Nhiều người có thể nghĩ rằng trường đại học lâu đời nhất thế giới nằm ở châu Âu hoặc Trung Quốc, nhưng thực tế không phải như vậy. Danh hiệu này thuộc về Đại học Al-Qarawiyyin ở Vương quốc Ma-rốc, một quốc gia tại khu vực Bắc Phi.

Trường Đại học Al-Qarawiyyin. Ảnh: Alamy.
Trường Đại học Al-Qarawiyyin. Ảnh: Alamy.

Theo ghi nhận của Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness, Đại học Al-Qarawiyyin thành lập năm 859 sau Công nguyên là tổ chức giáo dục lâu đời nhất thế giới còn hoạt động đến ngày nay. Đây cũng là trường đại học đầu tiên cấp bằng tốt nghiệp cho những người theo học, và nó được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Trước đây, Đại học Al-Qarawiyyin từng là trung tâm giáo dục và tâm linh hàng đầu của thế giới Hồi giáo ở thành phố Fes, Vương quốc Ma-rốc (Morocco). Ngôi trường này được Fatima al-Fihri, một phụ nữ trẻ người Tunisia xây dựng.

Hơn 1200 năm trước, Mohammed al-Fihri, một thương nhân giàu có ở Qayrawan (Cộng hòa Tunisia ngày nay), cùng gia đình chuyển đến sống tại thành phố Fes. Ông là một trong số nhiều người trên khắp khu vực Bắc Phi di cư đến các thành phố thịnh vượng của Ma-rốc. Ông có hai người con gái Fatima al-Fihri và Mariam al-Fihri. Cả hai đều được giáo dục kỹ lưỡng cũng như rất sùng đạo.

Khi Mohammed al-Fihri qua đời, Fatima al-Fihri và Mariam al-Fihri thừa kế gia tài khổng lồ mà cha để lại [không giống nhiều quốc gia trên thế giới, phụ nữ ở các quốc gia Hồi giáo vẫn có quyền thừa kế bình đẳng như nam giới]. Fatima al-Fihri cho rằng mình đột nhiên trở nên giàu có là do nhận được phước lành của thánh Allah. Do đó, cô nguyện dành toàn bộ tài sản thừa kế của mình để xây dựng một trung tâm giáo dục và nhà thờ Hồi giáo, nơi cộng đồng dân cư có thể đến tìm hiểu và thực hành các nghi lễ truyền thống của người theo đạo Hồi. Người ta biết không nhiều về Fatima al-Fihri, nhưng câu chuyện của cô đã góp phần làm sáng tỏ vai trò của người phụ nữ trong xã hội Hồi giáo thời bấy giờ. Fatima al-Fihri không phải là người phụ nữ duy nhất thành lập trường đại học và nhà thờ hồi giáo, nhưng Đại học Al-Qarawiyyin do cô sáng lập được biết đến là lâu đời nhất.

Hiện nay, thư viện của Đại học Al-Qarawiyyin cũng là một trong những thư viện lâu đời nhất thế giới. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá đạo Hồi và phục vụ mục đích nghiên cứu học thuật. Thư viện chứa hơn 4.000 bản thảo, trong đó một số tài liệu có niên đại từ thế kỷ thứ 9. Đáng chú ý nhất là tập hợp các bản ghi chép cổ xưa về lời dạy của nhà tiên tri Muhammad. Người Hồi giáo gọi các bản ghi chép này là Hadith.

Đại học Al-Qarawiyyin ban đầu chỉ là nơi để người Hồi giáo ở thành phố Fes thực hành đức tin của họ, đồng thời giúp họ mở rộng thêm kiến thức về các vấn đề tâm linh. Nhưng sau đó, Đại học Al-Qarawiyyin ngày càng trở nên nổi tiếng. Cộng đồng người Hồi giáo trải dài từ Tây Ban Nha đến Ấn Độ bắt đầu tìm đến ngôi trường này để học tập. Từ lời chỉ dẫn của Kinh Qur’an, Đại học Al-Qarawiyyin mở rộng nội dung giảng dạy sang cả ngữ pháp tiếng Ả Rập, thư pháp, toán học, âm nhạc, hóa học, luật pháp, huyền học, y học, thiên văn học, lịch sử, địa lý và hùng biện.

