Tính tới năm 2017, có khoảng 118.000 người Mỹ cần được ghép tạng, trong đó 65% nằm trong danh sách chờ, và cứ mỗi 10 phút lại thêm 1 người gia nhập đội quân – số liệu của Tổ chức United Network of Organ Sharing thuộc Liên hợp quốc (UNOS).

Không may, chỉ khoảng một nửa trong số 75.886 đang xếp hàng sẽ tìm thấy nguồn hiến tạng phù hợp và được phẫu thuật.

Các bác sĩ Nhật Bản đang thực hiện một ca ghép tạng. Ảnh: DPA

Tại Nhật Bản, mỗi năm có khoảng 40.000 người chờ đợi để có người cho tạng phù hợp. Tuy nhiên, tỷ lệ hiến tạng ở quốc gia này lại cực kỳ thấp so với nhu cầu thực tế.

Chẳng hạn trong năm 2015, Nhật Bản chỉ thực hiện 58 ca cấy ghép, trong khi ở Mỹ là 30.000, còn Tây Ban Nha có 4.360 được cứu sống sau các ca phẫu thuật cấy ghép.

Sỡ dĩ có tình trạng này ở Nhật là do những yếu tố ràng buộc về pháp luật, văn hóa, triết học, và cả tôn giáo. Ngoài ra, mặc dù có nền y học tiên tiến, nhưng các bác sĩ Nhật cũng thường tỏ ra dè dặt trong việc ghép tạng cho bệnh nhân. Năm 1968, giáo sư Juro Wada đã thực hiện một trong những ca ghép tạng đầu tiên ở Nhật Bản, tuy nhiên sau khi được thay tim tại Đại học Y khoa Sapporo, bệnh nhân đã qua đời và giáo sư Wada bị buộc tội giết người.