Chủ nghĩa tự do, tri thức khoa học và cách mạng công nghệ, luôn được coi như những ngọn đèn khai sáng dẫn dắt nhân loại tiến lên, nhưng chúng ta đang bị ánh sáng chói lòa làm lóa mắt, mất phương hướng, dò dẫm lạc lối.

Tác giả Yuval Noah Harari
Tác giả Yuval Noah Harari

Chỗ tối nhất chính là chân cột đèn, và Yuval Noah Harari đã soi rọi nó cho chúng ta thấy qua cuốn sách mới nhất: 21 bài học cho thế kỷ 21.

Nếu như hai cuốn Lược sử loài người và cuốn Lược sử tương lai xuất bản trước đây của cùng tác giả giống như việc soi rọi lại lịch sử, mở rộng tầm nhìn, dự báo về tương lai, thì cuốn 21 bài học cho thế kỷ 21 giống như một cái nhìn trực diện vào thế giới hiện tại.

Kế thừa những gì tốt nhất từ hai cuốn sách trước, 21 bài học là 21 chủ đề được chia làm 5 phần - hãy đặc biệt chú ý đến những tiêu đề được in đậm trong bài viết này), tác giả cuốn sách đã sắp xếp các chủ đề một cách có chủ đích theo thứ tự liền mạch - đem đến cho người đọc một cách tiếp cận bao quát và dễ hiểu nhất, về những vấn đề mang tính sinh tử của loài người, trong thế kỷ này.

cuốn sách mới nhất: 21 bài học cho thế kỷ 21.
Cuốn sách 21 bài học cho thế kỷ 21.

Dường như tác giả đã đặt trọng tâm của cuốn sách ở phần đầu có tiêu đề Thách thức công nghệ. Việc bắt đầu cuốn sách với chủ đề đầu tiên là Vỡ mộng giống như gây ra một cú sốc cho người đọc vậy. Tất cả những ảo ảnh tốt đẹp nhất về chủ nghĩa Tự do và những mô hình kinh tế, xã hội ưu việt nhất mà nó vẽ ra, đang bộc lộ những lỗ hổng, cái mà tác giả gọi là “sự lâm nguy của chủ nghĩa tự do”. Những mô hình dân chủ và tự do được coi như mẫu mực đang phải loay hoay chắp vá, thậm chí tự xây nên những bức tường biên giới và thuế quan. Toàn cầu hóa và tự do thương mại là xu hướng không thể đảo ngược, nhưng trong tiến trình này, thế giới hóa ra lại không phẳng lặng như Thomas Friedman từng nghĩ. Nếu đọc Thế giới phẳng (2005) của Thomas Friedman chúng ta thấy lạc quan bao nhiêu, thì 21 bài học cho thế kỷ 21 lại đầy rẫy những nguy cơ u ám được cảnh báo.

Một trong những hiểm họa tiềm ẩn lớn nhất là thị trường tự do không có khả năng hạn chế lòng tham của chính nó. Bình đẳng và lợi ích đa phương dường như chỉ là một khẩu hiệu quảng cáo. Hầu hết lợi nhuận sẽ rơi vào tay một nhóm nhỏ tinh hoa nào đó. Người ta sẵn sàng làm mọi thứ vì lợi nhuận, để đáp ứng những nhu cầu tham lam nhất của xã hội tiêu dùng. Và thậm chí bước tiếp theo, công nghệ sinh học kết hợp với trí tuệ nhân tạo đỉnh cao có thể cho phép người ta điều khiển ngay chính nhu cầu của con người. Còn gì đáng sợ hơn khi chúng ta có thể trở thành những con rối bị giật dây, thao túng, bị điều khiển ngay từ cảm xúc trở đi.

Và thứ mà chúng ta tưởng là ý chí Tự do, là bản sắc riêng của mình, hóa ra chỉ là một mệnh lệnh của những thuật toán hoặc thế lực nào đó gieo vào tâm trí mà ta ngoan ngoãn tuân theo. Hãy xem cách mà Facebook, Google đang chi phối cuộc sống của chúng ta thì rõ ngay. Các thuật toán chiều chuộng tất cả những sở thích của chúng ta, trả lời mọi câu hỏi thắc mắc; chúng mời mọc chúng ta mua sắm online, gợi ý những trang web nên xem, sử dụng những dịch vụ tiện ích. Chỉ một vài cú nhấp chuột, chúng ta lại cung cấp thêm thông tin cá nhân cho các thuật toán. Máy móc với các siêu liên kết dữ liệu đã thu thập nhiều thông tin đến nỗi chúng hiểu chúng ta hơn chính chúng ta.

