Để sử dụng dịch vụ của WeFit, người dùng chỉ cần tải ứng dụng này tại AppStore và Google Play… về máy, đăng nhập và sử dụng để đặt lịch tập luyện tại các phòng tập đối tác liên kết của WeFit.

Hiện nay, WeFit đang có 600 đối tác, với 250 đối tác tại Hà Nội và 350 đối tác tại TP Hồ Chí Minh. Nếu như sử dụng dịch vụ mua thẻ tập tại các trung tâm thể hình hay làm đẹp, khách hàng chỉ có lựa chọn duy nhất về hệ thống phòng tập và có thể bị giới hạn số lượng buổi tập, thời gian tập, môn tập.

Còn với WeFit, người tập sẽ có nhiều lựa chọn, với các phòng tập trải khắp nơi trong thành phố. Với các đối tác là phòng tập hay làm đẹp, trong khoảng thời gian từ 5h sáng đến 22h có nhiều múi giờ cao điểm và thấp điểm.

Người tập fitness sử dụng ứng dụng của WeFit.

WeFit sẽ giúp đưa đến những người tập vãng lai hoặc thường xuyên vào các giờ trống. Nguyễn Khôi - CEO của WeFit - cho biết, khi WeFit mới ra mắt, các chủ phòng tập thường lo sợ, WeFit sẽ “cướp” khách hàng của họ. Tuy nhiên, thực tế đây là mô hình đôi bên cùng có lợi. Khi có nhiều khách tới tập hơn, doanh thu sẽ chia đều cho cả hai. Bởi lẽ, thị phần của WeFit hướng tới là những người chưa bao giờ đi tập.

Sắp tới, Nguyễn Khôi sẽ mở rộng thị trường của WeFit ra thế giới. CEO 27 tuổi này cho biết, anh sẽ không đi vào các thị trường truyền thống như Đông Nam Á hay Mỹ bởi “Đông Nam Á là khu vực tiềm năng nhưng cái khó là mỗi nước có một ngôn ngữ khác nhau. Trong khi đó ở Nam Mỹ, tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp phổ biến. Còn Trung Quốc là thị trường lớn. Đây sẽ là hướng đi của tôi trong thời gian tới” – Khôi chia sẻ. Vì thế, trong phiên bản 2.0 mới được ra mắt, WeFit triển khai thêm phiên bản tiếng Anh.