Các nhà khoa học phát hiện bản vẽ lâu đời nhất thế giới trên một phiến đá trong hang Blombos ở Nam Phi. Chúng do tổ tiên của người hiện đại tạo ra cách đây khoảng 73.000 năm.

Vào một thời điểm nào đó trong thời kỳ đồ đá, người hiện đại (Homo sapiens) bắt đầu sáng tác nghệ thuật dưới hình thức vẽ. Trong đống đổ nát trên sàn của một hang động ở Nam Phi, các nhà khoa học phát hiện những hình vẽ trìu tượng trên đá được biết đến là sớm nhất trong lịch sử loài người, có niên đại cách đây 73.000 năm. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào ngày 12/9.

“Nếu đề cập đến thời điểm hoạt động nghệ thuật xuất hiện trong xã hội loài người thì đây chính là nó”, Paul Pettitt, nhà khảo cổ học tại Đại học Durham (Anh), cho biết.

Những người hiện đại thời tiền sử sống trong và xung quanh hang Blombos ở Nam Phi từ 100.000 năm đến 72.000 năm trước. Một số cuộc khai quật trước đó cho thấy, họ là những người có khả năng mỹ thuật. Giới khảo cổ phát hiện các hạt (của một chuỗi hạt) tại hang Blombos được tạo ra từ vỏ ốc biển, cũng như những mảnh xương và khối đất son - một khoáng vật đất sét giàu oxit sắt – được khắc hoa văn hình học.

Christopher Henshilwood, nhà nghiên cứu tại Đại học Bergen (Na Uy), và các cộng sự phát hiện cư dân cổ đại sống trong hang Blombos là những người có khả năng vẽ. Năm 2011, nhóm nghiên cứu tìm thấy một “bộ công cụ” nghệ thuật cổ xưa, trong đó bao gồm một cặp vỏ ốc sên lớn chứa dư lượng màu vẽ đất son. Sau 7 năm tiến hành thí nghiệm, nhóm nghiên cứu mới công bố những phát hiện của mình.

Nghệ thuật trong thời kỳ đồ đá

Trong lớp trầm tích 73.000 năm tuổi tại hang Blombos, Henshilwood và các đồng nghiệp khai quật được một phiến đá dài 4 cm, có sáu đường thẳng song song bị ba đường thẳng khác gạch chéo (giống như biểu tượng dấu thăng #). Nhóm nghiên cứu sử dụngkính hiển vi điện tử và quang phổđể xác định cấu trúc của vật thể, đồng thời xem xét nó là do con người tạo ra hay hình thành một cách tự nhiên. Họ cũng sử dụng những phương pháp vẽ khác nhau trên đá nhằm mô phỏng lại cách thức người cổ đại tạo ra bản vẽ.

Kết quả cho thấy, các đường kẻ dường như được vẽ bằng “bút đất son”. Để tạo ra hình vẽ như vậy, nghệ sĩ cổ đại phải dùng một chiếc “bút” đủ cứng, có đầu nhọn từ 1 mm đến 3 mm. Tác phẩm nghệ thuật này giúp các nhà nghiên cứu có được cái nhìn đầu tiên về cách thức những cư dân thời tiền sử của hang Blombos sử dụng đất son như một loại màu vẽ.

Người cổ đại sử dụng đất son để vẽ lên phiến đá. Ảnh: Craig Foster

“Đây là bản vẽ được biết đến sớm nhất trong lịch sử loài người. Nó rất trừu tượng đối với chúng ta, nhưng mang ý nghĩa quan trọng đối với những người sống trong thời tiền sử”, Francesco d’Errico, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Bordeaux (Pháp), cho biết.

Quan sát đường vẽ đứt đoạn đột ngột ở các góc của phiến đá, nhóm nghiên cứu tin rằng hình vẽ ban đầu phải lớn hơn. Do đó, phiến đá phải là một phần của một tảng đá mài có kích thước lớn, nhưng kích cỡ chính xác của nó chưa thể xác định rõ. Các họa tiết của bản vẽ có thể bao phủ gần hết bề mặt tảng đá được mài nhẵn.

“Các đường vẽ chéo nhau trên phiến đá làm gợi nhớ đến họa tiết khắc trên những vật thể phát hiện trước đó tại hang động. Hình vẽ được sao chép với các kỹ thuật khác nhau trên những môi trường vật liệu khác nhau. Điều này cho thấy, hình vẽ trên phiến đá là một biểu tượng quan trọng, nhưng ý nghĩa của nó thì vẫn còn là điều bí ẩn”, d’Errico nói.

Alistair Pike, nhà khảo cổ tại Đại học Southampton, (Anh) cho biết, phát hiện trên cung cấp bằng chứng rõ hơn về nghệ thuật trong thời kỳ đồ đá so với khám phá tại một số địa điểm khảo cổ khác. Không có cách nào để chứng minh chắc chắn rằng, các nét khắc trìu tượng trên phiến đá là một tác phẩm nghệ thuật, thay vì chỉ đơn giản là dấu vết của một ai đó mài sắc một công cụ trên một bề mặt cứng hơn. “Nhưng các nét vẽ có sử dụng chất màu. Vì vậy, nhiều khả năng là do con người vẽ một cách có chủ ý”, Pike nói.

Người Neanderthal cũng có khả năng vẽ giống người hiện đại

Người hiện đại (Homo sapiens) đầu tiên sống trong hang Blombos đã tạo ra những bức vẽ tượng hình trên đá cho đến khi họ sở hữu nhận thức và hành vi tương đối hiện đại. Điều bí ẩn là hình vẽ trên đá không phải là hình động vật hay bàn tay giống trong nhiều hang động khác.

“Chắc chắn hình vẽ phải mang một ý nghĩa nào đó. Chúng tôi chỉ có thể khẳng định rằng, đó là sản phẩm của trí óc con người. Người xưa thực hiện tác phẩm này hoàn toàn có chủ tâm và sự tỉ mỉ”, Henshilwood nhận định.

Trước đó,các bức vẽ thời tiền sử có niên đại ít nhất 40.000 năm trên vách hang El Castillo ở Tây Ban Nha và các hang ở đảo Sulawesi, Indonesia được coi là những bản vẽ lâu đời nhất của người hiện đại.

Người Neanderthal cũng có khả năng vẽ gần như cùng thời điểm với người hiện đại trong thời tiền sử. Đầu năm 2018, Pike và Pettitt công bố bằng chứng cho thấy người Neanderthal sống trong các hang động ở Tây Ban Nha đã vẽ lên tường ít nhất 65.000 năm trước.

“Người hiện đại thời kỳ đầu và người Neanderthal dường như bắt đầu biết vẽ cùng lúc. Điều này có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”, April Nowell, nhà khảo cổ học tại Đại học Victoria (Canada), cho biết. Tuy nhiên, những khám phá trong tương lai có thể nới rộng thời gian xuất hiện khả năng vẽ của hai chủng người này.

“Chúng tôi không quá bất ngờ khi con người học cách thể hiện bản thân thông qua hình vẽ. Hành vi của người hiện đại phát triển dần dần, và chủng người khác cũng có thể phát triển các hành vi tương tự”, Nowell nói. “Không nên ngạc nhiên khi khả năng vẽ của chúng ta được chia sẻ với các chủng người khác.”