Các nhà khoa học đang nghiên cứu khứu giác thính nhạy của loài chó với hi vọng chúng sẽ trở thành phương tiện dự đoán bệnh ít can thiệp và đáng tin cậy hơn so với những xét nghiệm thông thường.

1. Bệnh sốt rét


Cô chó Freya được huấn luyện để phát hiện bệnh sốt rét. Ảnh: Đại học Durham
Cô chó Freya được huấn luyện để phát hiện bệnh sốt rét. Ảnh: Đại học Durham

Đầu tháng 11, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Durham (Anh) đã đưa ra bằng chứng cho thấy chó có thể đánh hơi bít tất của người để phát hiện xem họ có bệnh sốt rét hay không. Steven Lindsay, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ “Vấn đề là trong khi một số người bị ốm rất nhanh vì sốt rét, một số người khác có thể mang ký sinh trùng mà không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Nếu trong 1.000 người có một người mắc ký sinh trùng này, chúng ta không thể chích ngón tay và lấy mẫu máu tất cả 1000 người để xét nghiệm tìm ra 1 người đó. Cần phải có một cách tiếp cận không xâm lấn.”

Theo ông, câu trả lời có thể nằm trong mũi của loài chó. "Cá thể bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét tạo ra mùi trong hơi thở và trên da, đây là những tín hiệu rất cụ thể." Họ huấn luyện một chú chó giống Labrador và một chú chó lai Labrador-Retriever tham gia thí nghiệm ngửi bít tất của 30 đứa trẻ bị nhiễm sốt huyết (nhưng không có triệu chứng) và 145 trẻ không bị nhiễm virus. Kết quả cho thấy mỗi con chó đã xác định đúng khoảng 70% bít tất của trẻ mắc sốt rét.

Mặc dù các xét nghiệm phát hiện bệnh sốt rét nhanh và rẻ đã có từ hơn một thập kỷ qua, để sàng lọc tìm ra “kẻ vận chuyển bệnh” giữa đám đông thì kỹ năng đánh hơi của chó thực sự rất hữu ích.

2. Ung thư tuyến tiền liệt

Năm 2015, các nhà khoa học Ý thông báo rằng họ đã huấn luyện được 2 chú chó Chăn cừu Đức để phát hiện các hóa chất liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt trong mẫu nước tiểu. Hai chú chó được ngửi mẫu nước tiểu từ 900 người, trong đó có 360 người bị ung thư tuyến tiền liệt và đã đánh hơi được đúng tới 90% các trường hợp. Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm máu tiêu chuẩn PSA hiện đang dùng được coi là không đủ tin cậy để sàng lọc.


Chú chó giống tham gia vào thử nghiệm ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh: Emma Jeffery / PA
Chú chó giống tham gia vào thử nghiệm ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh: Emma Jeffery / PA

Bà Claire Guest, đồng sáng lập ra Trung tâm huấn luyện chó phát hiện sự cố y tế (MDD), nhận xét: "Trong những năm qua, hàng triệu pound tiền tài trợ của chương trình Dịch vụ Y tế Quốc gia (Anh) đã được đổ vào các phương pháp thử nghiệm truyền thống, nhưng vẫn không mấy cải thiện được độ tin cậy”. Điều này tạo ra "một sự lãng phí nguồn lực rất lớn ", bà Guest nói, chưa kể đến sự bất tiện khó khăn cho cá nhân người bệnh.

Hiện nay, Bệnh viện trường Đại học Milton Keynes NHS (Anh) đang thực hiện một nghiên cứu tiếp diễn với Trung tâm MDD, nhằm đánh giá khả năng hoạt động của các chú chó tại môi trường phòng khám thông thường.

3. Bệnh tiểu đường

Những chú chó đã được biết đến với khả năng cảnh báo người mắc bệnh tiểu đường khi đường huyết của họ lên quá cao hoặc xuống quá thấp. Một tổ chức từ thiện tại Anh quốc mang tên Hypo Hounds chuyên huấn luyện các chú chó cưng để đánh hơi thấy những thay đổi trong hơi thở hoặc mồ hôi của chủ. Theo kết quả thực tiễn, các chú chó cưng có thể phát hiện vấn đề nhanh hơn máy theo dõi đường Glucose.

