Là một trong những đặc sản không thể không nhắc tới khi nói về món ngon Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì luôn có sức mạnh làm nao lòng những người từng thưởng thức qua.

Món bánh cuốn Thanh Trì đã từ lâu nổi danh trong thơ ca:

Thanh Trì có bánh cuốn ngon,
Có gò Ngũ nhạc, có con sông Hồng,
Thanh Trì cảnh đẹp, người đông,
Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh.

Hay câu:

Thanh Trì có bánh cuốn ngon
Ăn vào mát ruột mắn con chồng chiều

Bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng không chỉ ở Hà Nội, trong lãnh thổ Việt Nam mà còn được chọn làm quà đem đi nước ngoài biếu.

Để tạo dựng được danh tiếng, người làm bánh cuốn Thanh Trì (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải kỳ công gìn giữ món ăn truyền thống qua bao thế hệ.

Gạo được chọn để làm bánh cuốn thường là loại gạo khang dân, không quá dẻo, cũng không nát. Sau khi ngâm nước từ 2-3h thì đem đi xay nhuyễn. Bột này sau đó được hòa với một lượng nước vừa đủ rồi tráng lên miếng vải trắng dùng để bọc miệng nồi nước lúc nào cũng phải để sôi 100 độ C. Khi bánh chín, dùng một chiếc đũa tre xuyên vào, nhắc lớp bánh mỏng tang ra. Thoa một lớp mỡ hành rồi mới xếp bánh lại. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Và với những người tráng bánh lâu năm, mỗi động tác tráng bánh đã trở thành nghệ thuật: dẻo tay múc bột thoa đều trên mặt vải, lại thoăn thoắt lấy tre lấy bánh lên, thoăn thoắt bôi hành lên bánh, rồi xếp bánh.

Ảnh minh họa.

Khác với bánh cuốn ở những nơi khác, bánh cuốn Thanh Trì đúng chuẩn thường không có nhân, nên ngày trước thì người ta thường ăn kèm nó với đậu phụ rán giòn, còn giờ người ta thường dùng kèm với chả Ước Lễ.

Một thành phần không thể thiếu, có vai trò lớn quyết định tới chất lượng của món bánh cuốn Thanh Trì chính là nước chấm. Nước chấm được pha từ các loại nước mắm ngon, dấm nếp, thêm vài lát ớt tươi, giọt cà cuống và hành phi.

Vào mỗi buổi sáng, được ngồi thưởng thức đĩa bánh cuốn trong khung cảnh yên bình, mới thấy hết được cái giá trị của món ăn dân dã mà thanh tao này.