là nhà hát thuộc loại lâu đời theo kiến trúc Tây Âu và được xem như một địa điểm tham quan của thành phố này. Nó được đưa vào sử dụng vào ngày 1/1/1900.

10. Chợ Bình Tây (chợ Lớn mới). Tọa lạc ở phường 2, quận 6. Chợ Lớn mới được xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ 20 với diện tích 17.000 mét vuông. Chợ Bình Tây hiện nay có trên 2.300 quầy sạp kinh doanh với hơn 30 nhóm ngành hàng như gia vị, giày dép, quần áo, đồ gia dụng…