Phòng đọc sách của Đại học Al-Qarawiyyin. Ảnh: CNN.
Phòng đọc sách của Đại học Al-Qarawiyyin. Ảnh: CNN.

Sự nổi tiếng về khía cạnh giáo dục của Đại học Al-Qarawiyyin nhanh chóng vượt xa danh tiếng của các nhà thờ hồi giáo thời bấy giờ. Đại học Al-Qarawiyyin được cả thế giới biết đến là nơi thường xuyên diễn ra những cuộc thảo luận và tranh luận lớn về tôn giáo, học thuật, cũng như các vấn đề chính trị. Ngoài chương trình đào tạo đa dạng, trường đại học đã thu hút được nhiều giáo viên giỏi, tận tâm với công việc.

Hằng năm, số lượng đơn đăng ký vào Đại học Al-Qarawiyyin khá lớn. Do đó, hội đồng nhà trường buộc phải xây dựng một qui trình tuyển chọn nghiêm ngặt. Nhiều điều kiện đầu vào khắt khe vẫn còn áp dụng cho đến tận ngày nay. Ví dụ, các ứng viên phải ghi nhớ toàn bộ Kinh Qur’an nếu muốn nhập học.

Với danh tiếng của mình, Đại học Al-Qarawiyyin nhận được sự quan tâm của nhiều vị vua và thương nhân giàu có, những người hy vọng sẽ mang đến cho con cái của họ nền giáo dục tốt nhất. Họ trở thành người bảo trợ của Đại học Al-Qarawiyyin với khoản tiền trợ cấp hào phóng, quà tặng, đặc biệt là sách và bản thảo – những thứ khá khan hiếm trong thế kỷ thứ 9.

Đại học Al-Qarawiyyin là nơi sản sinh ra nhiều học giả nổi tiếng. Họ là những trí thức có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lịch sử trí tuệ và các lĩnh vực học thuật của thế giới Hồi giáo. Một số tên tuổi lớn có thể kể đến bao gồm: Abu Madhab Al-Fasi (người nổi tiếng với trường phái tư tưởng “Maliki”), nhà văn Ibn Rushayd al-Sabti, nhà thần học Mohammed Ibn al-Hajj al-Abdari al-Fasi, nhà địa lý Muhammad al-Idrisi, sử gia Ibn Khaldun, nhà triết học Ibn al-Khatib, nhà thiên văn Nur ad-Din al-Bitruji,…

“Gerbert of Aurillac (930-1003), người sau này trở thành Giáo hoàng Sylvester II của Giáo hội Công giáo, cũng từng là sinh viên tại Đại học Al-Qarawiyyin. Ông là người có công lớn trong việc truyền bá việc sử dụng số 0 và các chữ số Ả Rập sang châu Âu”, theo Quỹ Khoa học, Công nghệ và Nền văn minh (FSTC) có trụ sở tại Anh.

Trong lúc châu Âu bị nhấn chìm trong Thời kỳ Đen tối (Dark Ages) – giai đoạn suy thoái văn hóa, kinh tế xảy ra ở châu Âu sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ – xã hội Hồi giáo vẫn phát triển mạnh mẽ. Khi đó, Đại học Al-Qarawiyyin đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi văn hóa và chuyển giao kiến ​​thức giữa người Hồi giáo và người châu Âu. Nhờ các học giả người Hồi giáo mà vô số tác phẩm của người La Mã và Hy Lạp cổ đại được bảo tồn và biên dịch.

Mặc dù là trung tâm giáo dục và tâm linh hàng đầu của người Hồi giáo, Đại học Al-Qarawiyyin vẫn bị nhiều người châu Âu xem thường. Khi người Pháp chinh phục Ma-rốc, họ thậm chí còn tìm cách “văn minh hóa” trường đại học ở châu Phi này. Rất may những nỗ lực của họ đã thất bại, và các học giả vẫn tiếp tục nghiên cứu và thảo luận về Kinh Qur’an.

Năm 1963, Đại học Al-Qarawiyyin chính thức trở thành trường đại học công lập, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục Ma rốc. Ngày nay, nó phát triển thành một trong những trường đại học hàng đầu về khoa học tự nhiên, thu hút hàng chục nghìn sinh viên theo học mỗi năm.