Và điều kinh khủng đó được gọi tên rất chính xác: Chúng ta không phải khách hàng, chúng ta trở thành sản phẩm của các nền độc tài số. Nghe thật phi nhân tính, nhưng tiến trình này đã bắt đầu xảy ra. Nó là một nguy cơ nhãn tiền không thể né tránh mà loài người cần ý thức, và né được chừng nào hay chừng đó. Cuộc bùng nổ cách mạng công nghệ trong mọi lĩnh vực khoa học ứng dụng tạo ra vô vàn máy móc thông minh, những cú nhảy vọt trong mọi phương thức sản xuất của cải vật chất, thay thế lao động truyền thống, đảo lộn những mối quan hệ thương mại truyền thống, gây đứt gãy sự liền mạch vốn có, và bỏ lại phía sau phế thải là những mô hình cũ kỹ lạc hậu.

Trong đống phế thải đó, là vô số thế hệ những con người không kịp nâng cấp kiến thức, tay nghề, đã trở nên lạc hậu, vô dụng. Bị bóc lột và chịu bất công đã là một bi kịch, nhưng không bị bóc lột mà trở nên vô dụng trên cõi đời này còn đáng sợ hơn nhiều! Ngay cả một phi công giỏi cũng có thể bị thay thế bởi một máy bay không người lái thế hệ mới, các ứng dụng kiểu như taxi Grab sẽ lạc hậu khi taxi tự hành thay thế. Mọi nghề nghiệp và Công việc đang “hot” hôm nay có thể chỉ nay mai đã trở nên lạc hậu, biến mất, với tốc độ chóng mặt.

Phần II cuốn sách có nhan đề Thách thức chính trị gồm 5 bài học/chủ đề được mổ xẻ lần lượt là Cộng đồng – Văn Minh – Chủ nghĩa dân tộc – Tôn giáo – Nhập cư.

Với những ý định tốt đẹp, các công ty công nghệ tham vọng xây dựng nên những cộng đồng gắn kết hơn, gần gũi hơn cho loài người. Nền văn minh thế giới đang dần hợp nhất và đồng ý thỏa hiệp với nhau về hầu hết những vấn đề cơ bản, các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng nghịch lý ở chỗ, song hành cùng với nền văn minh toàn cầu là sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc và các cuộc khủng hoảng liên miên. Con người có vẻ gần gũi nhau hơn, nhưng lại chia rẽ hơn bao giờ hết.

Cuộc mổ xẻ tiến sâu hơn vào chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo, và nhập cư. Đó là những vấn đề nhạy cảm nhất, dễ gây tranh cãi và tổn thương nhất. Tác giả thẳng thừng chỉ ra các vấn đề toàn cầu đòi hỏi những câu trả lời toàn cầu. Chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo chỉ như một cái phao nổi, một nước sơn trên mảnh gỗ mà nhân loại có thể bám víu trong cơn đại hồng thủy.

Với những nguy cơ hạt nhân, thảm họa sụp đổ sinh thái, đứt gãy công nghệ, sự phát sinh “tầng lớp vô dụng” và “các nền độc tài số”, thì chủ nghĩa dân tộc với mối quan tâm chủ yếu liên quan đến các mâu thuẫn lãnh thổ sẽ chẳng có một lời giải nào hết. Tôn giáo cũng không giúp ích gì trong những thảm họa kiểu này. Cách mạng công nghệ ở thế kỷ 21 đòi hỏi ở nhân loại một tầm nhìn toàn cầu, tầm nhìn vũ trụ. Sau vài tỉ năm tiến hóa và chọn lọc tự nhiên, loài người đứng trước nguy cơ rất có thể sẽ biến mất, để nhường chỗ cho một giống loài tạm gọi là “siêu nhân” mới.

Đây chỉ là một gợi ý của cuốn sách. Nghe thật điên rồ, nhưng nó không thể ngăn cản chúng ta suy nghĩ rằng theo con đường tiến hóa và chọn lọc nhân tạo thì nó sẽ diễn ra như vậy. Cuộc cách mạng kết hợp giữa công nghệ sinh học và trí thông minh nhân tạo có thể khiến một số nhóm tinh hoa đặc quyền đầu tư vào biến đổi, nâng cấp sức khỏe, tuổi thọ, trí thông minh, trở thành “siêu nhân” và dành quyền kiểm soát tất cả. Con thuyền Noah có thể sẽ được các “siêu nhân” quyết định mang theo vài đại diện cho các màu da của loài người, để sử dụng vào mục đích nghiên cứu chẳng hạn. Đây không phải một bộ phim viễn tưởng, đây là một trong những viễn cảnh về những ngả đường tiến hóa mà các nhà khoa học đã bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên.