Coco, cô chó được huấn luyện để phát hiện những biến đổi của bệnh tiểu đường. Ảnh: Hypo Hounds
Coco, cô chó được huấn luyện để phát hiện những biến đổi của bệnh tiểu đường.
Ảnh: Hypo Hounds

Cô chó Coco đã được tham gia huấn luyện tại Hypo Hounds. Dự kiến, chương trình huấn luyện sẽ hoàn thành khi Coco có khả năng phát hiện đến 80% những lúc đường huyết của cô chủ Millie lên quá cao hoặc quá thấp. Những lúc đó, Coco sẽ báo cho Millie bằng cách sủa hoặc đặt chân lên người cô bé, và đi mang hộp cứu thương đến. Mặc dù Millie đang đeo 1 thiết bị giám sát glucose liên tục (CGM) để định lượng nồng độ đường trong dịch mô tế bào (chứ không phải trong máu), nhưng do lượng đường trong dịch mô phản ứng chậm hơn so với đường huyết, nên thiết bị này có độ báo trễ khoảng 15 phút sau khi nồng độ đường lên quá mức. Trong khi đó, chú chó cảnh báo có thể phát hiện những thay đổi glucose trong khoảng 30 phút trước mức nguy hiểm.

4. Bệnh Parkinson

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Manchester (Anh) cùng Trung tâm huấn luyện chó phát hiện sự cố y tế (MDD), đang nỗ lực huấn luyện chó để phát hiện bệnh Parkinson trước khi bệnh phát tác nhiều năm. Họ tin rằng bệnh Parkinson có thể mang một mùi đặc trưng, khi một người phụ nữ ở Perth, Scotland, với chiếc mũi vô cùng nhạy cảm đã cho rằng mùi của chồng cô thay đổi từ sáu năm trước khi được chẩn đoán căn bệnh này.

Huấn luyện chó phát hiện sự cố y tế: Ảnh: Emma Jeffery/PA
Huấn luyện chó phát hiện sự cố y tế: Ảnh: Emma Jeffery/PA

Tại Anh quốc, cứ 500 người thì có 1 người bị bệnh Parkinson, khiến tổng số người bệnh lên đến 127.000. Bệnh Parkinson gây ra bởi sự suy giảm các tế bào thần kinh trong một khu vực nhất định của não, người mắc bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển và thậm chí nói năng. Hiện vẫn chưa có một xét nghiệm cụ thể nào có thể giúp chẩn đoán chắc chắn bệnh Parkinson và các triệu chứng thường chỉ biểu hiện ra khi hơn một nửa lượng tế bào thần kinh liên quan trong não đã bị mất.

Hai chú chó giống Labradors và Cocker Spaniel đã bắt đầu làm việc trên mẫu gạc lấy từ 700 người để phát hiện mùi. Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng máy đo khối phổ để phân chia các mẫu theo các nhóm phân tử thành phần và dùng những chú chó để xác định chất hóa học chính nào liên quan đến bệnh Parkinson.

5. Ung thư vú

Các chú chó cũng đang được thử nghiệm tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe NHS Buckinghamshire (UK) để xem xét khả năng phát hiện ung thư vú của chúng.

Bà Guest, Giám đốc Trung tâm huấn luyện chó phát hiện sự cố y tế (MDD) tham gia nghiên cứu cho biết, “Đây là một hướng nghiên cứu rất hấp dẫn. Nghe có vẻ không hợp lý khi cho rằng ung thư vú có thể tạo ra các chất dễ bay hơi xuất hiện trong các mẫu hơi thở, nhưng chúng ta đã có đủ những bằng chứng giai thoại và kiểm định phụ để tự tin theo đuổi hướng đi này. Nếu cách này hiệu quả, nó sẽ đem đến một cuộc cách mạng trong hiểu biết về ung thư vú.”

Mũi của loài chó nhạy gấp 10.000 đến 100.000 nghìn lần so với mũi của con người. Ảnh: MDD
Mũi của loài chó nhạy gấp 10.000 đến 100.000 nghìn lần so với mũi của con người.
Ảnh: MDD

Nếu chó có thể phát hiện dạng ung thư này từ hơi thở của phụ nữ, nó sẽ cho phép việc khám nghiệm diễn ra thường xuyên hơn. Hiện nay, phụ nữ trên 50 tuổi chỉ được phép khám 3 năm/lần do phơi nhiễm phóng xạ khi chụp X quang. Theo bà Guest. “Về dài hạn, chúng tôi hi vọng sẽ hỗ trợ các nhà nghiên cứu phát triển một sản phẩm Mũi điện tử, để phát hiện mùi ung thư thông qua các xét nghiệm giá rẻ, nhanh chóng và không xâm lấn. Nếu chứng minh được nguyên tắc ung thư vú có thể phát hiện trong hơi thở người, thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng máy móc để phát hiện mùi đó.”

Trung tâm MDD cho biết họ sẽ tiến hành nghiên cứu theo cách tương tự như thí nghiệm đăng trên Tập san Y khoa BMJ (Vol.329; năm 2004), dùng mũi của loài chó để phát hiện ung thư bàng quang. Dự kiến sẽ có ít nhất 4 chú chó được huấn luyện để phát hiện ung thư vú, một vài trong số đó có thể là những con chó đã được huấn luyện trước đây để đánh hơi ung thư từ nước tiểu.