Du lịch nông nghiệp sinh thái là loại hình du lịch khá mới mẻ ở Hà Nội, nhưng có không ít tiềm năng. Một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển du lịch nông nghiệp là huyện Phúc Thọ.

Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái tại Phúc Thọ. Ảnh: Hương Lê

Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, du lịch nông nghiệp sinh thái dần trở thành “món ăn mới lạ”, bên cạnh các loại hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, khám phá... Hà Nội cũng đã có một số mô hình du lịch nông nghiệp, thí dụ như Trang trại đồng quê Ba Vì, Nông trại giáo dục Detrang... Tuy nhiên, các trang trại này chủ yếu phục vụ cho hoạt động trải nghiệm của học sinh thành phố. Trong khi đó, nhu cầu của khách du lịch đòi hỏi nhiều hơn thế.

Là huyện thuần nông, thuộc trung tâm văn hóa xứ Đoài trước đây, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 35km, huyện Phúc Thọ là địa phương có nhiều điều kiện để phát triển du lịch nông nghiệp. Về quy hoạch, Phúc Thọ đã được thành phố phê duyệt quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô. Về văn hóa, Phúc Thọ có Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn. Lễ hội đền Hát Môn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các di tích khác như: đình Tường Phiêu, đình Hạ Hiệp… đều có kiến trúc độc đáo, mang giá trị văn hóa, tâm linh đặc biệt. Xác định du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp nên thời gian qua, huyện đã có những định hướng phát triển nhất định như đăng ký thương hiệu cho những sản phẩm nông nghiệp: Rau muống tiến vua, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam…; khuyến khích người dân xây dựng nhà kiểu truyền thống, với mật độ thấp để bảo vệ những nét văn hóa. Đây là lợi thế để có thể thu hút khách du lịch muốn có trải nghiệm “làm nông dân”; cùng với việc thưởng thức các loại cây trái đặc sản tại địa phương.

Tuy nhiên, từ những nền tảng ban đầu đó đến việc xây dựng Phúc Thọ thành địa chỉ du lịch sinh thái còn một khoảng cách khá dài. Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp Phúc Thọ - Hà Nội, hợp tác giữa doanh nghiệp và điểm tham quan du lịch”, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú thừa nhận, huyện có những lợi thế nhất định nhưng chưa có kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái và huyện muốn lắng nghe sự đóng góp ý kiến, sự hợp tác của các chuyên gia, các doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, muốn phát triển du lịch thì cần phải xây dựng sản phẩm du lịch. Phúc Thọ là địa bàn giàu tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch, nhưng hiện chưa được khai thác. Để biến các cơ sở làng nghề, các cảnh quan, các sản vật thành sản phẩm du lịch, cần phải có sự liên kết, phối hợp, trao đổi giữa đơn vị lữ hành, nhà đầu tư...

Cùng chung quan điểm cần phải xây dựng những sản phẩm du lịch, đại diện Công ty Du lịch Vân Hải Xanh cho biết thêm, sản phẩm du lịch của Phúc Thọ phải mang nét đặc trưng theo từng mùa, có tính vùng, miền rõ rệt với từng sản phẩm. Điều này rất cần sự kết nối giữa các bên. Một số ý kiến khác cho rằng, việc phát triển du lịch tại Phúc Thọ nên gắn với những trải nghiệm đời thường, gắn với cuộc sống của người dân bản địa. Vì vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng cần được quy hoạch bài bản, cần giữ gìn nguyên trạng kiến trúc nhà ở, những tập tục, thói quen sinh hoạt vốn có của người dân; nghiên cứu khôi phục những giá trị văn hóa cổ truyền để cung cấp thêm những trải nghiệm độc đáo. Trước mắt, cần có sự liên kết giữa các điểm đến trong khu vực nội thành như các bảo tàng, khu di tích lịch sử, với điểm đến tại Phúc Thọ tạo thành những tour, tuyến, nhằm phục vụ cho nhu cầu đa dạng của khách hàng...

Hiện tại, trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã bắt đầu có một số mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái. Nổi bật nhất là Công ty TNHH Longlink Việt Nam xây dựng tour trải nghiệm miệt vườn Phúc Thọ: Green tour - Healthy life (Du lịch xanh - Cuộc sống mạnh khỏe). Tham gia tour du lịch này, khách hàng sẽ được tham quan những vườn hoa quả bạt ngàn mùa nào thức nấy, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa, tham gia làm vườn, cấy lúa, hái rau… Và trong bữa ăn, khách du lịch được thưởng thức những sản vật “cây nhà, lá vườn”, nhưng lại hết sức nổi tiếng, nhất là rau muống tiến vua ở Sen Chiểu.

Huyện Phúc Thọ cũng đã bắt đầu liên kết các điểm du lịch trên địa bàn với các điểm du lịch ở một số địa phương lân cận như chùa Thầy ở huyện Quốc Oai, làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây... Cách đây chưa lâu, Tổng cục Du lịch và các đơn vị lữ hành đã về Phúc Thọ khảo sát, trải nghiệm để phát triển sản phẩm nông nghiệp của huyện. Cùng với việc lãnh đạo huyện Phúc Thọ mạnh dạn coi du lịch nông nghiệp là hướng đi mới, có cơ sở để tin tưởng rằng vùng ngoại thành Hà Nội có thêm những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và ngoài nước.