Phần III với tiêu đề Tuyệt vọng và hy vọng, được bắt đầu bằng bài học thứ 10: Chủ nghĩa khủng bố. Nhưng ngay lập tức chúng ta được trấn an rằng: Đừng hoảng sợ! Bởi tác giả định nghĩa rằng chủ nghĩa khủng bố là vũ khí của một nhóm bên lề và yếu ớt của loài người. Như một con ruồi vo ve trong tai con bò mộng để kích động con bò phát rồ lên phá nát tiệm đồ sứ, những kẻ Hồi giáo đã kích động con bò mộng Hoa Kỳ phá hủy tiệm đồ sứ Trung Đông kể từ sau vụ 11 tháng Chín. Chủ nghĩa khủng bố càng nở rộ từ trong đống đổ nát. Và thế giới này không thiếu gì những con bò nóng tính.

Đó là một đoạn miêu tả xuất sắc đầy mỉa mai về chủ nghĩa khủng bố và cách mà nước Mỹ mắc bẫy trong cuộc chiến chống khủng bố. Cơn ác mộng này đã kéo dài hai thập kỷ và chưa hề dừng lại, cứ chặt đầu này, con rắn lại mọc ra những cái đầu khác vậy. Ngày 26/10/2019 vừa mới đây thôi, Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt được Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao của IS. Vâng, nhưng rồi sao? Bin Laden, Zarqawi, Baghdadi, rồi tiếp theo sẽ là những cái tên nào nữa? Thế giới này sẽ ra sao nếu vũ khí hạt nhân rơi vào tay những kẻ khủng bố? Liệu thế chiến có lại tái diễn?

Chiến tranh, Khiêm nhường, Chúa, Chủ nghĩa thế tục – đó là 4 chủ đề tiếp theo được đưa ra trong phần III.

Chính sự ngu xuẩn sẽ dẫn đến chiến tranh, và đừng bao giờ đánh giá thấp sự ngu xuẩn của loài người. Chiến tranh hiện đại với vũ khí hạt nhân đồng nghĩa cả nhân loại sẽ thua, không ai thắng cả. Cũng đừng trông chờ vào những giáo điều cao cả của tôn giáo, hoặc nhân danh Chúa một cách vô tội vạ. Chúng ta nên hy vọng vào sự khiêm nhường và chủ nghĩa thế tục, không mù quáng tin vào sự tuyệt đối, ý thức được sự không hoàn hảo của chính mình, thì khi đó loài người sẽ có hy vọng có được những lựa chọn tốt đẹp.

Phần IV có tiêu đề Sự thật, được chia thành 4 bài học nhỏ có tên là Ngu dốt - Công lý - Hậu sự thật - Khoa học viễn tưởng. Mặc dù sức nặng trọng tâm đã dồn về những phần đầu cuốn sách, thì phần IV vẫn cực kỳ hấp dẫn. Bám sát và cập nhật thế giới thực tại với những kiến thức tổng hợp, tác giả cho thấy chúng ta ngày càng ít nhận biết được thế giới này hơn chúng ta tưởng. Chúng ta chết chìm trong biển rác thải thông tin, trong hỏa mù của nhiễu loạn và những thực tại ảo, tin giả, quảng cáo, dối trá, rồi bỗng dưng nhận ra bị bỏ lại phía sau lúc nào không hay biết.

Phần V với tiêu đề Bền bỉ là 3 bài học cuối có tên Giáo dục – Ý nghĩa – Thiền. Những chủ đề này mang nhiều dấu ấn trải nghiệm cá nhân của tác giả, mô tả quá trình khó khăn dằn vặt ra sao khi con người phải sống trong một thế giới đầy hoang mang bấn loạn, khi các câu chuyện huyền thoại cũ đã sụp đổ mà chưa hề có câu chuyện nào để thay thế. Làm sao để nhận thức được bản ngã/bản dạng của chính mình, nhận ra được rằng “thay đổi chính là hằng số duy nhất” của thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt này? Sự tồn tại của chúng ta đã là nan giải, nhưng chúng ta sẽ phải dạy con cái mơ ước điều gì, kỹ năng sống nào và nghề nghiệp nào sẽ giúp chúng tồn tại trong cuộc chạy đua khốc liệt của thế kỷ 21? Chúng ta thực sự là ai, muốn gì, và sẽ đi về đâu? Chúng ta có thực sự được lựa chọn tất cả những điều đó hay không?

Như một cuộc tự phân tâm (nhiều lần nhắc đến Freud trong cuốn sách), tác giả đã trải lòng và chia sẻ những kinh nghiệm mang tính cá nhân của mình. Cùng với những kiến thức uyên thâm trên mọi lĩnh vực, dường như cuốn sách đã giải đáp hầu hết những câu hỏi lớn lao nhức nhối nhất của thời đại, bằng những câu trả lời đầy cảm hứng gợi mở.

Sau khi đã giải thiêng tất cả những hệ tư tưởng và tôn giáo suốt bốn trăm trang sách, bài học cuối là trải nghiệm cái cách mà một con người có thể dừng bấn loạn lại, sống chậm lại, thiền định, lắng nghe hơi thở của chính mình, quan sát tâm trí chính mình, và tự tìm thấy lời giải đáp ở ngay đó.